Live show Chế Linh, 30 năm tái ngộ khán giả VN đầu tiên, chính thức và hoành tráng
Ông hoàng dòng nhạc boléro sẽ tổ chức liveshow xuyên Việt sau hơn ba thập kỷ xa cách quê nhà. Đêm nhạc đầu tiên của ông diễn ra vào 20h ngày 21/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Khách mời trong chương trình là những danh ca, MC nổi tiếng về từ hải ngoại, Trung tâm Thúy Nga Paris By Night.Đây là lần trở về có thể coi là đầu tiên, chính thức và “hoành tráng” nhất của ca sĩ - nhạc sĩ Chế Linh. Ông là một trong những người Chăm ít ỏi nổi danh ở lĩnh vực ca nhạc, (người kia là nhạc sĩ, ca sĩ Từ Công Phụng), được nhiều thế hệ người Chăm và người Việt Nam yêu mến. Ông tên thật là Lưu Văn Lênh, sinh năm 1942, quê ở plei Hamu Tanran, (Hữu Đức, Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận).
Năm 1959, Chế Linh rời plei Hamu Tanran vào Sài Gòn mưu sinh bằng rất nhiều nghề. Khoảng thời gian này, ông may mắn được gặp “sư phụ” Duy Khánh, người đã phát hiện, dìu dắt, đỡ đầu giọng ca của ông từ những bước chập chững trên sân khấu ca nhạc miền Nam.
Nhờ sở hữu một giọng ca đặc biệt liêu trai Chăm tính, khả năng sáng tác bẩm sinh, ông đã nhanh chóng được biết đến với dòng nhạc boléro, mà người yêu nhạc đến ngày nay còn quen định danh là nhạc sến. Tên tuổi ông nổi như cồn, nhiều đĩa nhạc được thu âm tới tấp bởi nhiều hãng thu âm danh tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ. Đỉnh cao trong sự nghiệp ca hát của ông là Giải thưởng Kim Khánh - Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca, do nhật báo Trắng Đen tổ chức năm 1972. Sự nghiệp sáng tác ca khúc của ông, dao động trong khoảng hơn 30 nhạc phẩm với những bài hát gắn liền tên tuổi của ông như Đêm buồn tỉnh lẻ, Nỗi buồn sa mạc, Đoạn cuối tình yêu,...
Năm 1980, ông vượt biên thành công và lưu trú ở trại tị nạn trên mảnh đất Malaysia một thời gian. Sau đó, ông được Chính phủ Canada mở rộng vòng tay nhân đạo đưa về định cư ở Toronto đến nay. Từ đó, ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp ca hát ở hải ngoại và có nhiều truyền nhân kế thừa, nối dài giọng hát ông từ trong nước đến ngoài nước như Trường Vũ, Chế Phong, Chế Kha,...
Ông kết hôn 4 lần, toàn hôn nhân dị tộc, có cả thảy 17 người con. Người vợ đầu tiên của ông mất sớm. Hai cuộc hôn nhân tiếp theo thì ngắn ngủi. Hiện nay, ông sống với người vợ thứ 4 là bà Vương Nga, kết hôn khi còn ở Việt Nam.
Ông tâm niệm “ở đâu thì tôi vẫn là Chế Linh, người dân tộc Chăm và quê hương là Việt Nam”, Chế Linh khát khao được về nước tri ân những người yêu mến mình. Từng có hàng nghìn buổi biểu diễn, đứng trên hàng trăm sân khấu lớn nhỏ nhưng “Chế Linh, 30 năm tái ngộ” có ý nghĩa rất đặc biệt với ông. Ở tuổi 69, giọng ca của Chế Linh vẫn giữ nguyên sự ngọt ngào thấm thía như được chắt lọc từ cái tình, cái nết của người dân xứ Chăm.
Trong liveshow tới, khán giả sẽ được chìm đắm trong những ca khúc đã làm nên tên tuổi của ông: Thành phố buồn, Hòn vọng phu, Ai cho tôi tình yêu, Xót xa, Áo em chưa mặc một lần, Con đường mang tên em, Lời đắng cho một cuộc tình, Giọt lệ đài trang, Phút cuối, Con đường xưa em đi, Đừng nói xa nhau… Ngoài ra, ông còn có màn song ca với Sơn Tuyền, Tuấn Ngọc, Hương Lan và hòa giọng cùng Tuấn Ngọc - Thái Châu - Mạnh Đình - Đức Huy như một món quà dành riêng cho người hâm mộ nơi quê nhà. Theo tin từ chính nam danh ca này cho biết, ông sẽ chiều lòng người hâm mộ bằng cách hát theo yêu cầu trực tiếp của khán giả hiện diện tại buổi biểu diễn.
Liveshow được đầu tư khá lớn và kĩ càng. Để chuẩn bị cho liveshow này, ông sẽ về Việt Nam từ cuối tháng 9 và ngậm ngùi bỏ qua chương trình Lễ hội Ka Tê 2011 của người Chăm ở Hoa Kì cũng như ở quê nhà Hamu Tanran. Ông cất công đưa ban nhạc Asia và nhóm múa từ hải ngoại về theo. Chương trình có sự kết hợp của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên và nhạc sĩ Đức Huy trong vai trò người dẫn chương trình.
Sau liveshow diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội vào lúc 20 giờ ngày 21.10, Ông sẽ hội ngộ khán giả Đà Nẵng ngày 29/10 tại Nhà hát Trưng Vương; khán giả Hải Phòng ngày 5/11 tại Cung Văn hóa Việt Tiệp và khán giả TP HCM ngày 19/11 tại Nhà hát Hòa Bình. Đêm nhạc có giá từ 500.000 đến 2.500.000 đồng/vé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét