Khi bài viết “Trao đổi với tác giả Sakaya” được tôi đưa lên blog cá nhân, ngay sau đó trang web tincham.in, trích đăng lại nguyên văn và trang inrasara.com, có bài cáo lỗi từ chối. Bài viết đã gây được sự chú ý đáng kể. Có nhiều comment nhận xét, đánh giá và bình luận từ phía độc giả. Từ đó trang blog cá nhân, đột nhiên số lượng người truy cập bỗng tăng lên bất thường. Đồng thời, độc giả của các trang khác như tincham.in, inrasara.com, cũng bàn tán thể hiện tính khẳng khái, lòng tự tôn dân tộc. Bên cạnh những dư luận ủng hộ, đồng thuận, cũng có một số ít lời nhận xét vượt xa quan điểm của bài viết.Vì vậy, tôi muốn nói rõ hơn về quan điểm của tôi, khi viết bài trao đổi và muốn khép lại vấn đề. Hầu tránh hiềm khích không đáng có, huynh đệ tương tàn, thậm chí đẩy nhau vào thế “nock out” dở cười dở khóc. Tôi không quên, phê bình thường gây “kẻ thù”. Nhưng với một tâm hồn thi sĩ, sự hồn nhiên và trong sáng, lung linh và thơ mộng, từ lâu đã buông xả cành lá sân hận khỏi lòng mình.
Tôi khẳng định lại, bài “Trao đổi với tác giả Sakaya”, là một bài trao đổi quá đỗi hiền lành, thiện chí trên tinh thần xây dựng, giúp đỡ nhau cùng hoàn thiện và phát triển. Đặc biệt, bài trao đổi ra đời được là nhờ vào lời kêu gọi chính đáng, cũng như nguyện vọng thiết thực, đẹp đẽ của tác giả Sakaya ở lời mở đầu của cuốn sách. Chứ không hề có ý định “hạ bệ” nhau, “một người xây một người phá”, khoe “cái tôi hiểu biết”, gây “nội chiến” giữa các bậc đàn anh như comment của May Cham đã viết. Tôi xin trích vài đoạn của lời mở đầu ấy mà tác giả Sakaya đã “khua chuông” inh ỏi, như sau: “…Bản thân chúng tôi cũng đã viết ra nhiều sách báo như Lễ hội của người Chăm, Nghề gốm và Nghề dệt cổ truyền của người Chăm… chúng tôi đang mong mỏi những nhà phê bình chỉ ra những điều sai sót ấy để chúng tôi điều chỉnh, bổ sung và tái bản ở lần sau tốt hơn. Vì vậy tôi nghĩ rằng phê bình rất cần thiết và có ích nhằm tìm ra những ưu điểm, khuyết điểm, cái đúng cái sai, giúp các tác giả hiệu đính lại những lỗi sai của cuốn sách. Từ đó mà hoàn chỉnh được công trình khoa học của mình nhằm phục vụ cho việc bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa Chăm ở Việt Nam một cách tốt nhất, tránh được những lệch lạc đáng tiếc (tr.18,19) ….Phê bình và tranh luận sẽ tạo ra lí lẽ và từ đó giúp cho con người chọn lựa lí lẽ để điều chỉnh lại hành vi và cái sai của mình để tiến đến cái đúng, cái chân lí. Một cuốn sách khoa học, một tác phẩm văn chương nếu thiếu sự phê bình là cuốn sách chưa hoàn chỉnh và vì thế khoa học sẽ không phát triển, mạch văn chương, tiểu thuyết sẽ ngừng chảy. Cũng vậy, một xã hội thiếu tranh luận là làm mồi cho những người cơ hội, đồng thuận với cái sai, hững hờ với những cái bất công” (tr.19).
Thế mà đến bây giờ còn có người ngây thơ phát biểu rằng “tuổi trẻ chưa có kinh nghiệm nghiên cứu”, “phê bình người đi trước là phủ nhận công lao của bậc tiền nhân”. Tôi nghĩ rằng kính trọng và kế thừa sự hiểu biết uyên bác của các “nhà trí thức lão thành” là cần thiết nhưng kiểm nghiệm lại mọi tri thức trước khi tiếp nhận cũng là điều cần thiết không kém phần quan trọng trong nghiên cứu khoa học” (tr.19, 20).
Sakaya đã mở lời như vậy, thiết nghĩ đứng ở vị thế một độc giả bình thường, tôi không đáp lại là đã phụ lòng tác giả mong mỏi. Huống hồ, tôi còn là một người con của dân tộc Chăm mình. Tác giả đã nghiêm túc, “nặng nhời”, “soi” những công trình khác, nên ngược lại, độc giả cũng đòi hỏi tác giả nghiêm túc, kĩ càng với chính công trình của mình. Nói được làm được, không hẹp hòi để bụng, không thư từ bí mật phe phái khi màn đêm buông xuống, mà minh bạch, tươi sáng đúng tinh thần của lời mở đầu. Tuy vậy, độc giả vẫn nhẹ nhàng, rộng lượng khi đối diện những lỗi chính tả, nhầm lẫn địa danh, đơn vị hành chính, cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, những đoạn văn tâng bốc ngộ nghĩnh trẻ thơ, những lời cảm ơn lạ lùng khó hiểu, …định vị thế đứng của tác giả.
Cuối cùng tôi xin cảm ơn tác giả Sakaya đã có công trình công bố để tôi có duyên viết lời trao đổi. Mong rằng tác giả sẽ cẩn trọng hơn trong các tác phẩm sau này.
Sài Gòn, 2.9.2011 (nhân dịp ân xá của đất nước).
ĐCT.
(nhân dịp ân xá của đất nước)
Trả lờiXóa