Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

ĐỐI THOẠI THƠ TRẺ SÀI GÒN

Anh Trúc


Chưa ở đâu như Sài Gòn khi tụ hợp một lực lượng khá đông đảo nhà thơ thuộc nhiều thế hệ: đa giọng điệu, phong cách, tạo nên những đợt sóng có khi trầm ngâm, nhẹ nhàng lại có khi dữ dội, bất cần và hung bạo. Phải chăng, Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu” nên các nhà thơ, đặc biệt là nhà thơ trẻ, mặc nhiên gây hấn với các giá trị lỗi thời và sẵn sàng đề xuất những thử nghiệm mới mẻ? Có lẽ, với trái tim thi sĩ cuồng nhiệt, sáng tạo ra giá trị mới luôn là “Tự do đầu tiên và cuối cùng”? Chúng ta có thể kể đến không ít gương mặt trẻ đã nổi lên cũng như hứa hẹn những đột phá rất đáng mong đợi trong tương lai như Vương Huy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đồng Chuông Tử, Đỗ Trí Vương, Song Phạm, Phan Trung Thành, Thục Linh, Nguyệt Phạm, Khương Hà, Chiêu Anh Nguyễn…      


15 giờ 30 phút một ngày trời mát mẻ vì Sài Gòn có dấu hiệu mưa, tại hẻm Trịnh 47 Phạm Ngọc Thạch, các nhà thơ trẻ gồm Phan Trung Thành (PTT), Đồng Chuông Tử (ĐCT) và nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (NHHM), đến trễ hơn có nhà thơ nữ Nguyệt Phạm (NP) đã tham gia trò chuyện sôi nổi và thẳng thắn về các vấn đề xung quanh Thơ Trẻ Sài Gòn. Một số nhà thơ trẻ khác đang đi công tác và bận đột xuất sẽ góp mặt ở lần trò chuyện sau. Xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến tất cả anh chị!    

A- KHÔNG KHÍ SÁNG TẠO VĂN CHƯƠNG Ở SÀI GÒN: SÔI NỔI HAY Ủ Ê?  

* Theo anh chị, ở Sài Gòn có không khí sáng tạo hay không và nếu có thì như thế nào?

- NHHM: Không khí thơ Sài Gòn khác với không khí của các vùng miền khác rất rõ như Hà Nội chẳng hạn. Hà Nội truyền thống, lịch lãm vì thế cũng “đầm” hơn trong các thử nghiệm. Ngược lại, Sài Gòn mạnh mẽ và cuồng nhiệt như một dòng thác, sự va đập mạnh, sự xô bồ, xung đột… là tất yếu. Những giao tầng văn hóa xảy ra cùng sự rạn vỡ của vô số quan niệm đòi hỏi người làm thơ đề xuất những “tiêu chuẩn mới”. Nói chung là ở Sài Gòn rất có không khí sáng tạo!

- ĐCT: Tôi không biết mỗi câu thơ, bài thơ chở nặng cảm xúc riêng tư, ghi dấu cuộc đời đi qua của mình có cần không khí sáng tạo hay không? Tôi chỉ biết khi đối diện trang giấy, ít nhất là mình không lập lại và phải khác.

- NHHM: Có một thực tế như thế này: nhiều gương mặt thơ xuất hiện không nhờ những tờ báo văn nghệ chính thống hay hội nhà văn; sự nối kết giữa những người làm văn chương thông qua vai trò của hội là rất ít, nếu không muốn nói là không có. Hầu như bây giờ các cây bút trẻ thường tìm đến blog, web như là một kênh riêng.

 *Còn với chị Nguyệt Phạm thì sao? Một người tham gia khá nhiều sự kiện thơ không chỉ diễn ra ở Sài Gòn?

-NP: Tôi thấy mọi người họp mặt “bên lề” thì nhiều. Nghĩa là khi tập trung ở một nơi nào đó, họ thường đề cập đến mọi vấn đề của đời sống nhưng tuyệt nhiên chẳng có cái gì liên quan đến thơ. Hình như họ chỉ có nhu cầu một mình? Không biết tôi có quá chủ quan hay không?

Ở Hà Nội khi có chương trình nào đó ví dụ như Ngày Thơ Việt Nam, tôi thấy ban tổ chức chuẩn bị khá kĩ lưỡng và mọi người tham gia rất vui. Sài Gòn khác hẳn. Vào ngày thơ, mấy năm liền chẳng có gì mới mẻ, khác lạ, năm nào cũng xếp hàng lên đọc thơ.  

* Vậy theo chị nguyên nhân chính là….

-NP: Có lẽ, vấn đề nằm ở chỗ những người có tiếng nói và đóng vai trò quan trọng trong nhũng sự kiện về thơ, tôi có cảm giác là họ dường như không mấy chú tâm. Trước ngày diễn ra các sự kiện Thơ thường được chuẩn bị thiếu chu đáo. Gần đến ngày diễn ra  họ vẫn chưa có ý tưởng cụ thể nào cả nên các nhà thơ trẻ không mấy hứng thú khi tham gia hoặc không tham gia. Các nhà thơ trẻ cũng ít phát biểu, đóng góp ý kiến vì nghĩ rằng dẫu có phát biểu hay ý kiến thì cũng chẳng được quan tâm đúng mức; cũng chẳng thay đổi được gì.

- PTT: Còn tôi nghĩ không cứ phải bầy đàn, đám đông là có không khí sáng tạo. Không khí sáng tạo nằm ở chỗ tương tác giữa tác giả-tác phẩm- dư luận. Những lễ hội có nói lên được điều gì cho sáng tạo đâu, có chăng là nơi “trình diễn thời trang son phấn” của vài ba gương mặt cũ, quá đát mà vẫn còn lầm tưởng “hàng xài được”.

B- ĐỊNH HƯỚNG TRONG SÁNG TẠO LÀ GƯỢNG ÉP VÀ PHI LÝ
 
Quay lại vấn đề thể nghiệm. Điều không thể phủ nhận là Sài Gòn là nơi dẫn đầu về nhóm, cá nhân có những thể nghiệm mới mẻ. Nhưng vấn đề này được nhìn nhận như thế nào, chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện ngắn sau đây:

- ĐCT: Tôi nghĩ giai đoạn thơ 1930-1945 đã phát triễn rực rỡ, hoàn thành sứ mệnh của mình. Giờ đến thế hệ chúng tôi, rõ ràng cần một tiếng nói mới, sự sáng tạo mới. Nhưng nếu thật sự mong muốn những người sáng tạo trẻ có thành tựu thì cứ để mặc họ đập phá một cách tự nhiên vì cái hay không thể thấy ngay được.

- PTT: Mọi lao động tạo ra sản phẩm khi đã đến mức chuyên nghiệp hoá thì đều có nhu cầu làm mới sản phẩm. Nhu cầu làm mới, thể nghiệm luôn tồn tại trong mỗi cá nhân sáng tạo, chỉ “nồng độ đậm đặc” khác nhau mà thôi. Ngay cả viết thơ lục bát - một thể thơ truyền thống, người ta cũng chú trọng đến sự “khác lạ” mà “gập ghềnh hoá” nhịp điệu hoặc ngôn từ. “Ta ru ta /trắng/ nhánh sầu đông/ mưa”  chẳng hạn.

- NP:  Nếu nói về thể nghiệm tôi tự thấy mình vẫn còn nhỏ bé lắm. Thật ra, khi viết tôi chỉ nghĩ làm sao để không còn quá cũ kỹ với những hình ảnh và ngôn từ quá quen thuộc đến mòn và sáo. Sau khi cố gắng thay đổi, một phần bạn văn yêu thích và đánh giá cao nhưng đôi khi người đọc than phiền là tại sao thơ của tôi không như thơ mà họ-thường-đọc.

Khi tôi tham gia trình diễn thơ thì thái độ của báo chí và những bạn bè văn chương là ủng hộ và chia sẻ nhưng công chúng thì khác. Họ tỏ ra rất xa lạ với cái mới, có vài người bày tỏ với tôi rằng khi xem trình diễn, họ cảm thấy lạ quá và không hiểu gì cả.  

- NHHM: Tôi nghĩ bắt buộc người sáng tạo luôn luôn mới là điều rất khó. Cũng như trong sáng tạo có một số người “vượt chuẩn” và thường thì công chúng không chấp nhận chuyện đó.

*kết quả là…

- NHHM: Phải trả giá thôi nhưng tôi chấp nhận tất cả. Tôi chỉ muốn làm theo ý mình. Tôi muốn nhấn mạnh là hãy đi đến cùng con đường của mình.  

-ĐCT: Khi ra Hà Nội dự ngày thơ Việt Nam, tôi quan sát thấy cơ quan văn nghệ báo chí dày đặc, các cây bút trẻ được nâng đỡ, được biết nhiều. Ngược lại ở Sài Gòn, các cơ quan ấy thưa hẳn. Mặt khác, ít có tờ báo chính thống nào có trang văn nghệ dành đất cho các sáng tác mới, thể nghiệm và khuyến khích thể nghiệm cả. Hầu như trang văn nghệ nào cũng tràn ngập những bài thơ “ru ngủ”. Chúng ta đã quá bội thực “thơ ru ngủ” rồi!        

Nhưng hẳn là văn nghệ mà không có báo chí thì cũng khó. Hy vọng nhỏ của tôi là được tung tăng sáng tạo; không bị bơ vơ, lạc lõng mà phải có tiếng nói cảm thông, đồng hành. Đặc biệt trong sáng tạo không nên định hướng vì nó gượng ép và phi lý. Không nên xem văn nghệ là chính trị mà phải tách bạch nó ra.

* ”Cái hay không thấy ngay được, phải có thời gian kết tinh lại”. Rất cám ơn ý khá hay của anh Đồng Chuông Tử. Nhưng bao lâu, thưa anh?
  
- ĐCT: cần một thời gian dài…  

- NHHM: Đặc biệt ở Sài Gòn, các gương mặt xuất hiện ngày càng dày đặc và đông đảo đến nổi chưa kịp định hình thì đã biến mất; chưa kịp đóng góp cho nền văn học trẻ đã vội xoá tên trên bản đồ Thơ. Lớp sóng này cuốn lớp sóng kia… một cách liên tục; do vậy chúng ta cần phải có thời gian khoảng 10 năm đủ để chấp nhận cái hay, cái độc đáo… của từng cá nhân, từng dòng chảy. 
    
C- PR THƠ ĐANG BỊ BÃO HÒA

* Các nhà thơ có thể cho biết có cần thiết PR thơ không và thực trang PR thơ trong thời gian gần đây?      

- NHHM: Tôi nghĩ PR cần thiết chứ vì đây là thời đại của thông tin, thời đại PR cho bản thân; nhưng vấn đề là có phải muốn nổi tiếng là nổi tiếng đâu? Thậm chí những chiêu PR hiện nay đang có chiều hướng bão hòa. Do vậy, muốn khẳng định bản thân thì chỉ còn cách phải nương tựa vào thực lực, tài năng. Nhiều người thân tình với cánh báo chí nhưng nếu tác phẩm không có giá trị thì cũng chịu! Thơ là loại hàng hóa đặc biệt. Nó là sản phẩm của tinh thần.  

* Với nhà thơ Phan Trung Thành như thế nào, anh có vẻ trầm ngâm quá!  

- PTT:  Nếu đã nói thơ cũng là sản phẩm như các sản phẩm tiêu dùng khác rồi đem đi “rao bán chào mời” một cách cuồng nhiệt thì “tội” cho thơ lắm. Một vài tờ báo hiện nay vẫn đăng thơ theo “lối” quen biết nhau cho nên “bỏ thương vương nặng” đăng cả những bài họ đã sử dụng nhiều lần. Một bài thơ hay là bài thơ biết cách sống theo nghĩa khiêm tốn “tốt gỗ” mà cha ông ta thường dạy. PR sản phẩm thơ kém chất lượng giống như “cố đấm” mà chẳng “ăn” được son phấn thơm thảo gì chứ nói là “ăn xôi” dư luận.

- ĐCT: PR cũng tốt thôi. Người ta đọc thơ mình, có thích người ta mới viết bài.

- NHHM: Tôi thấy ảo tưởng của nhà thơ là rất lớn. Tất nhiên chẳng ai cho rằng thơ mình dở cả nhưng khi họ viết bài PR cho chính mình, tôi nghĩ như thế là không sòng phẳng. Tôi không thấy thích thú gì chuyện đó, thậm chí là sợ hãi. Những nhà thơ lớn thường chọn giải pháp im lặng, chẳng đặng đừng họ mới xuất hiện mà thôi. 

- NP: Tôi nghĩ dẫu mình có PR hay không thì không vì thế mà giá trị của tác phẩm thay đổi; vậy tại sao lại không PR? Tôi nghĩ phải PR, phải nói cho mọi người biết tôi có thứ gì và nó phù hợp với những độc giả nào thì người đọc họ mới biết mà tìm tới chứ!   

Anh Trúc (thực hiện)
Nguồn: Văn Nghệ Tp.HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét