Tản mạn chuyện giàu nghèo

Tạp bút của Đồng Chuông Tử

Xuất thân là một gã làm thơ, gốc gác miền Trung nắng gió bao la, đặc sản bát ngát, tháp Chăm bạt ngàn. Tuy vậy, niềm đam mê đặc biệt của tui không chỉ có những món ăn vật chất từng vùng miền đất nước, nơi tui có duyên đặt chân đến. Mà những món ăn tinh thần ở đó cũng được tui “ngấu nghiến” ngon lành, say đắm.
Nhân loại đang sống trong thời đại du lịch. Dĩ nhiên rồi. Nếu chúng ta có dịp ra sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Nội Bài thì rõ. Du khách các nước trên thế giới đến Việt Nam nườm nượp, nhộn nhịp nhường nào. Ở xứ mình, người dân có sở thích đi du lịch, yêu mến danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa,…ngày càng nhiều, càng rầm rộ kể từ khi đất nước mở cửa.Tui thích “giang hồ bụi” và đi cũng được kha khá nơi. Nhiều lần trên những chuyến xe đò Nam Bắc hay trên những chuyến bay Huế - Sài Gòn - Hà Nội, tui cố để tâm vào mạch chuyện của mấy vị “láng giềng” ngồi cạnh nghe xem họ nói gì, quan tâm gì khi đi du lịch. “Nhặt” chỗ này một ít, chỗ kia một ít được cũng bộn à, tui giữ làm tư liệu riêng cho kí ức của mình, chắc chắn có ngày sẽ “xài” đến, hầu bổ ích thú vị cho trang viết.
Bây giờ tui cũng xin tiết lộ luôn. Thiệt ngộ, nói ra không biết mọi người có tin không, nhiều người đi du lịch mắc cười lắm. Nào là đi tránh nắng tránh rét, đổi gió thay sương, vì chỗ ăn ngon,… thậm chí có người viện lí do không biết nên buồn hay nên vui nữa, đó là đi trốn… vợ, kà kà. Đúng thiệt lạ đời.
Những cô bác, anh chị giàu có đi du lịch là chuyện hết sức bình thường. Vì họ dư dả. Thời đại toàn cầu hóa, công nghệ thông tin kết nối khắp nơi, không sợ vạch ngăn cách biên giới, vùng lãnh thổ, đại dương,… Tui thì không giàu có tiền bạc gì, bạn bè tui có người nhiều của ăn của để, có người ít, nhưng đâu quan trọng ba cái vật chất phương tiện đó, chủ yếu là tình nghĩa con người với nhau thôi.
Nhân nói tới chuyện giàu nghèo, tui cũng lấy làm thắc mắc vô cùng mà không biết hỏi ai. Con người ta hình như sinh ra để nhầm lẫn thì phải. Không biết từ bao giờ, thước đo giàu nghèo bị méo mó,lệch lạc đến vậy. Giàu có về vật chất cũng hay, nhưng giàu có thêm ở nội dung tinh thần thì trác tuyệt hơn. Nền giáo dục nên đề cao khía cạnh tinh thần nhiều chừng nào hay chừng ấy, vì nó có lợi cho xã hội, cộng đồng.
Tui kể chuyện này cho mọi người nghe, đặng mọi người cho tui hay ai giàu hơn ai, ai nghèo hơn ai nghen. Ở quê tui, mỗi gia đình có rất nhiều con, con gái thì cho đi học vừa thôi, con trai muốn học bao nhiêu cũng được. Con gái sau khi nghỉ học, có cô làm nông, cô ở nhà nội trợ, cô phụ bán hàng ăn uống cho người ta, cá biệt hơn có cô đi ở mướn tận Sài Gòn. Tui kể là kể chuyện cô đi ở mướn xa xôi này.
Nhà mà cô đến ở mướn nói theo tiêu chuẩn vật chất là rất giàu. Nhà cao cửa rộng, con cháu học cao, làm lớn. Nhưng vấn đề ở đây là gia đình này còn bà nội già cô đơn. Cả nhà ai cũng sáng đi tối về, có người lập gia đình ra riêng, không ai có đủ thời gian chăm sóc bà cụ. Mà về tới nhà, họ tắm rửa, ăn cơm xong là mỗi người một thế giới riêng. Cứ vậy miết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Cuối cùng để giảm bớt tránh nhiệm, hoặc hết trách nhiệm, họ về quê đi tìm mướn người chăm sóc cho bà.
Nhà cao cửa rộng là vậy, nhưng hễ nhắc tới tài sản đất đai, nhà cửa,… là họ lại nhảy cẫng lên, ồn ào, sứt mẻ tình cảm gia đình. Đó là mới nói về những người trong gia đình ấy thôi, còn cô ở mướn nhân chứng bất đắc dĩ thì lắc đầu ngao ngán, nhiều lần lắc đến trật cả cái cổ dài đẹp trời cho. Tiền bạc quẳng lên bàn phòng bà cụ nhỏ giọt, mỗi lúc bớt một ít, nhưng lại cằn nhằn chì chiết thì khỏi chê. Tiền tháng cho cô ở mướn gửi về cũng viện lí do này nọ mà trừ bớt. Nói về người ở, cô rất hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, anh em dữ lắm, mỗi khi nghe tin người thân bịnh, cô khóc lóc nài nỉ xin tạm ứng, xin phép về thăm gia đình vài bữa liền nghe câu hát nhão nhẹt quen thuộc của họ “chuyện đó không có trong hợp đồng nghe cưng”, dù làm gì có hợp đồng hợp điếc với loại hình lao động này. Giỏi lắm là ngọt mật thưở ban đầu thôi. “Em cố gắng giúp chị, chị sẽ không hẹp hòi với em đâu”. Thế là chết “con ruồi con” ngây thơ.
Có bữa bà cụ bịnh chỉ một mình cô ở mướn lo liệu, vì trong thâm tâm họ nói đã trả lương cho nó rồi. Nó phải có trách nhiệm đầy đủ tất tần tật chuyện nhà chủ. Đành rằng trả lương, nhưng mọi người thử nghĩ xem họ làm vậy coi sao lọt, đúng hông.
Hay có câu chuyện này nữa, tui kể luôn kẻo quên. Bữa chiều hôm đó, tui ghé thăm mẹ nuôi tui ở dưới Bình Chánh về. Xe máy tầu của tui đang bon bon thì nghe tiếng “rầm” một phát rất lớn phía sau lưng. Hoảng hồn tui quay lại, thấy hai chiếc xe đụng nhau. Một là chiếc xe con sang trọng, kia là chiếc xe máy bèo bọt. Gã lái xe máy, bị thương, than thể toàn máu me là máu me, đang nằm bất tỉnh. Còn tay lái xe con sau một hồi trấn tĩnh mới mở cửa bước xuống, lăn xăn vòng quanh xem chiếc xe của mình có sức mẻ, mốp méo gì không. Sau đó mặt hắn hầm hầm sấn tới chỗ xe máy, định chửi bới, bắt đền. Thấy gã lái xe máy nằm bất động trên vũng máu, hắn bèn nhấn nút dzọt, sau lưng vẳng lại câu hỏng hóc tâm hồn “mẹ, chạy xe ẩu cho mày chết luôn”.
Sau khi hắn biến, tự nhiên công việc rụng xuống bên đường cho tui “lượm” ngon ơ. Nhưng tui cũng lanh trí, thuộc lòng bảng số xe của hắn mất tiêu. Tui cuốn vào công việc một cách nhiệt tình, đầy trách nhiệm. Giờ nghĩ lại, tui cũng tự thưởng cho mình một lời khen dài đuôi. Không ngờ thằng làm thơ như tui cũng có lúc không bị lơ tơ mơ he he.
Tui kể dẫn chứng hai vụ rồi. Tui thiết nghĩ chắc mọi người cũng đoán ra ngụ ý của tui rồi phải không? Viết tạp bút đến đây, tui bỗng đâm nhớ Nàng Thơ quá chừng. Xin phép mọi người cho tui được dừng ở đây nghen. Hẹn bài tạp bút sau tui sẽ kể nhiều hơn những chuyện tui mắt thấy tai nghe. Giờ thì đang cảm xúc mần thơ, để lâu nguội mất ngon. Tạm biệt, tạm biệt…