Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

khả lôi


có nỗi đợi dài và sâu thẳm
mùa cô đơn ập lạnh phố Nguyễn Du

từng thân phận của điếu thuốc lần lượt hóa khói bay về trời
từng ngụm nâu dần cạn suối sông ly muỗng

ngoài kia
mặt hồ lăn tăn lời tình nhân đắm đuối
say sưa sóng thơm
hàng ghế đá nín thở liếc

điếu cày ai đó rít vội
âm thanh trôi bạc cụm mây chiều  
lẻ loi ánh nhớ

khả lôi, những câu thơ hoang đàng thức muộn
rậm rạp màu nắng hoàng lan

khả lôi, ly đen cởi ngày ra giặt giũ
nhựa đời trót trét sinh phần lên.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Buổi sáng, gọi điện rồi gõ phím tiễn biệt

Sáng nay thức dậy, chợt nhớ hôm qua mình như quên một điều gì. Mình cố suy nghĩ, nhưng càng cố bao nhiêu thì càng vô ích bấy nhiêu. Nói thật nhé bạn, trí nhớ mình không tốt. Có nhiều lần mình giận mình dữ dội, mình hét lên lời nguyền rủa về trí nhớ tồi tệ của mình nữa.
Loay hoay thế nào mình lại cúi xuống nhấn nút khởi động máy vi tính. Ồ, đó là thói quen máy móc của mình, mỗi buổi sáng mở mắt chào ngày mới. Hành động tiếp theo của mình là ngồi trước màn hình và ấn nút mở nguồn điện thoại. Sau đó lướt báo và gọi điện cho người thân, bằng hữu. Nhưng bây giờ thì ngược lại một chút, mình bỗng nhớ ra rồi. Ôi trí nhớ của tôi, sáng nay Hà Nội dần dần ấm, không lây phây mưa phùn, nên sóng mạnh và không rớt mạng đó mà.
Ngón tay mình di di thật nhanh, chớp cái tên người bạn thân đã hiện ra. Nhưng trời ạ, chỉ nghe âm thanh đều đều vô vị vọng đến bên tai "số máy quý khách vừa gọi ...số máy quý khách vừa gọi,..." Mình vội liếc qua tờ lịch trên tường, ái chà hôm nay đã là chủ nhật rồi ư. Thế là, giờ này bạn mình đang ngồi chễm trệ trên chiếc Boeing 777 rồi, còn gì. Người bạn thân ấy đã rời Việt Nam, qua Mĩ theo diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình.
Ở Sài Gòn, hắn là Luật sư của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Nam. Không riêng gia đình, bạn bè, người Chăm cũng hãnh diện lây. Với Đồng Chuông Tử tôi, cũng đã "chấm phá" chân dung hắn bằng ba bài thơ liên hoàn, hóm hỉnh, gây cấn và chân tình. Bài thơ ấy, nằm trong tập "Mùi thơm của im lặng" và cũng được bạn đọc cả nước tìm đọc nhiều. Thú vị hơn, có trang mạng còn cho đó là truyện ngắn. Còn tác giả thì sinh năm 1930 và không rõ năm...tò tí te..
Dưới đây, xin post lại bài thơ gọi là tiễn bạn lên đường. Chúc Saradon bình an hạnh phúc phát tài bên người vợ đẹp con xinh. Hẹn gặp lại!
Đồng Chuông Tử.


Chuyện hắn

Sarađôn

1.
Mọc lên từ xứ sở của nắng. Xứ sở của những bông hoa nở trong khô hạn quanh năm. Những bông hoa xum xuê huyền thoại. Gai góc và nhói trong kí ức của thời tiết. Hắn đẹp như một bài ariya buồn.
Trôi định phận của thế giới. Hắn trôi trong định phận của chính mình. Cũ và mới. Trôi trừu tượng và hiện thực. Hắn bỗng thành sông Lu. Mát lạnh và phiêu lãng những đồi vực.
Trôi đi là để trở lại. Rực rỡ và thơm mùi ánh sáng chín.

2.
Rija Nưgar hắn như chim
Bay về Chakleng mừng vui đậu hót
Líu lo sướng trời
Tôi thấy hắn giống cá thì đúng hơn
Hắn thích bơi lội và búng mình ngắm nghía
Bầu trời mây gió và mưa trần gian loà xoà
Thỉnh thoảng hắn tràn mùa thu phương phước
Đắm đuối rụng lá và rần rần bay ướt
Trần truồng những lời lũ lụt trong xanh.

3.
Hắn có nhiều bí mật trồi gas như chai bia Sài Gòn đỏ. Tôi đã khui bên dòng kênh Nhiêu Lộc đen sì.
Có thể hắn là đàn ông Chăm đầu tiên massage nhiều nhất Việt Nam
Có thể hắn là đàn ông Chăm mê hát cải lương nhất nhì Nam bộ
Nhiều lúc tôi tự nghĩ sẽ hay hơn nếu hắn trở thành nghệ sĩ cải lương. Đẹp trai, phong độ, hào hoa. Thiệt cũng lạ cho đời hắn
Giờ hắn đã là một luật sư. Hắn mới được vợ cưới một tuần lễ. Nghĩ mừng thầm cho đời hắn
Nhưng một hôm tôi đã vật nhau với hắn trong đêm say tuý luý ở gần ngã tư Bình Triệu vì cái tội lớn lao, hắn không cắn vỡ nổi một chữ K Chăm mình.

nhìn tận cùng nhân loại không ẩn dụ


nhân loại, có đôi mắt đẹp 
của thiếu nữ Chăm hân hoan đội ban mai về
gội cánh đồng nở tràn bông cỏ trắng của mẹ
đun bát vui tỏa hương ngào ngạt cho cha.

nhân loại, chiếc xe bon bon 
trên con đường thời gian một chiều vô tận 
không tín hiệu đèn đường/chẳng người canh giữ
gã quốc gia/dân tộc lơ ngơ hít khói bụi

nhân loại, chàng tu sĩ ngủ say 
dưới cơn mưa uy quyền 
bên rừng cây tội lỗi 
trổ thương đau lên cành lá ruột rà.

nhân loại, một bức tranh đỏ rát còn tươi màu lịch sử.   
Phố Bà Triệu, Hà Nội cuối tháng hai, một một.

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Giữa một thế giới vắng Thượng đế


có ai đó nói Thượng đế đã chết rồi
cũng ai đó bảo làm gì có khéo tưởng tượng nhé
đừng huyền sử truyền thuyết cổ tích
thôi khéo nặn tiến hóa li kì
có ai đó nói có ai đó nói...
riêng tôi im lặng im lặng im lặng
vẫy tay chào Ngài đi lánh loài người

chúng ta thử hình dung xem thế giới này
từ Đông sang Tây xuống biển lên rừng
nông thôn thành thị lũng sâu núi cao
chùa chiền thánh địa nhà thờ ...
nơi nào không bị trí tuệ con người xộc vào vấy bẩn?

cuộc sống hiện đại con người hiện đại
mệt mỏi phờ phạc thể hạt cô đơn
ngơ ngác và thất lạc trong phố đức tin nở
vật chất tạo được chẳng thấm vào đâu
tinh thần mon men cây khô không nước tưới
hoặc nước rưới đã cạn linh

ơ này thiên thần ơ này thiên thần
làm ơn thức dậy sau tiếng gáy vang bến bờ 
mở cánh cửa lãng quên vỡ cụm gió nhân gian
thong dong bay bơi rơi đậu
quắp xứ sở nào đó yêu thích đem về lung bung vui đùa  
như nước Mĩ chẳng hạn
nước Mĩ thênh thang lộng lẫy
trọng lượng vô hình tỏa sóng bao la
có công dân kia ngủ gật bên sự thật
lơ thơ máy móc
họ
cuồng vũ trong nghi lễ bánh mì

đất nước tôi ôi đất nước tôi
chiến tranh và kí ức của nó đã làm đau những cơn mưa thơ mộng
sưng tấy nắng ngời

đất nước tôi ôi đất nước tôi
cánh rừng còn lại leo lên cung trăng thút thít
dòng sông mơ cuộc tẩy trần gấp gáp
con đường hồi hộp ôm rậm vết thương
 
 tất cả mọi nơi trên trái đất
đã diễn dịch chệch choạc ngôi lời Thượng đế
làm trôi hết phép màu bên trong nó
và hành vi và suy tư phàm tục cũng dự phần ô trọc

mọi cố gắng can thiệp của Ngài trở nên vô hiệu
như một cá nhân tràn đầy yêu thương Ngài khóc
rồi vội vàng rời bỏ con người.
Đồng Chuông Tử gọi mãi gọi mãi 
Ngài cũng mặc
thôi rồi tèo ơi.
ĐCT.

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Ngày thơ Việt Nam, 2010 và 2011, một hình dung nho nhỏ

 Lời nói đầu: Ngày thơ Việt Nam hai năm gần đây, càng ngày càng được dư luận quan tâm. Phương tiện truyền thông bao gồm báo hình, báo giấy, báo mạng là một trong những kênh quan trọng. Để có một cái nhìn, tạm gọi gần toàn cảnh, Đồng Chuông Tử xin tổng hợp những bài nổi cộm, chủ yếu là báo mạng thôi. Từ đó, các bạn có thể thử hình dung mức độ "hoành tráng" phần nào nhé. 

Năm trước đây ... 

Ngày thơ Việt Nam 2010: mọi nhà góp vui 
 
TT - Không phải chỉ một mà ba ngày liên tiếp, từ 13 tháng giêng (26-2) đến Tết Nguyên tiêu (28-2), Ngày thơ VN năm 2010 hứa hẹn là ngày hội đông đủ sự góp mặt của các thành phần: địa phương, vùng miền, già trẻ...
Nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử (sinh năm 1980, dân tộc Chăm, hiện ở TP.HCM) - Poster: Nguyễn Trương Quý
Nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật (1980), Tằng A Tài (1978) trên hình ảnh nền là phố cổ và phố cũ - Poster: Nguyễn Trương Quý
Có khá nhiều nghi lễ lần lượt được tổ chức tại ngày thơ.
Lễ trọng
Ngày 14 tháng giêng (27-2) là lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến và các nhà văn, nhà thơ vừa qua đời. Những vần thơ bất hủ của Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật sẽ một lần nữa được sống lại trong ký ức của những người đã yêu thơ bằng trái tim và kỷ niệm.
Sáng ngày rằm (28-2), lễ rước lửa từ đền Thượng trong khu di tích vua Hùng (Phú Thọ) sẽ được cử hành với sự tham gia của chủ tịch Hội Nhà văn VN. Ngọn lửa sẽ dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long, sau đó được rước về trung tâm của ngày thơ là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cùng với lễ rước lửa là lễ rước chiếu dời đô của Thái Tổ Lý Công Uẩn như thường lệ.
Sau lễ rước lửa và rước chiếu dời đô, lễ khai mạc sẽ diễn ra với màn thả thơ ngoạn mục mà công chúng yêu thơ rất yêu thích qua nhiều năm.
Để thơ được nghe rõ nhất và nhiều nhất
Sớm nhất trong khuôn khổ ngày thơ là "Ngày tôn vinh thơ dịch" diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nga từ ngày 13 tháng giêng (26-2). Các dịch giả thơ từ các ngôn ngữ khác nhau sẽ cùng trao đổi về kinh nghiệm dịch thơ, những bài thơ dịch nổi tiếng với người VN cũng sẽ được đọc tại ngày thơ dịch.
Tối 27-2, tại Cung văn hóa Hữu nghị là cuộc thi và trình diễn thơ của sinh viên bốn trường ÐH: ÐH Quốc gia, ÐH Văn hóa, ÐH Sư phạm và ÐH Thái Nguyên. Những bài thơ, những tiết mục trình diễn xuất sắc nhất sẽ được chọn tham gia trình diễn tại ngày hội chính thức.
Ðược chờ đợi nhiều nhất là cách sắp đặt và trình diễn tại sân thơ chính sáng ngày rằm (28-2). Năm nay, chủ đề của sân thơ chính là Vườn thơ trăm miền với 65 cây thơ của 63 tỉnh thành và hai cây thơ lớn nhất mang hai câu thơ nổi tiếng: Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Hoàng Cầm) - Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm (Chế Lan Viên).
Một góc sân thơ sẽ là nơi sắp đặt "thơ trên gốm sứ Bát Tràng" với những vần thơ tâm đắc được các nhà thơ lựa chọn và các nghệ nhân Bát Tràng thể hiện trên bát, đĩa, bình, bình phong... với chất liệu sành, gốm, sứ.
Khắc phục tình trạng mà nhiều nhà thơ phàn nàn các năm trước là có quá nhiều âm thanh điện tử của các hoạt động trình diễn che lấp mất tiếng đọc thơ, năm nay ban tổ chức đã bố trí để các hình thức đọc, ngâm, trình diễn thơ được thể hiện hợp lý, nhuần nhuyễn.
Tất cả thể loại thơ từ cổ thi, thơ dân gian, thơ Hồ Chí Minh, thơ hiện đại... đều được sắp xếp để được trình bày cho dễ nghe, dễ đọc nhất.
Sân thơ trẻ: mộc mạc nội dung, hiện đại hình thức
Diễn ra ngày 28-2 tại sân Thái học của Văn Miếu với chương trình mang tên Chuyển động của cảm giác, hình thức của sân thơ trẻ vẫn là bắt mắt nhất.
Các poster của sân thơ này vẫn do kiến trúc sư - nhà báo trẻ Nguyễn Trương Quý thể hiện như mọi năm. Mỗi poster của anh đều cố gắng phác những nét riêng nhất trong cá tính thơ của các bạn đồng nghiệp. Có bốn loại hình kiến trúc Hà Nội tiêu biểu được Trương Quý chọn làm nền cho các poster của mình (phục vụ chủ đề 1.000 năm Thăng Long của ngày thơ năm nay): phố cổ và phố cũ, phố Pháp, hồ Gươm và chung cư, khu đô thị mới.
Nội dung được lựa chọn trong sân thơ trẻ năm nay ngược lại khá mộc mạc và giản dị, các nhà thơ Ðồng Chuông Tử, Ðoàn Văn Mật, Tằng A Tài, Trần Trọng Nghĩa còn chưa kịp quen thuộc lắm với bạn đọc, trẻ nhất là cây bút học sinh Ðặng Chân Nhân (16 tuổi), vừa đi du học tại Anh.
Thơ thiếu nhi góp mặt
Từ Ngày thơ VN lần thứ 7 (2009), thơ thiếu nhi đã được góp mặt với hội thảo thơ với thiếu nhi hiện nay tổ chức tại nhà Thái học. Xuân năm nay, Hội Nhà văn VN cũng dành cho thiếu nhi tổ chức một sân thơ vào 14g ngày rằm Nguyên tiêu (28-2).
Lễ hội thơ thiếu nhi được mở đầu bằng lễ thả diều, cánh diều tuổi thơ VN sẽ bay lên cùng với câu thơ của nhà thơ Võ Quảng: Cả đất trời đang chờ đón (Ai dậy sớm). Các em học sinh Trường PTCS Thực nghiệm sẽ trình diễn những bài thơ hay cho thiếu nhi của các nhà thơ Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ...
Thơ thiếu nhi của nhà thơ Sergey Mikhalkov (với bản dịch của Thái Bá Tân) được các em rất mến mộ và thể hiện bằng những màn trình diễn sinh động. Bảy cây bút trẻ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội cùng nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý sẽ biểu diễn tặng thiếu nhi những bài thơ mới sáng tác.
Nhà thơ Trần Ðăng Khoa, "thần đồng" thơ, sẽ đọc chùm thơ về biển đảo được sáng tác khi anh là một chiến sĩ hải quân.
Nhà xuất bản Kim Ðồng đem đến lễ hội thơ món quà đẹp, đó là hai ấn phẩm đặc biệt tri ân hai nhà thơ viết cho thiếu nhi đã quá cố: nhà thơ Võ Quảng với tập thơ Anh Ðom Ðóm, nhà thơ Phạm Hổ với tập thơ Chú bò tìm bạn. Hai tập thơ này có phần minh họa là tranh vẽ của các em Câu lạc bộ nghệ thuật "Cốc, cốc, cốc".
VIỆT HOÀI  (TTO)
 
“Thoả nhãn” với Ngày thơ Việt Nam 2010
 
(Dân trí) - Nô nức người thơ với khách thơ đến thưởng lãm Đại lễ hội thơ dưới mọi hình thức và góc độ tại Văn Miếu, Hà Nội trong buổi sáng ngày 28/2. Chưa khi nào, thơ Việt Nam được trình diễn phong phú, mới lạ và… “quái” đến thế!
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đón ngọn lửa thiêng từ tay nhà thơ Hữu Thỉnh thắp lên đài lửa ở sân Thái Miếu
Đại lễ hội thơ kỷ niệm1000 năm Thăng Long - Hà Nội được ủng hộ với thời tiết đẹp khá lý tưởng. 8 giờ 30, lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 mới bắt đầu nhưng từ 7 giờ 30 ngày Rằm tháng Giêng đã nườm nượp người xe đổ về Văn Miếu.
 
Khách thơ không chỉ là người có tuổi, người thân, sơ với các tác giả, nghệ sĩ như năm trước. Lượng bạn trẻ đến với thơ có vẻ mặn mà và háo hức hơn. Điều này được lý giải bởi sự chú trọng của Ban tổ chức khi “lôi kéo” sinh viên nhiều trường đại học cùng tham gia vào các hoạt động trước cũng như sau hội thơ. Thêm vào đó còn là sự ưu ái đặc biệt dành cho các gương mặt mới trên văn đàn thơ trẻ. Sức trẻ đã khuấy động phong trào và đem lại luồng gió mới cho ngày hội của ngôn từ.
 
Đông nghịt người đến xem tại sân Thái Miếu
Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh về qui mô hoành tráng, không lặp lại của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Sự mới lạ của triển lãm thơ trên gốm sứ, triển lãm vườn thơ trăm miền, trình diễn thơ, thơ sắp đặt…đã đem lại cho khách thơ nhiều rung cảm…
Tại sân Thái Miếu, lễ rước lửa Đền Hùng lần đầu tiên diễn ra trong Đại lễ hội thơ thật sự trang nghiêm. Ngọn lửa thiêng được nhà thơ Hữu Thỉnh rước vào sân thơ chính và trao cho Bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị thắp lên đài lửa. Sau lễ rước lửa, nhà thơ Hữu Thỉnh đọc lời khai mạc trước sự chứng kiến của vài nghìn người, bắt đầu một ngày thơ đẹp nhiều ý nghĩa của năm 2010.
 
Dàn trống hoành tráng khai mạc Đại lễ hội thơ
 
Tiết mục đọc Chiếu dời đô do nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện
Cũng như mọi năm, sân Nhà Thái Học luôn có sức hút với những ý tưởng thể hiện thơ trẻ không ngừng nghỉ. Nhà thơ Phan Huyền Thư xây dựng kịch bản như một phố thơ với góc thơ truyền thống, góc thơ trình diễn và góc thơ sắp đặt.
Trình bày, sắp đặt thơ là nét mới nhất của sân thơ trẻ dù lượng tác giả tham gia chỉ vỏn vẹn có 6 người: Lê Anh Hoài, Trần Nguyễn Anh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nhã Thuyên, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Anh Vũ. Tại đây thơ được sắp đặt trên nút bấm của bàn phím máy tính với nhiều dây điện và con chuột máy tính chạy loằng ngoằng; thơ viết trên hộp gỗ đen, trên xe máy và cả… dưới đất.
Nhà thơ Lê Anh Hoài chiếm vị trí “trung tâm chú ý” với phần sắp đặt chiếc xe máy phủ sơn trắng, có dán thơ và… đôi cánh thiên thần, bị “nhốt” trong chiếc lồng sắt. “Con người có rất nhiều nhu cầu cũng như các mối quan hệ nhưng luôn bị trói buộc, cũng như ý nghĩa thơ luôn bị ngôn từ trói buộc. Hình ảnh chiếc xe máy đang bay có thể tượng trưng cho con “chim thơ” muốn bay xa nhưng lại bị “lồng ngôn từ” cản trở…”, Lê Anh Hoài bộc bạch. Nhà thơ đầy ắp ý tưởng tâm sự, để thực hiện tác phẩm Nhu cầu anh đã bỏ ra 5 ngày trong xưởng rèn.
 
Nhà thơ Lê Anh Hoài bên tác phẩm thơ sắp đặt “Nhu cầu” của mình
Ngoài phần thơ sắp đặt, góc thơ trình diễn với sự góp mặt của các cây bút trẻ đến từ các trường đại học cũng được cổ vũ nhiệt liệt. Dù vẫn vắng bóng những cái tên “đình đám” một thời như Vi Thuỳ Linh, Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư… trên sân khấu nhưng sân thơ trẻ vẫn giữ được “lửa” nhờ sự mới lạ trong cách trình diễn và được đầu tư tốt hơn.
“Mấy năm nay, Ban tổ chức chủ trương dành sân thơ trẻ để tìm kiếm những cây bút triển vọng vì thế các gương mặt mới đặc biệt ưu tiên”, Trưởng BTC sân thơ trẻ, nhà thơ Trần Quang Quý cho biết. Ông cũng điểm vài gương mặt mới nổi bật như Đồng Chuông Tử, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Phan Quế Mai…
Dù đâu đó vẫn còn những lời than vãn về sự rườm rà, chưa chuẩn bị thấu đáo trong khâu tổ chức Ngày thơ Việt Nam: vườn thơ trăm miền thể hiện quá đơn điệu, triển lãm thơ trên gốm sứ còn cập rập, cẩu thả về câu chữ; vẫn còn đó cảnh chen lấn, xô đẩy với những hình ảnh đứng ngồi chưa đẹp mắt… Tuy nhiên, trong khuôn khổ một lễ hội không thể tránh được thiếu sót. Với sự nỗ lực dành mọi tâm huyết thực hiện một đại lễ hội thơ nhiều dấu ấn như thế này cũng đáng được cổ vũ!
Một số hình ảnh trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8:
Ngoài thơ, dân ca các miền cũng được trưng bày tại Ngày thơ Việt Nam
Không chỉ người già “say” thơ...
Mà người trẻ cũng mê mải…
 
Thơ trên gốm sứ
 
 
Thơ trên xe máy
Và thơ… dưới đất!
Góc thơ trẻ với phần trình diễn đầy sáng tạo, biến hoá
Màn thả thơ bay bổng!
Bài và ảnh: Nguyễn Hằng

Và năm nay ...

 Ngày thơ VN: Hà Nội thiếu điểm nhấn, TP HCM buồn tẻ

Không có màn trình diễn gây ‘sốc’, thiếu những phút ngẫu hứng giao hòa giữa tác giả - tác phẩm - độc giả, Ngày thơ diễn ra tại thủ đô và thành phố lớn nhất nước kém sôi nổi so với các năm trước.

Trong Ngày thơ tại Văn Miếu, Hà Nội, sáng 17/2, sân thơ Hiện đại (sân thơ Trẻ mọi năm) vẫn được chờ đón nhất với nhiều gương mặt nổi bật và được công chúng biết đến như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Phan Quế Mai…

Sân thơ Hiện đại năm nay chọn cách đọc thơ truyền thống. Theo nhà thơ Phan Huyền Thư, nếu đọc thơ đơn thuần, không kết hợp trình diễn tức là đang dọn đường cho tiết tấu, giai điệu thơ có cơ hội bừng sáng.
Sự xuất hiện của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trên sân khấu đem lại màn trình diễn đúng nghĩa duy nhất tại Ngày thơ năm nay. Trong bài “Bất tận”, hai nghệ sĩ cùng “trốn” trong một tấm vải trắng đen rồi dần thoát ra và thực hiện nhiều động tác biểu cảm thể hiện ý tưởng của bài thơ. Đây cũng là tiết mục "đinh" của sân thơ Hiện đại.
Ảnh trái: Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trình diễn bài “Bất tận”. Ảnh phải: Một số nghệ sĩ hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn phụ trợ trong sân thơ Hiện đại, tuy nhiên chỉ có ý nghĩa gợi mở giữa các phần chứ không phải là minh họa cho bài thơ nào cả. Ảnh: Hoàng Hà/ Pham Mi Ly.
Ảnh trái: Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trình diễn bài “Bất tận”. Ảnh phải: Một số nghệ sĩ hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn phụ trợ trong sân thơ Hiện đại, tuy nhiên chỉ có ý nghĩa gợi mở giữa các phần chứ không phải là minh họa cho bài thơ nào cả. Ảnh: Hoàng Hà/ Pham Mi Ly.
Mặc dù vậy, năm nay công chúng dự sân thơ Hiện đại không đông bằng sân thơ Truyền thống, không kín đặc người đến nỗi không chen qua được.
Việc đổi tên sân thơ Trẻ thành sân thơ Hiện đại với ý định mở rộng đối tượng tham gia cũng không thoát khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”. Vẫn là những gương mặt của năm trước xuất hiện trở lại. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm nay không thấy có nhà thơ “lão tướng” nào như Dương Tường năm 2008, cũng không có tiết mục mới mẻ như màn quấn giấy vệ sinh chép đầy thơ lên người như Dương Tường từng làm. Kiểu trình diễn như vậy có thể làm công chúng “choáng”, gây tranh cãi nhưng đó mới là cách gây hiệu ứng tốt.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trình diễn thơ cũng cần phải phong phú như thơ. Thơ có tứ tuyệt, lục bát, thơ tự do, thơ có vần, thơ không vần, trình diễn cũng cần mở rộng theo kịp. Sân thơ Hiện đại có nhà thơ Mai Văn Phấn, 56 tuổi, là gương mặt lớn tuổi nhất. Tuy nhiên, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, lứa tuổi nên đa dạng hơn nữa, có nhiều nhà thơ 60-70 hơn nữa. Bởi sân thơ Hiện đại dường như là nơi gánh trọng trách phá cách, tìm tòi, thể nghiệm cái mới trong trình diễn thơ.
Ảnh trên: Dịch giả Thúy Toàn (giữa) chụp ảnh cùng các em học sinh tại Văn Miếu (Hà Nội), trước mặt là các bản dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh ở hơn 10 thứ tiếng (Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Italy, Trung Quốc…) do ông dành cả đời để sưu tầm. Ảnh dưới: Ông Nguyễn Ngọc Căn, hội viên 68 tuổi của Hội Nhà văn Hà Nội, được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai biếu tập “Cởi gió” và ký tặng. Ông cho biết sẽ mang tập thơ này về cho người bạn Nguyễn Văn Vịnh, 65 tuổi, đang nằm viện nhiều năm nay vì bệnh hiểm nghèo với mong muốn “Biết đâu tập thơ này lại là nguồn động viên giúp bạn tôi mau khỏi bệnh”. Ảnh: Pham Mi Ly.
Ảnh trên: Dịch giả Thúy Toàn (giữa) chụp ảnh cùng các em học sinh tại Văn Miếu (Hà Nội), trước mặt là các bản dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh ở hơn 10 thứ tiếng (Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Italy, Trung Quốc…) do ông dành cả đời để sưu tầm.
Ảnh dưới: Ông Nguyễn Ngọc Căn, hội viên 68 tuổi của Hội Nhà văn Hà Nội, được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai biếu tập “Cởi gió” và ký tặng. Ông cho biết sẽ mang tập thơ này về cho người bạn Nguyễn Văn Vịnh, 65 tuổi, đang nằm viện nhiều năm nay vì bệnh hiểm nghèo với mong muốn “Biết đâu tập thơ này lại là nguồn động viên giúp bạn tôi mau khỏi bệnh”. Ảnh: Pham Mi Ly.
Bên cạnh đó, sân thơ Thiếu nhi năm nay được Hội Nhà văn cho tổ chức tại hồ Văn, nằm phía bên kia đường Quốc Tử Giám nhìn từ cổng chính Văn Miếu. Tuy nhiên, không gian riêng và rộng hơn các năm không trở thành ưu thế mà lại tạo khó khăn cho đơn vị tổ chức là nhà xuất bản Kim Đồng. Theo họa sĩ Phạm Quang Vinh, giám đốc nhà xuất bản, vị trí của sân thơ Thiếu nhi khiến công chúng gặp bất lợi khi phải băng qua lòng đường chật ních xe cộ. Đường Quốc Tử Giám và các tuyến đường xung quanh khá đông đúc trong suốt buổi sáng 17/2. Nhiều người còn không biết có sân thơ Thiếu nhi bên ngoài hồ Văn vì tưởng rằng không gian Ngày thơ gói gọn trong khuôn khổ Văn Miếu.
“Chỉ riêng trong Văn Miếu thôi mà cũng đã quá rộng, các sân thơ cũng diễn ra đồng thời nên không thể theo dõi hết được” là lời than phiền của nhiều độc giả. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (tác giả cuốn Sát thủ online) cho rằng, cách tổ chức của Ngày thơ khiến công chúng buộc phải lựa chọn giữa các sân thơ, khó có thể tham quan toàn bộ.
Đúng như ý định ban đầu, Ngày thơ năm nay tại Hà Nội không có màn trình diễn gây sốc nào. Khá đáng tiếc là sự trầm lắng này diễn ra trong thời điểm công chúng bắt đầu chấp nhận phá cách và háo hức mong đợi phá cách khi tới dự Ngày thơ.
Tại TP HCM, việc thiếu các sân chơi sôi nổi, vắng độc giả, chương trình diễn ra theo trình tự đều đều khiến Ngày Thơ mang không khí lặng lẽ và kém ngẫu hứng.
Với chủ đề “Từ thành phố này người đã ra đi”, bám sát kỷ niệm 100 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011), Ngày Thơ lần IX tại TP HCM (diễn ra ở Bến Nhà Rồng, quận 4), mở đầu theo đúng khuôn nghi thức các năm trước. Tại sân khấu chính, sau bài phát biểu của ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, đúng 8h30, đại diện lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gióng những hồi trống mạnh mẽ, báo hiệu ngày của thi ca bắt đầu vào hội.
Các ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ như Cao Minh, Vân Khanh, Hồng Vân... lần lượt mang đến giây phút lắng đọng với màn hát, diễn ngâm bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung), Nam Quốc Sơn hà (Lý Thường Kiệt), Nguyên Tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh)...
9h, chương trình thơ - nhạc diễn ra với sự tham gia của nhiều gương mặt thi sĩ như: Trương Minh Nhựt, Lam Giang, Lê Tú Lệ, Từ Quốc Hoài, Trần Thị Khánh Hội, Tôn Nữ Thu Thủy... Cái nắng nóng chói chang, gay gắt của phương Nam khiến người dự dần thưa đi. Tuy vậy, vẫn có nhiều người kiên nhẫn chờ đến 10h30 thưởng thức phần giao lưu của Sân thơ trẻ.
Ảnh trên: Các gương mặt nhà thơ, nhà văn vừa được kết nạp vào Hội nhà văn TP HCM ra mắt trong Ngày Thơ. Ảnh dưới: Nhà ở quận Phú Nhuận, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi đón xe ôm đến Bến Nhà Rồng, quận 4 để không lỡ dịp thưởng thức không khí thơ ca. Ảnh: Anh Vân.
Ảnh trên: Các gương mặt nhà thơ, nhà văn vừa được kết nạp vào Hội nhà văn TP HCM ra mắt trong Ngày Thơ. Ảnh dưới: Nhà ở quận Phú Nhuận, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi đón xe ôm đến Bến Nhà Rồng, quận 4 để không lỡ dịp thưởng thức không khí thơ ca. Ảnh: Anh Vân.
Chương trình Thơ trẻ năm nay do nhà thơ Phan Hoàng và Ngô Thị Hạnh viết kịch bản. Dịp này, Hội Nhà văn TP HCM giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ trẻ vừa được kết nạp vào hội, gồm: Trương Gia Hòa, Song Phạm, Trần Hoàng Nhân, Lê Thùy Vân, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang. Sau màn ra mắt, nhà thơ Gia Hòa và Thùy Vân đã "đội nắng" để đọc cho mọi người thưởng thức sáng tác mới của mình.
Có nhiều ý kiến khác nhau về không khí Ngày Thơ TP HCM. Theo chị Hồ Khánh Vân, giảng viên bộ môn Lý luận và phê bình văn học ĐH KHXH&NV, Hội nhà văn TP cho thấy sự cố gắng khi tổ chức hoạt động thu hút mọi người về với cội nguồn thi ca, văn hóa dân tộc. "Tuy vậy, qua các lần tham dự, tôi thấy hình thức tổ chức còn quá cũ, chưa toát lên chất sáng tạo của lĩnh vực thi ca, chưa có nhiều tương tác giữa độc giả - tác phẩm - tác giả". Cùng ý kiến, nhà thơ trẻ Lê Thùy Vân cho rằng, qua vài năm tổ chức, Ngày thơ vẫn cho thấy sự buồn tẻ, bó buộc và thiếu bay bổng trong cảm xúc.
Ngược lại, thi sĩ Phan Hoàng cho rằng, có lẽ có một sự hiểu nhầm khi cho rằng sân chơi thơ trẻ nói riêng và ngày thơ nói chung ở Sài Gòn diễn ra không sôi động. "Theo tôi, sân Thơ trẻ TP HCM sẽ không bao giờ sôi động vì bản chất của sáng tạo thi ca là sự lặng lẽ, thầm lặng. Người trẻ ngày nay bộn bề công việc nhưng vẫn cố gắng sáng tác, ra thơ đều đặn. Đến với ngày thơ, họ vẫn giữ được tinh thần thi ca, tinh thần nhân văn là điều rất quý".
Ngoài chương trình sân khấu, độc giả có thể dạo bước quanh các gian thơ của 15 CLB thi ca tại TP HCM. Cách thức trình bày gian thơ không nhiều sáng tạo, vẫn hình ảnh tre nứa, giỏ thơ, cây thơ quen thuộc. Có lẽ, điều luôn tươi mới chính là tình cảm của con người dành cho thơ. Ngồi nép một góc riêng tại gian thơ CLB quận 4, nhà thơ Dạ Thảo đọc to cho người bạn già của mình là nhà thơ Thanh Sử nghe một bài lục bát. Rồi cả hai gật gù tâm đắc như để cảm nhận câu thơ mình vừa đọc thấm vào gió, nắng buổi sáng mùa xuân trên Bến Nhà Rồng.
Một góc khác, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi, thong thả ngắm nghía các cây thơ, thỉnh thoảng ông dừng chân lại để đọc một đôi câu đối, sáng tác trên bức mành thư pháp. "Tôi từng dự Ngày Thơ ở Văn Miếu, Hà Nội. Nói chung, ngoài ấy sôi nổi, rôm rả hơn ở đây. Nhưng với tôi, có một ngày thế này để còn nhớ đến thơ là vui rồi", cụ Tú Nguyên nói. Tuy vậy, một nhà thơ không nêu tên chia sẻ với chút ngậm ngùi: "Độc giả của thơ chẳng thấy đâu. Toàn người trong giới sáng tác vui với nhau thôi".
15h chiều nay (17/2), tại TP HCM tiếp tục diễn ra buổi giao lưu Câu lạc bộ Thơ với sự tham gia của 15 CLB Thơ trên toàn địa bàn. 18h, ngày của thi ca khép lại.
Pham Mi Ly - Anh Vân (evan.com.vn)

Festival Thơ Huế 2010: Thắp lên những ý tưởng thơ

 Lời nói đầu: Đây là bài viết bởi PV của Tạp chí Sông Hương, Đồng Chuông Tử (ĐCT) cop lại. Cũng xin nói qua một chút về cơ duyên buổi trình diễn thơ ở Festival Huế 2010. Rằm tháng giêng năm trước, ĐCT có ra Hà Nội đọc thơ, trình diễn thơ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Sau đó, làm cuộc "giang hồ"gần một tháng với nhà thơ - họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn (Đà Nẵng) bất ngờ hội ngộ, cùng ra sắp đặt thơ, đọc thơ. Ban ngày đi rong chơi, khám phá, nhậu nhẹt, hát ca bồng bềnh rộng khắp Hà thành. Ban đêm về căn hộ chung cư trong phố Hàng Than của vợ chồng nhà thơ - đạo diễn Phan Huyền Thư và anh Tuấn, nghỉ ngơi, giã bia rượu, luyện thanh (khoản này riêng tôi thôi) và tập thể dục giữ gìn sức khỏe cho ngày mai. Một ngày kia, nhà thơ - bác sĩ Phạm Nguyên Tường, Chủ tịch hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế ra chuẩn bị bảo vệ Luận án tiến sĩ y khoa. Duyên đưa đẩy chúng tôi gặp nhau. Anh gợi mở í tưởng đem trình diễn thơ về Huế đặng làm quen với công chúng yêu thơ Cố Đô. Chúng tôi một phen nấn ná. Rồi cũng gật đầu đồng í, cảm giác vừa mừng vừa lo. May mắn là đêm ấy thành công tốt đẹp, ngoài mong đợi. Và bài viết dưới đây là một "chứng cớ" ngọt ngào.


Tối ngày 6/6, tại công viên 3/2 bên bờ sông Hương thơ mộng đã diễn ra cuộc trình diễn thơ với chủ đề “ Những nấc thang” do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức, chương trình nằm trong khuôn khổ Festival Thơ Huế lần thứ 4 - 2010.

Festival thơ Huế - Cuộc trình diễn nhiệt huyết của những ý tưởng

Mở đầu chương trình nhà thơ trẻ Nguyệt Phạm với bài thơ “Đấu giá”, giữa một phiên đấu giá mà chị chính là mẫu hình được đấu giá, với nhiều bảng giá khác nhau, và từng tờ giấy giá được dán lên mình chị, cuối cùng chị xé tất cả những tờ bảng giá chỉ còn lại một nỗi buồn.

Nhà thơ Nguyệt Phạm trình diễn bài thơ "Đấu giá" 

Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn “Tự họa” mình sau tấm khung trắng, cũng chính chị là người họa sỹ đang vẽ lên từng nét thơ bên tiếng đàn của nghệ sỹ M.P.K.

Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn với bài thơ "Tự hoa" của chị

Nỗi ám ảnh thơ, thơ đã ngấm sâu trong trái tim nhà thơ và rồi từng cơn đau thắt... thơ; từ đoạn video clip về một người đi tìm thơ giữa phố phường tấp nập; trên một đọan đường, đoàn tàu cứ lao vun vút, riêng một người vẫn còn đứng đó sáng - trưa - chiều - tối trong nỗi buồn cô quạnh, từng dòng thơ chạy trên màn hình và đoàn tàu lao đi; sự lặng im của mùi thơm và cánh cửa cũng đã khép lại... đã được các nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Hưng Tiến, Lê Anh Hoài... khắc họa qua phần trình diễn của mình.


Khép lại buổi trình diễn thơ, nhà thơ trẻ Huỳnh Lê Nhật Tấn thể hiện bài thơ “Sẽ không còn thấy anh nữa” tặng cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa. Cái điệp khúc “ Mười ba giờ bốn mươi/ Mười ba giờ bốn mươi/ Mười ba giờ bốn mươi...” được anh lặp đi lặp lại với giọng đọc mạnh, níu kéo về một điều gì đó không thể... và rồi giọng thơ dịu xuống trong chuỗi buồn “Một người tắt đi hơi thở theo mùa khô.../ Mười ba giờ bốn lăm/ Thân xác anh pho tượng uy nghiêm...” còn lại nỗi buồn không thành tiếng. Anh bắt đầu vẽ lên tranh, vẽ bằng cơn đau nhói buốt, trên bức tranh sau những nét vẽ chỉ còn là nỗi nhớ vật vã và bàn tay anh chạy theo dòng chữ đã nhòe theo từng giọt nước: Đ.N.K (Đặng Ngọc Khoa).


Buổi trình diễn thơ đã được đông đảo công chúng yêu thơ xứ Huế đón nhận. Tuy nhiên, nếu các nhà thơ “thoát ra” khỏi mảnh giấy cầm trên tay thì chắc chắn đêm thơ sẽ hay hơn nhiều. Hy vọng sẽ còn nhiều buổi trình diễn thơ của các nhà thơ trẻ trên mọi miền đất nước bên dòng sông Hương thơ.

PV.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

ĐỘNG PHONG NHA VÀ NHỮNG DẤU TÍCH CHÙA HANG CỦA PHẬT GIÁO CHĂMPA


Tác giả: TS. Ngô Văn Doanh
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Động Phong Nha (huyện Bố Trạch - Quảng Bình) với cả một hệ thống hang động, sông ngầm và muôn vàn những cột thạch nhũ lộng lẫy rủ xuống muôn hình muôn vẻ… từ lâu đã được biết đến như một danh thắng kì thú của đất nước.
Ngay ở thế kỉ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã ca ngợi Động Phong Nha mà thời xưa gọi là Động Chân Linh: “Động Chân Linh ở nguồn Chân Linh, châu Bố Chính, sau lưng là núi, trước mặt là nước, cửa động hẹp chỉ lọt một cái xuồng, trong động rộng rãi. Người đi xem cầm đuốc men trên bộ mà vào, đi bộ 100 dặm thì có một cái cửa vào trong ấy thấy trời đất, mặt trời, mặt trăng, mây ráng, cỏ hoa, rõ ràng là một thế giới. Có phiến đá to bằng phẳng như bàn cờ, có con cờ. Bốn bề là vách đá như ngọc đẽo thành. Cảnh vật lạ đẹp, trong có nhiều bài thơ đề vịnh”. (Sách Phủ biên tạp lục)(1). Không chỉ đến thế kỉ XVIII, mà trước đó hai trăm năm, vào thế kỉ XVI, trong sách Ô Châu cận lục, Dương Văn An đã có những ghi chép thật tỉ mỉ và lí thú về khu hang động duy nhất ở đất Ô Châu- Động Chân Linh (nay là Động Phong Nha) này: “Động ở huyện Chân Linh, châu Bố Chính. Đằng sau lưng dựa núi biếc, phía Tây đầu gối dòng xanh. Bên dưới nước nhuốm màu biếc, mé trên đá phủ rêu xanh. Động có một cửa hẹp chỉ vừa một thuyền đi, vào bên trong động thì dần dần rộng ra. Người vãng cảnh đi thuyền đến đây, trước tiên cần phải thanh tịnh trai giới, khi gặp nước yên sóng lặng, gió quang mây tạnh mới đốt đuốc sáng theo dòng nước mà vào. Liền nghe gió thổi thành muôn điệu sáo, trong động âm vang như vạn tiếng đàn. Đi tiếp khoảng trăm dặm thì có một cái cửa như miệng cá. Nơi đây trời đất sáng sủa có ánh sáng mặt trăng, mặt trời rọi chiếu, cỏ yên mây lặng thanh tịnh không dính chút bụi trần. Chim hót mừng người, hoa cười đón khách, mở ra cả một khoảng đất trời riêng. Đá tảng lớn và phẳng, có bàn cờ đá có quân cờ. Xung quanh vách đá như đẽo gọt, có những điểm nhỏ lấm tấm, nom tựa đồng tiền, hoặc như làn tóc, hoặc như hình người, hoặc như hạt cườm rủ. Nước lặng biếc như mắt sư, núi thẳm xanh như đầu Phật. Chim chơi trên cát chân còn in dấu, cá giỡn sóng nước chẳng gợn tăm. Dẫu có cảnh trí Đào Nguyên cũng không hơn được nơi này. Văn nhân trong huyện có nhiều người để lại thơ đề thơ, người đời sau xem lại thấy ở những chỗ đề thơ này như có dấu khuyên dấu chấm. Tục truyền ở trong động có cái trứng vàng bị chìm dưới đáy nước, có một vị thuật sĩ muốn tới lấy lên, khi đến cửa động, gặp dân địa phương bảo sóng gió không thuận, không nên vào. Thuật sĩ vốn tự phụ cậy mình có phép thuật thần diệu, nên cứ bơi chèo đi vào. Được một lúc bỗng nghe có tiếng trống, tiếng tù và nổi lên ầm ầm, nhìn nhau thất sắc phải vội quay thuyền trở ra. Sự linh dị đại loại như vậy. Có câu thơ cổ rằng:
Đông môn vổ toả thược
Tục khách bát tằng lai
Dịch là:
Cửa động không then khoá 
Khách tục chẳng thể qua
Chính là nói về chuyện này”(2).
Đến thế kỉ XIX, các sứ giả của Quốc sử quán triều Nguyễn còn cho biết thêm: “Nay hỏi người địa phương đều nói, tục truyền núi này anh linh, nhưng cửa ngõ khoá chặt đã lâu, gần đây không có du khách đến thăm nữa. Theo Quảng Bình tỉnh chí, thì động ở một ngọn núi đá về phía tây xã Lệ Sơn Thượng, bên dưới là khe suối. Tương truyền xưa có Chân Linh tiên nữ ở trong động, lại có một vị tăng tinh thông pháp thuật, một hôm trai tăng đến chân núi múa kiếm chém bụng núi, chặt chân núi, tiên tử bèn chạy đến phường Phúc Lâm, vị tăng cũng chạy theo, rồi hai người đều hoá thành đá ở trên núi, cho nên có tên gọi là núi Đạo Sĩ cũng gọi là Núi Trai Tăng Tiên Tử, dân địa phương Phúc Lâm lập đền thờ ở dưới núi. Trên núi có hai hòn đá, đứng xa mà trông, một hòn như hình ngọc nữ hóng gió, một hòn như hình người tiên cưỡi mây? Ở sườn núi này có chỗ đá như bị cắt, tục nói đây là vết kiếm chém của vị tăng; ở chân núi có chỗ lõm vào, tục nói đây là vết vị tăng chặt chân núi. Về phía tây núi, bực đá mở ra một cái hang, trong hang có đền Chân Linh tiên nữ, khi hạn hán cầu đảo thường được ứng nghiệm”(3).
Thế nhưng, chỉ từ cuối thế kỉ XIX, động Phong Nha mới thực sự được khám phá và được nghiên cứu một cách khoa học. Công đầu trong việc khám phá này thuộc về các linh mục người Pháp mà trước hết là Linh mục  Cadière(4). Một linh mục người Pháp khác là Linh mục L. De. Lajonquiàre cũng đã tới Động Phong Nha và đã để lại những ghi chép khá chi tiết: “Một lỗ thoát nước dài 200 mét kéo từ sông đến một vách đá cao đứng thẳng có những kẽ nứt nghiêng; vách đá dựng đứng và trơ trụi từ mặt đất bằng của bến đến tận đỉnh sơn khối mà ở một số điểm cao đến 80, 100m. Một cửa hang rộng đến vài chục mét, trên trần là một kẽ nứt nghiêng, dẫn vào một cái động đầu tiên trông thật là kì thú. Động hình tròn, đường kính rộng đến vài mươi mét. Trần động khum tròn lại buông xuống từng chùm thạch nhũ. Vách động được khoét và vạt vào; những vòm đá nhỏ thông vào các ngóc ngách, các góc tối.
Một mảng nước bình lặng trong vắt, và xem chừng rất sâu, trải ra khắp động, trên vách, những hõm sâu mờ mờ ảo ảo không biết đâu là đáy. Ánh sáng phản chiếu trên mặt gương xanh biếc của làn nước, tô những màu sắc rực rỡ lên vòm động, lên những dòng thạch nhũ, lên những khe kẽ kì lạ trong đá.
Một ngách dài chừng vài mươi mét nằm dưới một kẽ nứt rất thấp (chỉ độ 2, 20 mét trên mặt nước) dẫn vào một cái động thứ hai; ánh sáng xuyên suốt đến tận đáy, chiếu rọi lên một dòng nhũ đá cứng lại, thành hình vòm cung; xa hơn, ánh sáng không còn xuyên vào được nữa và làn nước cứ chìm dần giữa hai vách đá, vào trong bóng tối sâu thẳm.
Dưới ánh lửa đuốc của người chèo đò, ta có thể nhận ra được một phòng dài, rộng chừng vài mươi mét, trần lúc thì khum tròn, lúc thì vòm cung nhọn, cao đều đều từ mười lăm đến mười tám mét. Vách động bằng đá vôi xanh nhạt khi thì phẳng lì và vạt vào, khi thì phủ ngoài bằng những mảng đóng cứng lại. Những dòng thạch nhũ đông lại thành từng chùm đồ sộ chứng tỏ một quá trình thẩm thấu lâu dài không mệt mỏi…
Con thuyền trôi từ từ, phải bơi hai mươi lăm phút mới đến được một cái bến đất thó dốc đứng, đó là phù sa do nước lũ đem vào, lấp bằng các hốc lõm trong đá để tạo thành mặt đáy nền của động. Đến đây, cái phòng dài thu hẹp lại, trần hạ thấp xuống, mặt đất lỗ chỗ những hố sâu mà phù sa không trôi vào được, và cái hang kéo dài đến 1.200 mét tính từ cửa vào, kết thúc bằng một ngách con hẹp, ngách còn kéo dài đến 300 mét nữa dưới các kẽ nứt của sơn khối.
Cách nơi cặp bến độ 30 mét có hai trụ đá đẹp, tạo thành bởi những nhũ đá từ trần chảy xuống, từ mặt nền nhô lên họp lại cùng nhau, đỡ lấy cái vòm động, mở đầu cho một dãy hàng cột dường như móc nối vào nhau. Hai bên vách ở lối vào, phủ một lớp bụi diêm tiêu đóng lại khá dày. Trên lớp bụi trát đó, có những vết chữ khắc vội vàng không chau chuốt của những người khách đã đến đây từ thời rất xa xưa. Các khách đó hình như là người Chàm”(5).
Đúng là Động Phong Nha đã có từ rất lâu. Theo các nhà địa chất, cách ngày nay 5-7 triệu năm, Động Phong Nha đá được hình thành do những kiến tạo địa chất trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Thế nhưng con người thì lại chỉ mới thực sự khám phá ra khu hang động kì thú này từ cuối thế kỉ XIX. Đến những năm cuối của thế kỉ XX, Động Phong Nha lại được thêm một lần khám phá khoa học nữa.
Sau năm 1990, Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đã nhiều lần đến khảo sát Động Phong Nha. Và, thật lí thú, theo đánh giá của Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh, Động Phong Nha là quần thể hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn cái nhất: có sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất và có những thạch nhũ đẹp nhất. Cũng theo số liệu khảo sát của các nhà hang động học, chiều dài các hang ở Phong Nha là 64.385 mét. Trong đó, hang Vòm là hang dài nhất Việt Nam và đã được Hiệp hội hang động quốc tế xếp vào danh sách các hang động dài ở Châu Á và thế giới. Các hang động ở Phong Nha lại đều có dòng chảy ngầm ra sông Son, có cấu tạo phức tạp, nhiều nhánh; mỗi nhánh lại chia thành nhiều phòng. Tất cả đã khiến cho khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một kiệt tác kì diệu của thiên nhiên. Thế nhưng trong cả một hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng kì thú và rộng lớn như thế, từ xưa tới giờ con người chủ yếu mới tới được một động duy nhất là động Phong Nha - động có độ dài không lớn (hơn 600 mét).
Theo những ghi chép của Dương Văn An và các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn, thì ở khu vực Động Phong Nha đã có những dấu tích thờ tự của người Việt: đền Chân Linh tiên nữ. Thế nhưng, trước khi có những ghi chép trên, người Chăm xưa đã đến Phong Nha và đã biến khu hang động này thành một địa điểm tôn giáo quan trọng của mình.
Trong ghi chép của mình (chúng tôi đã dẫn ở trên), L. Lajonquière đã ngờ những vết chữ trên vách hang động là của những người Chăm để lại. Sau những người truyền giáo, một trong những người Pháp đã tới Động Phong Nha là ông C. Paris.
Ông đã phát hiện ra một số hiện vật: bên phải lối vào có một bệ thờ xây bằng gạch Chàm do người Việt làm lại “trước kia là nơi đặt một pho tượng đá, chân bắt chéo, đeo một hình chữ vạn trước ngực, đầu có đội mũ che gáy; ở giữa động cạnh nơi có các dòng chữ có phế vật của một bệ thờ với pho tượng đá(6). Các nhà khoa học Pháp còn cho biết đã phát hiện ở Phong Nha (vào cuối thế kỉ XIX) nhiều dấu tích Phật giáo khác nữa bằng đất nung(7). Ông H. Parmentier có bản dập một trong những pho tượng nhỏ Phong Nha. Theo lời ông mô tả, thì đây là một pho tượng Phật nhỏ bằng đất nung rất cứng, ngồi trên bệ sen. Toàn bộ chiều cao của tượng gần 10 cm. Hình người ngồi xếp bằng, bàn tay trái duỗi ra đặt nằm trong bàn tay phải chỉ xuống đất (động tác lấy đất chứng giám- NVD). Búi tóc buộc ngược thành túm chỉ trên đỉnh đầu. Chỉ vai phải và bàn tay phải là để trần(8).
Ngoài những hiện vật Phật giáo ra, nhà khoa học người Pháp C. Paris đã thu thập (ghi lại) được ở động Phong Nha 97 bi kí Chàm cổ. Vì dạng chữ bất thường và việc dập thời đó không ghi được chính xác nên các bi kí Phong Nha vẫn chưa dịch được. Chỉ một số từ là đọc được cho thấy rõ tính chất Phật giáo của hang động Phong Nha này. Ông Majumdar nói đến 36 Gia kí ở Phong Nha và đọc được một từ nói về Sariputra, một tông đồ nổi tiếng của Đức Phật(9).
Rất tiếc những hiện vật vật chất đã không còn, còn bi kí thì không đọc được. Cho nên khó có thể xác định được niên đại của những bệ thờ và tượng thờ cùng những bi kí Phật giáo Chăm xưa của Động Phong Nha. Thế nhưng, trong nghệ thuật Chămpa cổ, truyền thống (đặc biệt là tượng Phật) gốm chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn đầu tiên - giai đoạn trước thế kỉ VII, khi mà những ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ (phong cách Gúpta và phong cách Amaravati) còn rất đậm trong điêu khắc Chăm(10). Mà, truyền thống nghệ thật Phật giáo sớm (trước thế kỉ VII) không chỉ thịnh hành ở phía bắc mà còn cả ở phía nam Chămpa xưa.
Ngoài hình phù điêu gốm nhỏ ở Phước Tịnh (Phú Yên) thể hiện Đức Phật ngồi trên rắn Naga giữa hai hình tháp, năm 1996, chúng tôi còn phát hiện ra một loạt tượng gốm Phật giáo ở Phú Yên. Đó là: hình Phật ở chùa Hồ Sơn, Tuy Hoà, ba hình Phật ở thôn Thọ Sơn, xã Hoà Tiến, thị xã Tuy Hoà, v.v…(11)
Chùa hang Phong Nha cùng những di vật trong đó là những bằng chứng vật chất về sự có mặt rất sớm của Phật giáo ở vùng cực bắc của nước Chămpa xưa. Cho đến tận thế kỉ X, tôn giáo chủ đạo của vùng bắc Chămpa vẫn là Phật giáo. Một trong những bằng chứng cụ thể đó là bi kí Phật giáo ở Ròn. Dựa trên dạng tự Sanskrít, các nhà nghiên cứu cho rằng, bi kí Ròn được khắc vào khoảng thế kỉ IX hoặc X. Bài minh, được khắc trên một tảng đá nằm ở cánh đồng Bắc Hạ chừng 2 dặm, gồm bốn dòng viết bằng chữ Sanskrít nói về việc cúng tiến cho một tu viện Phật giáo. Bài minh viết: “Tôn kính thần Sri Damaresvara. Những cánh đồng Til-vit, Par, Tradvad... - tất cả những khu đất này là do vị vua hùng mạnh Sri... dâng cúng cho tu viện... Ngài là người có... là người đã huỷ diệt...” (những chỗ trống là mất từ). Xin lưu ý: vị thần Damaresvara mà vua Sri... tôn kính là thủ lĩnh các Daramas hoặc Hutas (yêu tinh) là một trong vô vàn tên hiệu của Avalokitesvara có nguồn gốc từ thần Shiva(12).
Mà không chỉ ở Phong Nha, trong vùng đất phía bắc của Chămpa xưa (nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), đã phát hiện ra khá nhiều hiện vật và di tích Phật giáo có niên đại thế kỉ IX-X(13).
Phong Nha không chỉ là một danh thắng thiên nhiên kì thú được UNESCO công nhận là di sản thế giới mà còn là khu chùa hang Phật giáo vào loại xưa nhất được biết ở Chămpa và cả khu vực Đông Nam Á thời xưa(14)./.
Nguồn:  Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Số 1(25)/2004)
______________________________________
1. Lê Quý Đôn. Toàn tập. Tập 1, Nxb. Hà Nội, 1977, tr. 95.
2. Dương Văn An. Ô Châu cận lục (bản dịch). Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 20-21.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí (bản dịch). Nxb. Thuận Hoá 1997, tr. 28-29.
4. Cadière L. Géographie historique du Quảng Bình d’ apres les annales impériales, in BEFEO II (1902) pp. 55-73.
5. Dẫn theo: H. Parmentier. Inventaire descriptif des monuments Chams de L’ Annam (IC), Paris, 1909 (Chương IX, III, Quảng Bình, Động Phong Nha).
6. C. Paris Les inscriptions Chams de Phongnha (Quảng Bình), in Compete-Rendu Analitique des Seances, Hanoi (Premier Congres International des Etudes d’ Extreme-Orient) 1902, pp. 99-100.
7. BEFEO, I (1901) tr. 25-26, các hình 9-12. L. Finot. Trong công trình: La Religion des Chams d’apres les monuments (BEFEO, I, 1901, tr. 24-26) cho biết đã tìm thấy ở Phong Nha 35 hình ảnh Phật giáo Đại Thừa bằng đất nung thể hiện thành 5 chủ đề: 1) Phật ngồi trên đài sen; 2) Hình tháp với hình chiếc ô; 3) Avalokitesvara, 4) For a; 5) Padomaponi.
8. Parmentier. H, Sđd (Động Phong Nha).
9. Majumdar R. C. Ancient Indian Colonies in the Far East. Vol 1. Champa, Lahore, 1927, tr. 259.
10. Có thể tham khảo Boisselier. La statuaire du Champa. BEFEO, Paris, 1963.
11. Ngô Văn Doanh. Về những hình người bằng đất nung của nghệ thuật cổ Champa tại Phú Yên, trong: Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1996, Nxb. KHXH, Hà Nội 1997, tr. 624-625.
12. Chúng tôi dịch từ bản tiếng Anh trong cuốn: The Inscriptions of Champa của R.C Maijumdar, New Delhi, 1976, tr. 225-226.
13. Có thể xem: Ngô Văn Doanh. Động Phong Nha và các di tích Chămpa. Tạp chí Xưa và Nay, số 40, VI-1997, tr. 18.
14. Trên cơ sở nghiên cứu các hình Phật giáo bằng đất nung, G. Coedes (Tablettes Votives Boudhiques du Siam, Etudes Asiatique, Paris, 1925, tr. 145-147) cho rằng Phong Nha là trung tâm thờ phụng của Phật giáo Đại Thừa đậm sắc thái Mật Tông.

Riêng cho 19.02


Sau 15 phút nghỉ ngơi và dời địa điểm
Chúng tôi ngồi vào hiệp 2, cũng không sử dụng trọng tài.
Mỗi người tự sắm vai.

Chúng tôi nhập cuộc ở trên cao, góc phố Bà Triệu,
nơi đã được cách âm, tránh phải gió 
quét bừa sẽ vô tình làm rụng
anh em tôi, bốn chiếc lá xanh
đậu lại “mọc nghiêng” bàn nhậu.

Mang trong mình chút bí ẩn, thỉnh thoảng phục hoạt tí
tẹo phép màu, chúng tôi còn là những cơ tửu.
Những chiếc cốc là quả bóng của mỗi người.
Bao tử là sân vận động, những đường hớp nóng bỏng, gây cấn sẽ
xốc lại cảm xúc chúng tôi.

Đây là trận đấu được tổ chức để chúc
mừng sinh nhật chị tôi, chiếc lá đầy
thương tích cuộc đời, năm nay bốn mươi mùa trăng đục.

Khác với không khí hiệp 1, 2/3 của hiệp 2, bỗng
toá màu mận chín, âm thanh nứt vỏ, bốn chiếc lá rúc vào,
thu lu khóc.

Ngoài kia, ở phía dưới, Hà Nội là cái tủ lạnh, lớt phớt mưa xuân.  

Ngày 22 tháng 2 năm 2011, sự kiện nhỏ của tôi

Bây giờ là 23 giờ 20 phút (giờ Hà Nội), blog này được khai sinh. Mở màn một thời kì mới của tôi trên không gian mạng. Đây là một sự kiện nhỏ xíu nhưng vô cùng quan trọng, với tôi. Thực ra, thời gian trước tôi cũng đã từng tập tành 'chơi' blog, chỉ mỗi tật lười rồi xa rời.

Blog này được tạo, không còn ngẫu hứng nữa. Nhận thức của tôi đã khác. Mọi thứ phải nên lưu giữ lại, bất cứ hình thức nào. Là một thi sĩ sống ở thế kỉ XXI, blog là hết sức cần.

Vài lời tự sự phơi ra, hồi hộp, lo lắng, vui mừng chen lấn nhau bấn loạn đường lòng. Hi vọng độc giả quan tâm và ủng hộ. Trân trọng!
                                                                     Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2011.
                                                                                      Đồng Chuông Tử