Đồng Chuông Tử là bút danh, tên thật Nguyễn Quốc Huy, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1980 tại thôn Ba, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Anh là nhà thơ sắc tộc thiểu số có gốc gác dòng dõi Hoàng tộc Chăm. Tuy nhiên đến đời đấng sinh thành, gia đình anh lại lâm vào cảnh khó khăn túng thiếu.
Sớm mồ côi cha từ nhỏ, anh sống với mẹ, người phụ nữ đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp, cảm xúc thơ ca của anh. Nhưng bài thơ đầu tiên được anh sáng tác vào năm 13 tuổi lại là một bài thơ Khóc cha, khi hay tin ông qua đời ở chốn xa xôi. Theo anh, đó là bài thơ khơi thông mạch ngầm thơ trong tâm hồn tuổi nhỏ, trồi lên suy tư anh những hình ảnh của ngôn ngữ cũng như dự báo một định mệnh thân phận trôi dạt, nức nở.
Thưở ấu thơ anh được mẹ, lúc thì đeo lủng lẳng trước ngực lúc lại lom khom cõng sau lưng khi ra đồng nhổ cỏ, bón phân, gặt lúa,...Trong kí ức của anh vẫn còn cảm giác ấm lạnh, chật chội, mênh mông từ những hình thức giữ con, hát ru, dỗ dành của mẹ những khi mưa nắng thất thường. Anh cũng nhớ, nhiều thời điểm mẹ bỏ anh vào một cái thúng nhỏ, để trên bờ ruộng cạnh con mương. Một lúc lại trông lên nhìn xem cái thúng còn hay lọt xuống mương rồi. Anh cũng nhớ cả tâm trạng hớt ha hớt hãi của mẹ chạy đi vớt cái thúng, còn mình thì cười toe toét khi nhìn thấy bầu trời rộng rãi, mây xanh mây trắng bay lững lờ trên khoảng cao xa.
Tuổi nhỏ của anh không có người trông giữ. Cha anh còn có những người con riêng nên ông đi suốt tháng quanh năm. Thỉnh thoảng ông mới về nhà, lúc cho quà là bánh kẹo khi mua bịch phở, áo quần, sách vở cho năm học mới…Ông về hay ôm con thật chặt trong lòng rồi chầm chậm buông tay nhảy lên xe đạp chạy đi đâu đó rất lâu rất lâu. Chính vì vậy, kí ức về người cha trong anh là một khoảng trống dài dặng dặc nhớ thương, mơ ước được như bao bạn bè xóm giềng.
Lên 6 tuổi, anh được gửi vào nhà trẻ, vì anh hay bệnh tật nên lúc đến trường lúc không. Anh là con một, con cầu tự, hiếm muộn của người mẹ nghèo vật chất. Mẹ kể rằng anh sinh ra chỉ bằng trái dừa xiêm mọc trên cây dừa góc nhà, lại thiếu gần hai tháng vào buổi trưa khi bà thức dậy đi tiểu tiện. Bà rất thích con gái nhưng khi thấy thằng cu, bà rất buồn. Vài tháng sau, bà giấu chồng đem bỏ ở bìa rừng. Có người ở rừng về mách, ông tưởng họ trêu chơi thôi, nào ngờ về nhà thấy nhà không mông quạnh, ông lật đật cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đi lượm lại con. Người Chăm còn mẫu hệ, rất xem trọng con gái, vì con gái tháo vát, mau lấy chồng, có rể có cháu nội sớm, nhà tự có người trông nom, cúng kiến đàng hoàng. Sinh con trai, nó lớn lên đi lấy vợ là thành con người ta, đó là quan điểm xã hội của phụ nữ Chăm như vậy, cả đến ngày nay cũng còn.
Khi mới sinh, anh được cha đặt cái tên rất đẹp là Xuân. Lượm về cúng chè cúng xôi đổi lại thành Lượm. Vì khó nuôi, anh được mẹ mời thầy về coi sóc, mỗi khi anh bệnh, bà thường chạy đi kiếm thầy, lấy thuốc, nhờ xua đuổi tà ma giùm. Trong thủ tục chữa bệnh của thầy, anh được khoét lỗ tai để đeo pheng giữ cho sức khỏe tốt, tránh tổ tiên ông bà nhớ cháu, bắt đi hoặc tránh ma quỷ quấy rầy phiền phức đến năm 18 tuổi mới được gỡ khỏi người. Mà cũng vì mẹ thích con gái nữa, hồi nhỏ nghe người lớn kể lại mẹ hay mặc áo quần con gái cho anh, chắc cũng từ tâm lí đó mà ra.
Lên lớp 2, lớp 3 anh nhận thức được gia cảnh đơn chiếc của mình nên rất thương mẹ. Ba thì mút mùa lệ thủy không thấy bóng hơi tăm cá đâu hết. Nghỉ hè, anh xin mẹ đi chăn trâu, chăn bò kiếm tiền học hành, đỡ đần bớt gánh nặng trên vai mẹ. Có năm kế bên nhà, bác hàng xóm đỗ bánh bò, anh qua xin nhận một rổ đem đi bán kiếm hoa hồng mua gạo cho đến hết mùa hè.
Giữa học kì lớp 2, vào buổi trưa tan trường về nhà một tai nạn bất ngờ đốt cháy thân thể còi cọc của anh. Anh nhớ mơ hồ hình như rụng trúng năm 1986, 1987 gì đó, thời đó vẫn còn xài tiền đồng xu. Buổi sáng mẹ cho anh mấy cắc để đi học, thèm gì thì tự mua ăn. Đến nhà mẹ đi gặt lúa cho người chưa tan buổi, đói cồn cào, lục lọi từng cái xoong tìm cơm nguội không có, anh chạy lên xóm trên có con đường cái quan, nơi những món dân dã quê hương thường bày bán trên vuông li văng trước nhà ở, mua khoai lang luộc. Có thằng bạn cùng lớp lẽo đẽo theo xin ăn nuốt nước miếng ừng ực, anh không cho. Hậu quả của việc tham ăn này là một cú xô ngã xuống hầm than khổng lồ cạnh nhà. Hầm than dùng để bán cho những bà bầu chuẩn bị sinh em bé và để phục vụ nấu nướng. Sau cú xô ngã, hắn hồn nhiên cười to thỏa mãn lòng ghét, rồi bỏ mặc anh cho lửa định đoạt, hắn dông một lèo về nhà yên tâm ngủ vì đã xong món nợ. May mắn cho anh, một lúc sau có người đi ngang qua, nghe tiếng kêu khóc đã vội vã chạy đi tìm cây dài thọc vào miệng hầm kéo anh lên. Lửa đã liếm láp thân thể bé bỏng của chú bé xa vắng cha, bơ vơ mẹ. Quá trưa thì mẹ về, thấy nhà mình đông đúc người lạ lùng, xé đám đông bà đối diện với một đống vải trắng băng bó, bất tỉnh. Bà khóc như mưa mùa lụt.
Vết thương đầu đời của một đứa trẻ sáu, bảy tuổi thuộc về thể xác. Còn cái chết của cha mà thằng nhỏ mới mười ba tuổi đón nhận lại là vết thương tâm hồn. Những loại hình vết thương kiểu này cứ đan xen, chồng chất thêm theo thời gian.
Cứ thế, tuổi thơ của anh lặng lẽ trôi qua trạng thái vui buồn của người lớn. Nó giống một bức tranh có nhiều sắc màu mây tro, bàng bạc, bùi ngùi trong ngọn khói của rơm rạ đốt đồng.
Vết thương đầu đời của một đứa trẻ sáu, bảy tuổi thuộc về thể xác. Còn cái chết của cha mà thằng nhỏ mới mười ba tuổi đón nhận lại là vết thương tâm hồn. Những loại hình vết thương kiểu này cứ đan xen, chồng chất thêm theo thời gian.
Cứ thế, tuổi thơ của anh lặng lẽ trôi qua trạng thái vui buồn của người lớn. Nó giống một bức tranh có nhiều sắc màu mây tro, bàng bạc, bùi ngùi trong ngọn khói của rơm rạ đốt đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét