Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Japan, 11.3

Có những lúc con rũ rượi một mình phía sau câu thơ vừa ngã rạp
ngôn ngữ nhỏ bé, hữu hạn, lạc lõng trợ duyên thâm trầm
tụ trên cánh đồng nắng như hạt muối buồn

Có những lúc con phụt khóc một mình phía trước màn hình
tin tức ngắn củn
xót tinh thể bụi

Mặt trời chợt lặn trên đất nước hằng mọc ánh sáng
Japan,11.3, cháy bùng ngọn sóng vỡ vạc bí bầu
trỗi thức lở lói

Japan, 11.3 thế giới nhận diện âm thanh gãy
đổ lênh láng mặt đất

Trang kế sẽ là thành phố trùm chăn ngủ
và gặt hái tâm hồn nhân loại ăn năn

Thượng Đế, cha vừa dựng lên xơ xác nỗi đục.
Yêu thương, quãng đại có là hư cấu?

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Chuyện phím ngày nóng

Chưa năm nào Việt Nam nóng như năm nay
Chưa khi nào Sài Gòn nóng như lúc này
Chưa bao giờ tôi nực nội đến vậy
Buổi trưa 35, 36 độ. Không gió. Cúp điện.

Ở quán cà phê Bông Giấy
Gian nan còn lại một muỗng
Và hơi thở mọi thứ dồn lại
Nén tôi như giọt đen rơi tí tách

Nguyễn Thị Hậu réo đến rồi đi
Thiên hạ đến rồi đi vội vã
Tôi nán lại chờ nắng tắt
Rồi ghé nhà thơ Ý Nhi đưa giúp sách

Khổ sở vì nắng tôi thở hồng hộc như con chó điên
Anh Được chủ quán nói tạt bên tai.
“Chưa năm nào Sài Gòn nóng như năm nay. Nóng cực đại”
Tôi cũng ậm ừ: “dạ, nắng quả là cực quá chừng anh nhỉ?!”

Em gái bưng li đen đá đến bàn bên. Nghe được.
Tủm tỉm cười, ngoắc mông quay đi khêu gió.

Nguyễn Lương Vỵ

Sau bữa rượu từ tâm ấm áp vị mưa phùn
Ánh mắt người thơ lô xô nhớ
Sóng Thu Bồn đọng gió tha la

Lanh canh mùa quạnh cheo cánh lang bạt
Quảng Nam liu xiu bóng tuổi mé nhà
Giọt huyết thống mang mang tuệ giác buổi sáng
Hồn nhiên trút những lời thác lũ

Bên kia dòng suối nhân tình
Giọng hò khàn đục buông lưới giăng miếng thở dài
Đùn xa vắng hốc trời ngụ cư linh lãng

Bay vào ngôn ngữ khứ hồi
Trĩu trầm luân lạc

Buổi trưa vắt phi trường Tân Sơn Nhất thành chiếc khăn mùi xoa
Miệt mài trổ bụi tư tưởng
Hiện trạng chắp vá kẹt đường chảnh chọe hình thức

Anh thấm từng gợn buồn lầy lội
Thắt dây an toàn

Cuối năm Sài Gòn bong cơn mưa bất chợt
Câu thơ cạy hồn bật chốt trào ra.

Mĩ Sơn

Thánh địa: người mẹ tâm linh thường trụ
Ngày ấy cha và những đứa con dứt áo từ bi
Nhổ neo trôi về nam

Thả thương nhớ cho rừng cây búi cỏ
Kí sinh văn minh

Nỗi buồn duyềnh gạch đá
Rướn đợi
Bước chân huyết thống

Chỉ vầng trăng soi đêm lung linh sóng

Ánh sáng được chăn trập trùng cánh quê
Thỉnh thoảng dắt đi tìm cỏ trên ngọn đồi rang nắng gió
Mĩ Sơn đỏ rực lẻ loi

Có một ngày
Cánh tay người phương xa
Ôm thánh địa vào lòng
Chở thánh địa lừng lững đi vào nhân loại
Cấp tập hộc tốc mùa lở

Trên cao là bầu trời đầy mây, dẫu là màu mây khác
Dưới là đất đai liễu ngộ phù sa khác
Chẳng hề hấn gì, vui sướng hơn Mĩ Sơn đã ở lại
Thấm nhuần định phận nhớ thương.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Ở nơi tối cao nhìn xuống

Con người: hạnh phúc/ bất hạnh cho trái đất
Niềm vui nỗi buồn cho nhau
Tri thức/ trí tuệ: luôn bàn cãi
Nguyên do bung sóng

Thế kỉ hai mươi mốt
Sự đối chọi tí tách âm thanh bếp lửa
Đong đưa gánh mưa ưu phiền

Giấc uy quyền choàng vai hiện thực
Vỡ toang tuổi tác

Thổi rụng mùa màng
Trát nắng nhân gian
Khét lẹt khí hậu
Lô nhô cảm giác mộc miên rũ nước

Thế giới: ánh sáng xanh um/ bóng tối trèo xuống
Leo loét nôi tâm Đức Phật.

Một giờ cho trái đất

trong giấc mơ xanh tươi của bầu trời tôi
trái đất đã cạn khô nước mắt từ những tiếng kêu nơi lịch sử tội tình trổ nụ
nhiều đời mây tí tách hiến thân vào nghi lễ cầu nguyện muộn màng
thế hệ bị doạ nạt cấp tính khát khan vòm vọng

giọt nước mắt đầu tiên của trái đất rơi ở phương Tây kiêu căng
rồi ăn tốc độ bay vào xứ sở huyền bí phương Đông mộc mạc
ngày xưa loài người rừng rú và mê ngủ bát ngát lịch sử
họ dùng sức mạnh của cơ bắp để gây hấn và chiếm đoạt

vậy đó, trong giấc mơ xanh tươi, phù sa nghèo nàn dưỡng chất trí tuệ
bất chợt một ngày loài người thức nhận, sau giông tố của dấu hiệu trừng phạt, thiên nhiên lên tiếng phẫn nộ
loài người ngộ được tí tẹo sự độc hại khổng lồ vây quanh do họ tạo ra
họ chống đỡ, diễn trình thô sơ, miễn cưỡng
một giờ cho trái đất không điện đài, yên nghỉ và cải thiện môi trường


ở thành phố nơi tôi sống, trái đất bị viêm họng mãn tính
những con đường lúc nào cũng kẹt xe, khói bụi, sự nóng bức, ô nhiễm dày đặc
trong dòng thác người chỉ nhìn được mắt kính và khẩu trang


một giờ cho trái đất
sự hưởng ứng hờ hững, qua loa, nửa vời


một giờ cho trái đất
lồi lõm buồn vui không gian tôi.


Lưu ý chút xíu: Đây là bài thơ mình làm hưởng ứng Ngày 26/3 - Ngày giờ trái đất, không nhớ rõ là năm 2006 hay 2007. Bài này nằm trong tập thơ "Mùi thơm của im lặng", dự thi Giải thưởng thơ của Công ti sách Bách Việt năm 2009. Thời điểm đó mình thấy mọi người hơi "mơ hồ", có nơi làm theo có nơi không. Nói chung là không nhiệt liệt và nhận thức sâu sắc như năm nay, 2011.
Có thể dư chấn của động đất, sóng thần ở Nhật, khiến họ vỡ ra nhiều điều chăng?

Lời tự sự của con đường

Tôi là một con đường lành lặn và hạnh phúc trước kia, trước kia thôi
những vòng xe lướt êm leng keng tiếng cười trần thế
hạnh phúc của con đường tôi là vào giờ cao điểm loài người bon bon đời sống ben ben

bây giờ tôi là một con đường đậu nhiều lô cốt
sự ngơ ngác và mất ngủ đã ghẻ lở, hốc hác hình dong tôi

tôi thường khóc mỗi giờ cao điểm
loài người hay nhăn nhó và chửi bới tôi
đau điếng lạnh lùng

pô lơi, họ đâu biết tôi đang phờ phạc vì chịu đựng
sức nặng và khói bụi từ họ và xe cộ muôn người

sự lành lặn và nụ cười khoái trá của tôi trước kia
ai xé đi rồi
làm ơn mang trả lại

hỡi loài người đừng nhầm lẫn đối tượng để trút
giận tôi là một con đường vô tội đáng thương.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Rót ra cốc ngày mưa

Đêm qua lên mạng, chép lại những bài thơ nằm trong tập thơ thứ ba của mình  "Giữa một thế giới vắng Thượng Đế" sắp sửa in "hầu" anh em yêu thơ. Gặp Nguyễn Thanh Bình, anh bạn kĩ sư xây dựng, cùng quê. Hắn rủ sáng mai uống cà phê. Mình ừ, vì cũng lâu rồi hai đứa chưa ngồi lại với nhau.
Sáng 6 giờ 50 hắn đến. Mình bảo "thôi không uống cà phê ở quán Tèo Ù nữa, xuống Phan Thiết đi, mình nhớ những anh em văn nghệ ở đó lắm. Thế là hắn chở mình về phố biển, cũng hơn tháng rồi mình chưa ghé về đây, từ khi cùng Khả Lôi, rong chơi Hà Nội.
Khả Lôi, là một người bạn thi sĩ, người em nhỏ hơn mình một tuổi, yêu thích tự do, phóng khoáng, xem nhẹ vật chất, công danh. Mình xem Khả Lôi như em kết nghĩa. Thật lòng mà nói, mình với Khả Lôi như anh em ruột.Tính tình mình thế nào thì Khả Lôi cũng như vậy.
Với lại, cái Hoài - đạo diễn điện ảnh, vợ Khả Lôi, là một người Chăm,cùng dòng tộc với mình. Chuyến la cà Hà Nội vừa rồi, mình đi đâu cái Hoài cũng tình nguyện làm tài xế. Cả hai vợ chồng, mình rất quý.Và cháu Nghé, con gái bé bỏng của hai em nữa, mình xem như con trai mình. Cháu gái gọi mình là bố Chuông đầy trìu mến. Mình khoái tên gọi này he he.
Trở lại chuyện xuống Phan Thiết uống cà phê. Vừa đến nơi, mình phone ngay cho nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hữu Cán, công tác tại Báo Bình Thuận. Anh là một người anh, mình thân cách đây hơn 5 năm rồi. Thơ anh phiêu lãng, giàu tình đời, hai năm trước anh ra tập thơ đầu tay "Khắc tên lên đá" và một tập phóng sự "Người đàn bà đi qua chiến tranh" rúng động giang hồ xứ biển chứ không chơi.
Nhưng tính tình anh bộc trực, giận nói giận, thương ra thương nên bị đì làm phóng viên muôn năm. Mình thương, nhiều lần khuyên anh vào Sài Gòn, anh đắn đo dữ lắm. Nào là vợ con, nhà cửa, thời gian công tác gần 20 năm rồi, không thích bon chen, ham hố gì nữa. Với lại, hằng ngày mà không được nhìn thấy biển, anh buồn, anh đã quen không gian sóng nước và vị mặn đặc trưng ấy lâu rồi.
Ghé anh, trước tiên là món tắc kè tửu của hãng Nam Hải Long, còn nguyên trong hộp mà bác sĩ Nguyễn Trung Hà - bạn anh vừa tặng hôm qua. Anh Cán, Bình và mình cùng nhau bù khú với món dăm bông xông khói, điểm những câu chuyện văn nghệ, đời thường, dí dỏm, vi tế tình người.
Khoảng hai tiếng sau, Bình có điện thoại, vội xin phép ra ngoài, trong khi trời thì mưa ngày càng nặng hạt. Lúc này mình thật nhớ Khả Lôi vô cùng,điếu cày hắn đem từ Hà Nội vào cho mình, đi đâu mình đem theo, rít đến xịt khói luôn hehe. Thật phê. Thật đã nhớ.
Mình và anh Cán ngồi lại với nhau hơn nửa tiếng nữa, mình đề nghị lên mạng ở nhà anh, để gọi là giới thiệu trang dongchuongtu.blogspot.com đến "độc giả" Nguyễn Hữu Cán. Vừa mở ra, anh vội lắp kính cận vào đọc một mạch những bài thơ của mình,và xúc cảm nên bài thơ "Lên blog đoc thơ Đồng Chuông Tử" trong vòng chưa đầy 5 phút. Một bài thơ thấu hiểu, nồng đậm ý vị ,thi tứ mới mẻ.
Bây giờ trời vẫn còn mưa, hai anh em thiết nghĩ nếu mà không đi đánh chén với món cầy tơ, hút thuốc lào, để nhớ "Việt Vương Câu Tiễn - chữ anh Cán đặt cho Khả Lôi"- chỉ mà có tội. Anh em ở xa xôi kia ới, các ngươi có nghĩ giống "bọn ta"  không ? Xin mời ra quán cầy gần nơi nhất nhé! (Trừ Khả Lôi).

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Lên blog đọc thơ Đồng Chuông Tử - Thơ Nguyễn Hữu Cán

Trưa tháng Ba
trời Phan Thiết đổ cơn mưa bất chợt
sau buổi khề khà
lên blog đọc thơ người bạn Chàm

thơ miên man như làn khói
mang nỗi buồn vạn kỉ
của thời liệt oanh

Porome Po Klong Girai nay còn đâu
chỉ Panduranga dải đất cực nam
tràn nắng gió
nước mắm, mực khô và rượu nho đặc sánh
cuốn theo những bầy cừu non gặm cỏ trên đồi khô khốc

Phía xa kia Chiêm nữ còn  hát thei mai và nàng đwa pụk trở về từ bến nước
trong ánh mắt tôi gợn những ngọn tháp ngàn năm đứng đợi
gạch đá lãng quên.

Kí phận

(Cho Bá Vương)

Vương ơi đây là bức thư
kỉ niệm nhỏ bọn mình
tao viết vội vàng trong phòng trọ ở Suối Tiên chiều ấy

Thời điểm không có gió, chỉ sóng vỡ thầm lặng, miết từng cơn rát lòng.

Căn phòng mày xộc mùi rượu và dấm
Cả bụi vô định
Treo lủng lẳng trên thanh phơi cuộc đời

Hiện thực đã dạt mày bùn lầy nách phố
Hàn tiện cơn mơ
Lếch thếch sinh phần trụi lá

Phố là biển xanh, chứa nhiều con sóng lớn
Cái thuyền thúng mày loay xoay mút mùa nhân gian

*       *         *
Vương nà, bọn mình say sưa cả ngày hôm qua từ phòng trọ gụi gần đến xa xôi quán xá
Con ngựa sắt đã hơn một lần trở chứng giận hờn săm lốp
Hay những ý nghĩ dã thú tật nguyền bày ra cơ hội vá lại đời rách nát
Đêm trở về ngủ ngoan như cơn mưa bụi lay phay buổi sáng
Rồi thức dậy an lành thế tục niềm lo.

*      *        *
“Sáng nay cớ gì phải tỉnh
Ngày mai công việc sẽ lôi tao đi, thơ ca xốc mày chóng mặt
Bọn mình sẽ lạc nhau trong thành phố rộng lớn này
Một bụm thời gian không định lượng
Cả nhúm không gian đậu nhờ” mày nói.
Trong khi hai tay nắm chặt chai rượu, bị mồi và vài tờ báo cũ.

Vương ơi, tao thấy trong lòng mày cuộc đời chỉ toàn gậy gộc, lừa mị, vô cảm khô khốc
Tao cũng thấy trong con ngươi sâu thẳm mày, hoàng hôn ngầu đỏ chực rụng

*     *       *
Ôi ánh mắt mày
Bóc từng lát nghĩ tao sau mỗi hớp rượu
Điếng đắng thế sự
Nhạt nhoài tình thân
Tàn cuộc bốc hơi khỏi con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo như định phận rác.

Một ngày rậm rạp

Đêm nhúng vào cốc từng nong giấc ngủ
Lóe bung mẻ trằn trọc

Khi mặt trời thò tay ngắt bóng tối
Ánh sáng dọn lên rực thơm thức nắng

Anh trở dậy gắp từng cọng sóng nóng hổi
Ăn biển suy tư lấm tấm mưa phùn

Thong thả kéo dài buổi điểm tâm đến ngọ với li đen đá
Anh tự hỏi:”thế giới có vui hơn không từ khi mọc loài người?”
“Thượng Đế trừng phạt lần cuối cùng hay chỉ là cái bạt tai khuyến cáo?”
Ngoài kia mùa cập nhật cháy tin tức

Hình ảnh gõ lời rung phím mắt
Âm thanh tô màu lấm lem thính giác
Nung khét bữa cơm trưa muộn mằn

Hoang ngát quả đồi lụt lội nước mắt
Nhiệt độ trở về đông đúc, vội vã, khó đoán
Đất đai bấn loạn

Trên đỉnh núi bên kia cõi khói
Lão tiên tri bày cuộc rượu dưới gốc cây già
Nức nở say rồi ngủ quên lên bóng nhớ

Buổi chiều bần bật cởi chốt gió
Trút bầu trời muối mặn.
                       
Plei Pajai 11.3.2011.

Im lặng sóng

Thơ đốt lia chia cơn trưa xúc cảm
trong một phút nồng lên men giấy
bấn lặng khói mù đắn đo

con đường gió lên
rụng ngập kí ức xuống mắt tròn động vật tôi
quay lại bộ phim hoang dã nhớ

ướt âm thầm những vòng xe, dung nhan quán cóc ghế ngồi
bàn tay nói về một vết trầy của câu chuyện lứa đôi, bịn rịn và hư hao
đôi môi mở hình trái tim mọng nước nhũn nhoè bụm lửa

tôi ngồi ngây lịm loang dài thượt mặt đất xanh vàng

sự vẫy chào của bước chân nụ hôn kéo rời màu đan xen
óng ánh một khắng khít nên thơ
tóc bay ngơ ngác phương trời gió
đay nghiến không khí tôi ướt lạnh và run cầm cập trong nắng ngần
em dắt kỉ niệm rã riêng ra ngõ đầy bóng người
lốc khốc mưa động cơ lầy lội âm thanh giàn tấu
một ngày dài nóng bức nhiệt tâm

một hôm nào như hôm nay
chiếc lá rơi cong dấu hỏi xuống chỗ tôi ngồi vẽ kí ức
loài người có thực thương nhau không em
sang giàu có ôm long đong bay lên
im lặng sóng

vỡ bọt.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Sóng dư luận

Ở đâu cũng có sóng, dù là nơi rậm rạp sâu thẳm nhất
ở đâu cũng đầy dư luận, dù lồng lộng âm thanh

sóng đến từ ngoài kia xa xăm vạn dặm
có thể tự mọc chộn rộn long lanh

dư luận tự sinh ấm áp phúc âm hoặc rấm rức giải minh
dư luận sáng sủa nhất là dư luận hồn nhiên độc lập
ngoài ra nhầy nhụa sân buồn

lời và ngôn ngữ bồi phù sa cho dòng sông dư luận
màu mỡ đất đai sắc thái
liễu ngộ biển nhìn

sóng trùng tu màu thời tiết hoặc tạt cốc ánh nắng
rũ rượi trâm cài.

Thán tụng

Cuộc đời mỗi loài là một vòng tròn nhỏ
cuồng vũ trong lốc gió nhân gian
tựa những vòng xe bon bon trên con đường sỏi đá quê hương Người.

Vòng tròn y hệt một cái cây, hạt buồn bông vui treo lủng lẳng trên đó
nảy nở trong mối quan hệ ngày thường
quày quả quay thành số phận

Ở quê tôi mỗi người là một số phận
côi cút, nhẫn nhịn và cam chịu
lom khom mót ân điển trên cánh đồng thể chế

Dân tộc tôi như một gia đình đông con
cha đã hóa thân vào ngọn lửa trong đám thiêu mọc ở bìa rừng
mẹ ở lại săn mồi, bưới móc khắp mặt đất khô cằn
chốc chốc cục tát gọi đàn con đến

Cũng may ông bà để lại những ngọn tháp dọc dài đất nước
nhắc nhớ chủng tộc, tín ngưỡng, nền văn minh
nhiều gã ngụ cư phù thủy đã dựng nhà mới
hối hả thay máu

Mỗi người có một nỗi buồn
cả dân tộc là diện tích to lớn
mùa hạn đã kéo dài ta dâng lễ cầu mưa.

Long lanh nóng

Sáng nay mẹ lại nhập viện
Suốt đêm con trai của con mãi dấm dứt chẳng hiểu vì chuyện gì
Mùa này trời quá lạnh

Gần 10 năm nay mẹ bệnh, quy luật của tuổi già
Bước chân con chốn xa cứ ríu lại mỗi khi chuông reo
Có thể là tiếng điện thoại reng reng trên bàn viết
Rộng hơn là tiếng vang nơi chùa chiền, nhà thờ,…

Ôi nỗi đau của mẹ, câu thơ con không giúp ích được gì
Nó không là đơn thuốc để mẹ uống hằng ngày
Càng không là âm thanh líu lo ríu rít bên giường mẹ
Nó là tiếng lòng con lặng im lụt cảm xúc
Là thang thuốc cho con tập tành chịu đựng, tưởng tượng và dỗ dành mình

Gần 10 năm nay mẹ bệnh, riêng con đi khai khẩn nỗi buồn
Nỗi buồn tràn lan trên diện tích đất đai sau mỗi nhác cuốc vỡ hoang chức phận và thể chế
Diện tích ngày càng gãy triệu cánh cò, mắt con càng sâu thẳm

Thưa mẹ, con thấy loài người thật tội nghiệp và hoang vu
trên chính hành vi nhỏ bé lẫn mơ ước lớn lao của mình

Ới mẹ, tiếng thở khó nhọc và cơn ho rát ấy
buốt trái tim con trở chiều, khuya khoắt,…

Thưa mẹ, bông hồng đỏ bên ngực con còn ấm tươi và ngát hương lắm ạ!

Múc hiện thực rót xuống

Khi cái giếng nhà tôi cạn nước
Mọi sinh hoạt đời thường và tín ngưỡng bị nán lại

Bến nước mé làng là niềm hi vọng cuối cùng để cọ rửa và thánh tẩy nhân gian
Trong lúc câu thơ này đổ mưa xuống tâm hồn trống trải nhớ thương
Hình ảnh mẹ tôi đội nước về nhà, sau lưng là nền mây xanh ngắt điểm vài cánh cò chao liệng mông mênh

Sát na này đây tôi thật tiếc cho gã nhiếp ảnh bạn tôi, hắn đang loay hoay đâu đó với bước chân hải hà, tay lăm lăm ống kính
Mùa khô là mùa khát, mùa của những nghi lễ cầu nguyện thiêng liêng du vang cõi đất
Mùa của Pô Yang, thần thánh hiện hữu, hồi âm và nhắc nhở sự bạc tình, ngạo mạn của trí tuệ bé con
“Rồi đây các ngươi sẽ khóc hận bởi lòng tham và nỗi hiểu biết của mình”
Thượng đế thốt lên nhức nhối trong giấc mơ tôi đêm qua

Thật kinh hồn, tôi nín lặng ngập lu rỗng bên chái hiên
Lời phi mã lực lên ngôn ngữ du mục lửa rừng lách tách  
Nghĩa nhiệm của câu thơ là tức tốc rao truyền thông điệp thời cuộc
Không còn cách nào khác hơn là cưỡi thời gian trở lại vòng đời
Ăn ở ngủ nghỉ nói năng làm lụng tựa /với con người

Đây là bài thơ vừa được múc lên từ giếng nước nhà tôi vào buổi chiều bất thường trỗi lạnh
Giếng hãy còn tí tẹo nước nên y trang bài thơ ướt đẫm và thơm hương trầm.

Plei Pajai, cuối mười.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Tin về Mẹ và con trai ở quê


Chiều nay mình nhận được điện thoại từ chị Hà rồi vợ mình, gọi ra báo tin Mẹ bệnh, nhập viện được hai ngày, thằng con trai hơn 1 tuổi vừa bị dời leo. Mình rối cả ruột gan, tối sầm mặt mày. Đã đành đứng ngồi không yên xem người phàm sỗ sàng, hợm hĩnh giăng lưới vây bắt Cụ Rùa ở Hồ Gươm, giờ nghe tin "sét đánh" nữa, mình cảm giác lòng mình như thời tiết đang bị áp thấp bất ngờ, bất khả kháng.
Mẹ mình năm nay vừa đúng 75 mùa xuân. Thưở mười tám đôi mươi, lập gia đình với một người Huế, dòng Công tằng, chuyển cư về vùng Ma Lâm, Bình Thuận nơi chôn nhau cắt rốn của Mẹ và mình bây giờ.
Năm sau Mẹ hạ sinh anh trai. Lên năm, sáu tháng tuổi gì đó, anh bị bệnh sốt, Mẹ ra các hiệu thuốc mua về mớ thuốc tây cho anh. Ông nội (người Chăm theo mẫu hệ, bên Mẹ gọi là bên nội) lúc ấy đã già yếu, nặng tai, thương cháu lại không chịu hỏi Mẹ xem đã cho cháu uống thuốc gì chưa, liền đem thuốc đông y ra pha nước đút tiếp. Thế là anh trai bị sốc hai loại thuốc và mất trong ngày hôm đó. Mình có thể tưởng tượng ra hình ảnh của Mẹ lúc ấy thật tột cùng đau đớn, tột cùng khổ não, vì nỗi mất mát.
Nửa tháng sau, chồng của Mẹ, bị chế độ Diệm bắt lính. Rồi đâu cuối tháng Mẹ lại hay tin chồng đã hi sinh trong một trận đánh xa quê hương.
Ôi cuộc đời Mẹ tôi sao mà nỗi buồn mọc lên dồn dập và to đùng đến thế, hỡi Pô Yang!
Từ đó, ngọn lửa lòng Mẹ dường như tắt hẳn. Mẹ ở vậy thờ chồng hơn 30 năm.
Sau 1975 được bốn năm, có một người đàn ông luống tuổi mang hai dòng máu Chăm-Pháp, trông phong lưu, nghĩa hiệp từ đâu bỗng xuất hiện thắp sáng niềm vui nơi ánh mắt tràn u buồn của Mẹ. Hai bên họ hàng đồng thuận trăm phần trăm cho cuộc tình này. Ngay cả những người thân bên nhà chồng cũ của Mẹ cũng rất mừng cho cựu con dâu.
13.9.1980, là ngày hạ giới của mình, ở một trấn nhỏ, có tên Ma Lâm (Plei Pajai). Và người đàn ông kia là cha mình.
Thời tuổi thơ của mình không nhà không cửa, ông bà nội ngoại không ai còn sống. Mỗi lần Mẹ đi nhổ cỏ mướn, gặt lúa kiếm tiền nuôi con đều điệu mình trước ngực hoặc sau lưng, thỉnh thoảng để mình trong thúng bên bờ ruộng cho đỡ mỏi lưng. Riêng mình nằm thích thú với cái thúng và khoảng mây xanh trắng đang nhè nhẹ trôi trên cao.
Chắc chắn cái lưng còng của Mẹ hiện giờ có phần đóng góp đáng kể của mình.
Phần kí ức về Mẹ, mình xin giữ làm nỗi nhớ riêng tư.
Đến đây mình xin chuyển qua phần đứa con trai bé bỏng đáng yêu.
Cu cậu sinh ngày 9.2.2010, tên đầy đủ là Nguyễn Phú Chế Tuệ. Ngày cu cậu lọt lòng mẹ, bà ngoại (tức Mẹ đẻ của mình) bệnh, nằm ở bệnh viện tỉnh, dưới thành phố Phan Thiết. Mình túc trực ngày đêm ở đó. Mẹ của cu cậu thì vượt cạn một mình ở tuốt Bệnh viện Ninh Phước, Ninh Thuận, cách nhau 150 km. Cũng may còn có bà nội của cu cậu, nếu không chắc mình xoay chong chóng chóng cả mặt.
Cu cậu sinh ra được mấy tháng thì vấp phải bệnh đậu mùa. Bây giờ, cu cậu lại bị dời leo. Thật khổ thân cu cậu mới tí tuổi đầu.
Điệu này, mình phải về thôi, tạm dừng sớm cuộc rong chơi xuyên Việt ở đây vậy. Hẹn lần thứ ba nhé Hà Nội.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Nguệch ngoạc vài dòng gọi là nhật kí


Tối thứ bảy (5/3)vừa rồi, bọn mình đi nghe nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn -Từ Linh, ở quán Lộc Vàng trên đường Ven Hồ. Bọn mình gồm Nhà thư pháp vỉa hè Đào Thái Hồng Phúc (43-54 phố Văn Miếu), thi sĩ giang hồ Khả Lôi, chị Hồng - doanh nhân cây cảnh và mình, Đồng Chuông Tử he he.
Phải khẳng định một điều rằng, những ca sĩ ở quán này, tuy hát để thỏa mãn niềm đam mê thôi, nhưng "phiêu" cực kì, làm mình xúc cảm dâng trào. Quanh đi quẩn lại, bọn mình đã rít hết 2 gói thuốc Thăng Long và tu hơn nửa kết bia Hà Nội trong vòng hơn một... tiếng đồng hồ.
Mình không nhớ quán đóng cửa lúc mấy giờ, vì sau đó bọn mình rủ nhau đi nhậu tiếp. Tuy nhiên những dư âm của nó là thật sự lắng đọng, vui sướng và ngạc nhiên với mọi người và riêng mình nữa.
Vui sướng, thứ nhất, nó hợp gu, đáng phải loay hoay đi bộ (khoản này lão Phúc và mình thôi, hai vị kia đến sau bằng xe máy) tìm kiếm quán gần một tiếng. Thứ hai, những "người hát" cháy bằng lửa thật.
Còn ngạc nhiên ư ? Ngạc nhiên vô cùng. Mình và Phúc, đi bộ tới lui, lui tới trên con đường ấy, hỏi quán Lộc Vàng, chả ai biết. Giải thích thêm là quán có hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn -Từ Linh gì đó,... đồng chí trông ra dáng trí thức phết mà cũng không biết các ngài kia là ai. Chịu. Cuối cùng mỏi giò quá hai anh em vẫy taxi đi không quá 3 phút tới nơi tuốt. Mà thưa thiệt, taxi cũng không biết quán ở đâu, chỉ lái theo trí nhớ mơ hồ của lão Phúc. Tay taxi cứ dùng dằng lúc tính tiền, biết gần thế "lầy" em để hai bác đi bộ, mình cứ nhe hàm răng móm he he trừ, còn lão Phúc thì nun nút bảo, thông cảm đi mà thông cảm đi mà bọn tôi không biết nó gần như thế, đồng chí lái xe ạ.
Vào đến quán rồi, mừng quýnh, vừa ngồi xuống là gọi điện thoại tứ tung, mạnh ai nấy gọi. Chỉ gọi anh em hợp gu nhạc thôi. Lão Phúc, gọi ai không biết. Mình gọi Khả Lôi, vợ chồng Họa sĩ Thái Tĩnh-Hoàng Anh, khoe quán ok ok. Lát sau, Khả Lôi đến. Rồi chị Hồng, lão Phúc gọi, cũng đến, sau vài cuộc điện chỉ đường. Vợ chồng họa sĩ không thấy đến, chắc bận hát ru baby gần 2 tuổi ngủ nà, khổ thân hai ông bà, nhưng mà hạnh phúc khà khà khà...
Khuya, cả bọn hộ tống chị Hồng về trước. Sau đó đèo ba về phố Văn Miếu, thả lão Phúc xuống. Rồi hai anh em về phố Phùng Khoang.
Sáng hôm sau, mình đau đầu cực kì. Dư âm của bia rượu, thuốc lá, thức khuya và cả buổi chiều chia tay Ngọc vài hôm trước đó. Thế là ngủ nguyên cả ngày luôn.
Sáng nay, Khả Lôi thức dậy sớm đi làm. Cái Hoài, vợ hắn, đạo diễn trẻ bên sân khấu, chở mình đến số 70 phố Nguyễn Du, đối diện hồ Halle, uống cà fê.
Trước khi đi, ghé tiệm bánh mì mua ba ổ, cái Hoài ngạc nhiên, hỏi "ô, anh mua cho ai nữa đấy", mình nói "bánh mì ngon anh ăn hai ổ cho đã thèm".
Trong khi chờ nướng thịt nhét bánh mì, mình bảo cái Hoài quay lại nhà đem theo cái laptop, phòng khi có việc cần đến. Còn mình, gọi phone cho anh Nguyễn Việt Chiến, phóng viên Báo Thanh Niên, chi nhánh Hà Nội. Anh ấy bận đi viết bài tận Sơn Tây, không đến được, hẹn chiều gặp. Xong xuôi, hai đứa ok quán cà fê thẳng tiến.
Đến nơi, hai anh em gọi 2 ly nâu. Mình xúi cái Hoài gọi Tuệ Nguyên ra luôn, vì hắn ở chỗ công ty chị Phan Huyền Thư, phố Bà Triệu gần đó. Ít phút sau Tuệ Nguyên đến, gọi li đen đá. Hai thằng hút thuốc nhả khói bay ngợp quán, cái Hoài lắc đầu, bó mũi với hai ông anh.
Cả ba vừa uống cà fê vừa "tám" trên trời dưới biển. Mình chợt lóe lên í tưởng, chẳng lẽ, ngồi đến chiều chờ anh Nguyễn Việt Chiến, phí thời gian quá. Mình gọi phone mời anh Bảo Ninh, nhà văn của Nỗi buồn chiến tranh. Anh mời ngược bọn mình về nhà trên phố Hoàng Hoa Thám.
Cả ba đến nơi. Anh đem hai chai rượu Tây, dăm lon bia Hà Nội và cả mâm mồi hoành tráng. Anh cứ dặn đi dặn lại "uống không được say uống không được say". Mình nghĩ thầm trong bụng, quái lạ uống mà không say, uống mà không say.
Giây lát, anh và cái Hoài gắp mồi vào bát cho mình và Tuệ Nguyên, bảo "ăn nhiều vào ăn nhiều vào, nhậu gì không thấy ăn gì cả, say bây giờ say bây giờ". Cả hai thay phiên nhau dặn dò thế. Sau vài cái cụng ly, cuộc nhậu bắt đầu sôi động hẳn lên.
Vì sao có cuộc gặp gỡ này? Xin thưa thiệt, khi còn ở Sài Gòn, mình có nghe phong phanh rằng anh Bảo Ninh và anh Nguyễn Huy Thiệp, từng tuyên bố mình có dòng máu Chămpa, tổ tiên của hai anh là tù binh Chăm gì đó. Rong chơi lần trước, mình có gặp anh Bảo Ninh rồi. Hôm ấy cũng rơi vào bữa nhậu, hình như ở Cục điện ảnh, trên đường Lí Nam Đế. Chính xác là buổi chiều, họa sĩ-thi sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn và mình cùng đến. Hai anh em cũng đã ngà ngà, nhưng mình nhìn sơ qua, thấy khuôn mặt các anh ai nấy cũng đỏ vì bia rượu. Mình chỉ còn nhớ được vài cái tên hôm ấy như anh, anh Nguyễn Bình Phương, anh Cao Việt Dũng, nhà thơ Đoàn Văn Mật,...
Trưa nay nhậu ở nhà anh vui quá. Cái Hoài, lễ phép cứ gọi nhà văn Bảo Ninh là chú, không biết anh ấy có sụt sịt tủi thân không, chỉ thấy lâu lâu chân mày cứ giật giật lên rồi nhíu lại, hàng ria thì run run. Nhưng chắc chú Bảo Ninh cũng thông cảm mà bỏ quá cho cháu gái, vì lời giải thích rất Khổng Tử rằng "chú và bố cháu ngang ngang tuổi nhau, nên phải xưng hô cho tôn ti trật tự". Hè hè chú nhà văn ra chiều tấm tắc "khoản này sếp duyệt, sếp duyệt".
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mình bật nhớ, vớ ngay điện thoại phone cho Đoàn Văn Mật, hỏi số. Mật thì vừa tài hoa, vừa lưu trữ giỏi, mình phục.
Trong cuộc vui hôm nay tại gia trang nhà văn Bảo Ninh, vô tình hay hữu í chỉ toàn người Chăm mình thôi he he. Sẽ vui hơn, nếu có thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Thế là mình gọi điện. Anh Thiệp nói, anh đang ở quán cà fê Nhân, trên phố Hàng Hành, mình nói ok ok bọn em qua liền qua liền.
Tuệ Nguyên rượu vào thì hứng khởi lên, đòi uống hết chai rượu Tây còn lại mới đi. Mình thì lo anh Thiệp chờ lâu, cái Hoài và mình thay phiên nhau xuống nước, cộng thêm lí do để anh Bảo Ninh nghỉ ngơi, ngồi chịu trận từ trưa với cả bọn, vậy là vừa rồi. Nhưng hắn đâu có nghe, ráng ngồi lại tu hết 3/4 chai mới chịu đứng dậy, chào tạm biệt. Mất hơn cả tiếng đồng hồ. Mình vội gọi lại cho anh Thiệp, hỏi xem anh đã đi chưa hay vẫn đợi. Trong lúc đó, anh Bảo Ninh dắt xe máy ra giùm cái Hoài, bã xã anh cũng từ trên lầu xuống chào tiễn biệt, và không quên khen giọng hát của bọn mình bay vút lên tận tầng lầu của chị. Hè hè không biết chị khen hay là chê đây, miễn trên môi nở nụ cười tươi là lần sau có thể ghé lại chị Bảo Ninh nhỉ!
Tiễn ba đứa ra khỏi ngõ, anh cứ nhắc chạy xe cẩn thận chạy xe cẩn thận. Đã dặn là uống không say uống không say. Nhưng thú thật, trong bốn người, trừ cô em gái đạo diễn uống nước lọc ra, ba gã đàn ông không say mới lạ anh Bảo Ninh nhỉ! Nhưng thây kệ, từ lúc sinh ra đến giờ hơn 30 năm, mới biết nhà anh, không say không được anh Bảo Ninh ạ.
Cái Hoài, được mình phân công chở Tuệ Nguyên, còn mình leo xe ôm.
Hơn 15 phút sau đến nơi. Đúng là cà fê Nhân rồi, nhưng ba đứa hết lên lầu xuống lầu, rồi lại lên xuống, cũng không thấy anh Thiệp ở đâu. Lạ nhỉ, anh Bảo Ninh quả quyết là anh Thiệp, nếu hứa chờ là sẽ chờ, mà sao không thấy ngồi ở trong này. Mình tiện chân, ra ngoài hành lang quán tìm thì thấy, hóa ra anh đang ngồi chờ một mình ở đây.
Bốn người, ba người cũ với nhau và một người mới gặp. Ba li chanh đá được đem đến, đặt lên bàn, với một bình trà ít cái li đã đậu sẵn trên đó . Vài ba câu hỏi thăm tình hình, gia cảnh và đời sống nơi quê nhà từ người mới. Cũng chừng ấy câu trả lời tản mác từ ba người cũ với nhau.
Bỗng hơn 5 phút sau, có một người mới nữa đến. Người mới gặp, mời người ấy ngồi và giới thiệu nhà thơ Bảo Sinh. À, thì ra là gã, người có những câu thơ vừa thâm thúy vừa cười ra nước mắt, kiểu "cuối cùng tất cả chúng ta, đều leo lên tủ ngắm gà khỏa thân". Cũng là người có cái hotel chó mèo độc nhất vô nhị ở xứ Việt này. Rất hân hạnh rất hân hạnh!
An tọa giây lát, gã lúng liếng đọc lên những câu thơ thọc cù lét mọi người. Âm thanh là những tràn cười va vào nhau rổn rảng. Rồi gã thọc tay vào túi áo, móc ra một nhúm sách quyển nhỏ nhỏ kiểu tập thơ mi ni, trao tặng ba người trẻ, trong khi còn chưa ngớt tiếng cười.
Rồi như gấp gáp, người ngồi kế bên bình trà và ít cái li đã đậu sẵn trên bàn nhìn đồng hồ đeo tay. Người ấy giục gã vừa phát xong những tập thơ tự xuất bản. Hai người đồng loạt đứng lên, chào tạm biệt ba người, dáng đi vội vã như sợ lỡ chuyến đò.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

ngọng ngịu ngày dài


thế đấy, cuối cùng ngươi cũng đã bay đi
quắp hết ta theo nốt

trú xứ này và cả nỗi vui con người trong ta
xác xơ và hoang vu trở lại

như vụ nổ hạt nhân được thả xuống từ trên cao
ngọn lửa xanh thơ mộng mang hình hài hủy diệt
vỡ tan ta rồi

không ai đủ quyền năng để xóa sạch buổi chiều ngoài tầm thông hiểu của trí tuệ
sau một loạt hành vi và chi tiết vừa khít cho mảnh sắp đặt lạ
lưu giữ chỉ làm đùn lên điếng đắng mùa màng

những giọt suối sông long lanh lảnh lót này sẽ rút vào thế giới vừa truất phế ta:
"kẻ chiến thắng cô đơn chiến lợi phẩm cô quạnh"
ngầu sóng ưu phiền

thế đấy, cuối cùng nàng cũng quắp con bay đi
cạn khô tinh thể ở lại
Thượng đế, cha thích nhìn sự héo hon rậm rạp lòng con sao?
HN,5.3.2011.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Chia tay buổi chiều


em ở lại đi Ngọc
Hà Nội mùa này lạnh lắm
câu thơ anh cóng và run run như cái nắm tay buổi chiều rưng rưng góc phố
lơ ngơ đường về

ba cây kẹo lạc còn lại bơ vơ trong lòng anh
những tàn thuốc lặng im nằm nhớ khói
ấm áp những lần môi

tiếng cười nói của em là bếp lửa đang cháy
xua tan rét mướt tỏa trùm
kẽo kẹt từng nốt chân

hai cú phone đau đớn chợt cuốn em thác lũ
kỉ niệm còn ấm quanh cổ
cả chiếc ghế nữa còn xanh chỗ em ngồi

ở lại đi Ngọc
Hà Nội mùa này lạnh lắm
câu thơ anh rơi từng giọt giọt vào trong. 
HN.3.3.3011