Tối thứ bảy (5/3)vừa rồi, bọn mình đi nghe nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn -Từ Linh, ở quán Lộc Vàng trên đường Ven Hồ. Bọn mình gồm Nhà thư pháp vỉa hè Đào Thái Hồng Phúc (43-54 phố Văn Miếu), thi sĩ giang hồ Khả Lôi, chị Hồng - doanh nhân cây cảnh và mình, Đồng Chuông Tử he he.
Phải khẳng định một điều rằng, những ca sĩ ở quán này, tuy hát để thỏa mãn niềm đam mê thôi, nhưng "phiêu" cực kì, làm mình xúc cảm dâng trào. Quanh đi quẩn lại, bọn mình đã rít hết 2 gói thuốc Thăng Long và tu hơn nửa kết bia Hà Nội trong vòng hơn một... tiếng đồng hồ.
Mình không nhớ quán đóng cửa lúc mấy giờ, vì sau đó bọn mình rủ nhau đi nhậu tiếp. Tuy nhiên những dư âm của nó là thật sự lắng đọng, vui sướng và ngạc nhiên với mọi người và riêng mình nữa.
Vui sướng, thứ nhất, nó hợp gu, đáng phải loay hoay đi bộ (khoản này lão Phúc và mình thôi, hai vị kia đến sau bằng xe máy) tìm kiếm quán gần một tiếng. Thứ hai, những "người hát" cháy bằng lửa thật.
Còn ngạc nhiên ư ? Ngạc nhiên vô cùng. Mình và Phúc, đi bộ tới lui, lui tới trên con đường ấy, hỏi quán Lộc Vàng, chả ai biết. Giải thích thêm là quán có hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn -Từ Linh gì đó,... đồng chí trông ra dáng trí thức phết mà cũng không biết các ngài kia là ai. Chịu. Cuối cùng mỏi giò quá hai anh em vẫy taxi đi không quá 3 phút tới nơi tuốt. Mà thưa thiệt, taxi cũng không biết quán ở đâu, chỉ lái theo trí nhớ mơ hồ của lão Phúc. Tay taxi cứ dùng dằng lúc tính tiền, biết gần thế "lầy" em để hai bác đi bộ, mình cứ nhe hàm răng móm he he trừ, còn lão Phúc thì nun nút bảo, thông cảm đi mà thông cảm đi mà bọn tôi không biết nó gần như thế, đồng chí lái xe ạ.
Vào đến quán rồi, mừng quýnh, vừa ngồi xuống là gọi điện thoại tứ tung, mạnh ai nấy gọi. Chỉ gọi anh em hợp gu nhạc thôi. Lão Phúc, gọi ai không biết. Mình gọi Khả Lôi, vợ chồng Họa sĩ Thái Tĩnh-Hoàng Anh, khoe quán ok ok. Lát sau, Khả Lôi đến. Rồi chị Hồng, lão Phúc gọi, cũng đến, sau vài cuộc điện chỉ đường. Vợ chồng họa sĩ không thấy đến, chắc bận hát ru baby gần 2 tuổi ngủ nà, khổ thân hai ông bà, nhưng mà hạnh phúc khà khà khà...
Khuya, cả bọn hộ tống chị Hồng về trước. Sau đó đèo ba về phố Văn Miếu, thả lão Phúc xuống. Rồi hai anh em về phố Phùng Khoang.
Sáng hôm sau, mình đau đầu cực kì. Dư âm của bia rượu, thuốc lá, thức khuya và cả buổi chiều chia tay Ngọc vài hôm trước đó. Thế là ngủ nguyên cả ngày luôn.
Sáng nay, Khả Lôi thức dậy sớm đi làm. Cái Hoài, vợ hắn, đạo diễn trẻ bên sân khấu, chở mình đến số 70 phố Nguyễn Du, đối diện hồ Halle, uống cà fê.
Trước khi đi, ghé tiệm bánh mì mua ba ổ, cái Hoài ngạc nhiên, hỏi "ô, anh mua cho ai nữa đấy", mình nói "bánh mì ngon anh ăn hai ổ cho đã thèm".
Trong khi chờ nướng thịt nhét bánh mì, mình bảo cái Hoài quay lại nhà đem theo cái laptop, phòng khi có việc cần đến. Còn mình, gọi phone cho anh Nguyễn Việt Chiến, phóng viên Báo Thanh Niên, chi nhánh Hà Nội. Anh ấy bận đi viết bài tận Sơn Tây, không đến được, hẹn chiều gặp. Xong xuôi, hai đứa ok quán cà fê thẳng tiến.
Đến nơi, hai anh em gọi 2 ly nâu. Mình xúi cái Hoài gọi Tuệ Nguyên ra luôn, vì hắn ở chỗ công ty chị Phan Huyền Thư, phố Bà Triệu gần đó. Ít phút sau Tuệ Nguyên đến, gọi li đen đá. Hai thằng hút thuốc nhả khói bay ngợp quán, cái Hoài lắc đầu, bó mũi với hai ông anh.
Cả ba vừa uống cà fê vừa "tám" trên trời dưới biển. Mình chợt lóe lên í tưởng, chẳng lẽ, ngồi đến chiều chờ anh Nguyễn Việt Chiến, phí thời gian quá. Mình gọi phone mời anh Bảo Ninh, nhà văn của Nỗi buồn chiến tranh. Anh mời ngược bọn mình về nhà trên phố Hoàng Hoa Thám.
Cả ba đến nơi. Anh đem hai chai rượu Tây, dăm lon bia Hà Nội và cả mâm mồi hoành tráng. Anh cứ dặn đi dặn lại "uống không được say uống không được say". Mình nghĩ thầm trong bụng, quái lạ uống mà không say, uống mà không say.
Giây lát, anh và cái Hoài gắp mồi vào bát cho mình và Tuệ Nguyên, bảo "ăn nhiều vào ăn nhiều vào, nhậu gì không thấy ăn gì cả, say bây giờ say bây giờ". Cả hai thay phiên nhau dặn dò thế. Sau vài cái cụng ly, cuộc nhậu bắt đầu sôi động hẳn lên.
Vì sao có cuộc gặp gỡ này? Xin thưa thiệt, khi còn ở Sài Gòn, mình có nghe phong phanh rằng anh Bảo Ninh và anh Nguyễn Huy Thiệp, từng tuyên bố mình có dòng máu Chămpa, tổ tiên của hai anh là tù binh Chăm gì đó. Rong chơi lần trước, mình có gặp anh Bảo Ninh rồi. Hôm ấy cũng rơi vào bữa nhậu, hình như ở Cục điện ảnh, trên đường Lí Nam Đế. Chính xác là buổi chiều, họa sĩ-thi sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn và mình cùng đến. Hai anh em cũng đã ngà ngà, nhưng mình nhìn sơ qua, thấy khuôn mặt các anh ai nấy cũng đỏ vì bia rượu. Mình chỉ còn nhớ được vài cái tên hôm ấy như anh, anh Nguyễn Bình Phương, anh Cao Việt Dũng, nhà thơ Đoàn Văn Mật,...
Trưa nay nhậu ở nhà anh vui quá. Cái Hoài, lễ phép cứ gọi nhà văn Bảo Ninh là chú, không biết anh ấy có sụt sịt tủi thân không, chỉ thấy lâu lâu chân mày cứ giật giật lên rồi nhíu lại, hàng ria thì run run. Nhưng chắc chú Bảo Ninh cũng thông cảm mà bỏ quá cho cháu gái, vì lời giải thích rất Khổng Tử rằng "chú và bố cháu ngang ngang tuổi nhau, nên phải xưng hô cho tôn ti trật tự". Hè hè chú nhà văn ra chiều tấm tắc "khoản này sếp duyệt, sếp duyệt".
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mình bật nhớ, vớ ngay điện thoại phone cho Đoàn Văn Mật, hỏi số. Mật thì vừa tài hoa, vừa lưu trữ giỏi, mình phục.
Trong cuộc vui hôm nay tại gia trang nhà văn Bảo Ninh, vô tình hay hữu í chỉ toàn người Chăm mình thôi he he. Sẽ vui hơn, nếu có thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Thế là mình gọi điện. Anh Thiệp nói, anh đang ở quán cà fê Nhân, trên phố Hàng Hành, mình nói ok ok bọn em qua liền qua liền.
Tuệ Nguyên rượu vào thì hứng khởi lên, đòi uống hết chai rượu Tây còn lại mới đi. Mình thì lo anh Thiệp chờ lâu, cái Hoài và mình thay phiên nhau xuống nước, cộng thêm lí do để anh Bảo Ninh nghỉ ngơi, ngồi chịu trận từ trưa với cả bọn, vậy là vừa rồi. Nhưng hắn đâu có nghe, ráng ngồi lại tu hết 3/4 chai mới chịu đứng dậy, chào tạm biệt. Mất hơn cả tiếng đồng hồ. Mình vội gọi lại cho anh Thiệp, hỏi xem anh đã đi chưa hay vẫn đợi. Trong lúc đó, anh Bảo Ninh dắt xe máy ra giùm cái Hoài, bã xã anh cũng từ trên lầu xuống chào tiễn biệt, và không quên khen giọng hát của bọn mình bay vút lên tận tầng lầu của chị. Hè hè không biết chị khen hay là chê đây, miễn trên môi nở nụ cười tươi là lần sau có thể ghé lại chị Bảo Ninh nhỉ!
Tiễn ba đứa ra khỏi ngõ, anh cứ nhắc chạy xe cẩn thận chạy xe cẩn thận. Đã dặn là uống không say uống không say. Nhưng thú thật, trong bốn người, trừ cô em gái đạo diễn uống nước lọc ra, ba gã đàn ông không say mới lạ anh Bảo Ninh nhỉ! Nhưng thây kệ, từ lúc sinh ra đến giờ hơn 30 năm, mới biết nhà anh, không say không được anh Bảo Ninh ạ.
Cái Hoài, được mình phân công chở Tuệ Nguyên, còn mình leo xe ôm.
Hơn 15 phút sau đến nơi. Đúng là cà fê Nhân rồi, nhưng ba đứa hết lên lầu xuống lầu, rồi lại lên xuống, cũng không thấy anh Thiệp ở đâu. Lạ nhỉ, anh Bảo Ninh quả quyết là anh Thiệp, nếu hứa chờ là sẽ chờ, mà sao không thấy ngồi ở trong này. Mình tiện chân, ra ngoài hành lang quán tìm thì thấy, hóa ra anh đang ngồi chờ một mình ở đây.
Bốn người, ba người cũ với nhau và một người mới gặp. Ba li chanh đá được đem đến, đặt lên bàn, với một bình trà ít cái li đã đậu sẵn trên đó . Vài ba câu hỏi thăm tình hình, gia cảnh và đời sống nơi quê nhà từ người mới. Cũng chừng ấy câu trả lời tản mác từ ba người cũ với nhau.
Bỗng hơn 5 phút sau, có một người mới nữa đến. Người mới gặp, mời người ấy ngồi và giới thiệu nhà thơ Bảo Sinh. À, thì ra là gã, người có những câu thơ vừa thâm thúy vừa cười ra nước mắt, kiểu "cuối cùng tất cả chúng ta, đều leo lên tủ ngắm gà khỏa thân". Cũng là người có cái hotel chó mèo độc nhất vô nhị ở xứ Việt này. Rất hân hạnh rất hân hạnh!
An tọa giây lát, gã lúng liếng đọc lên những câu thơ thọc cù lét mọi người. Âm thanh là những tràn cười va vào nhau rổn rảng. Rồi gã thọc tay vào túi áo, móc ra một nhúm sách quyển nhỏ nhỏ kiểu tập thơ mi ni, trao tặng ba người trẻ, trong khi còn chưa ngớt tiếng cười.
Rồi như gấp gáp, người ngồi kế bên bình trà và ít cái li đã đậu sẵn trên bàn nhìn đồng hồ đeo tay. Người ấy giục gã vừa phát xong những tập thơ tự xuất bản. Hai người đồng loạt đứng lên, chào tạm biệt ba người, dáng đi vội vã như sợ lỡ chuyến đò.