Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Trao đổi với tác giả Sakaya

Nhân bài viết này với tư cách một độc giả, tôi bày tỏ niềm vui, lòng tự hào và lời cảm ơn sâu sắc gửi đến anh, cũng như thành quả lao động khoa học hết sức giá trị của anh. Nó không chỉ đáp ứng riêng cho nhu cầu tìm hiểu văn hóa dân tộc của bản thân tôi, mà rộng lớn hơn còn đến với nhiều tầng lớp độc giả biết cảm thông, chia sẻ và trân quý di sản văn hóa Chăm. Đồng thời cũng gửi gắm niềm tin, niềm hi vọng trong tương lai, anh sẽ lại trình làng nhiều công trình có giá trị hơn nữa, góp phần đưa ra ánh sáng khoa học những mảng còn tối, những đụn còn mờ đục của bóng đêm và màn sương lịch sử khỏa giăng.


(Nhân đọc cuốn sách Văn hóa Chăm, nghiên cứu và phê bình, tập 1, Nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, quí 3, 2010)

Anh Sakaya quý mến!

Cả tuần nay, tôi “lại có duyên” được gặp và ngấu nghiến say sưa công trình Văn hóa Chăm, nghiên cứu và phê bình, tập 1 của anh. Tôi nói “lại có duyên” là có nguyên do của nó. Vì trước đây, tôi cũng đã “gặp” anh nhiều lần rồi. Lần đầu tiên với cuốn Nghề gốm cổ truyền của người Chăm, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001. Lần thứ hai, thứ ba rồi thứ tư liên tiếp là Lễ hội người Chăm, Nghề dệt cổ truyền của người Chăm, Luật tục người Chăm và Raglai (Giáo sư Phan Đăng Nhật chủ biên), đều cùng Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, ấn hành trong cùng năm 2003. Và lần gần đây nhất tôi được “gặp” anh là ở cuốn Ngôn ngữ Chăm – Thực trạng và giải pháp, Nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, quí 2, 2011. Kể lể dài dòng như vậy để anh rõ tôi cũng “thân quen” và “duyên nợ” với cái tên Sakaya lắm.

Phải nói thật với nhau rằng, cái tên Sakaya, gần thập niên trở lại đây đã trở thành cái tên có trọng lượng trong giới nghiên cứu Văn hóa Chăm ở Việt Nam. Để có được trọng lượng của ngày hôm nay, ngoài nỗ lực lớn của bản thân anh, cũng cần nhớ tới “những phép màu” mang tên các tổ chức phi chính phủ, hiện có trụ sở và đang hoạt động hiệu quả ở trong nước.

Nhân bài viết này với tư cách một độc giả, tôi bày tỏ niềm vui, lòng tự hào và lời cảm ơn sâu sắc gửi đến anh, cũng như thành quả lao động khoa học hết sức giá trị của anh. Nó không chỉ đáp ứng riêng cho nhu cầu tìm hiểu văn hóa dân tộc của bản thân tôi, mà rộng lớn hơn còn đến với nhiều tầng lớp độc giả biết cảm thông, chia sẻ và trân quý di sản văn hóa Chăm. Đồng thời cũng gửi gắm niềm tin, niềm hi vọng trong tương lai, anh sẽ lại trình làng nhiều công trình có giá trị hơn nữa, góp phần đưa ra ánh sáng khoa học những mảng còn tối, những đụn còn mờ đục của bóng đêm và màn sương lịch sử khỏa giăng.

Mặt khác, tôi cũng muốn trao đổi cùng anh một vài điều khi cầm trên tay cuốn sách này. Cảm nhận đầu tiên của tôi là bìa sách đẹp, bắt mắt. Trọng lượng sách hơi nặng kí, font và size chữ dễ chịu, chuẩn. Điều đó chứng tỏ tác giả Sakaya rất tâm huyết, bỏ nhiều thời gian, công sức tạo tác nên nó như lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Thành Phần thổ lộ ở Lời giới thiệu cuốn sách là “hơn 16 năm ở địa bàn Ninh Thuận – Bình Thuận và hơn 3 năm học tập ở nước ngoài”. Tên sách dễ gây chú ý và có thể có nhiều độc giả tặc lưỡi khi “liếc mắt trông ngang” thấy sách bày bán ở các nhà sách. Riêng hai chữ “phê bình” mà tác giả đã dùng để đặt tên cho sách, tôi cũng muốn lưu ý ngắn gọn. Ở đâu đó, lĩnh vực nào đó thì tôi không rõ, riêng lĩnh vực văn chương mà tôi có can dự, tôi thấy phê bình thường gây ra “kẻ thù”, dù mình “nói có sách mách có chứng” hẳn hoi. Trước mặt ta, họ nhiệt liệt tán đồng, nhưng sâu thẳm trong ruột gan họ, một nỗi đau nhói mơ hồ đã tượng hình. Mặc dù họ dư biết phê bình tạo không khí sôi động, thúc đẩy nhanh hơn thời gian hoàn thiện tác phẩm, công trình vin vào đó cũng bổ sung nhiều khiếm khuyết, hạn chế. Nhưng thói đời dễ có mấy ai nâng chén thuốc đắng lên môi mà không nhăn nhó.

Có một tin ngoài lề thú vị mà tôi được chính những anh em đồng tộc quen biết anh cho hay rằng “Sakaya treo thưởng một chầu nhậu cho những ai tìm ra một lỗi trong cuốn sách này”. Tôi không rõ thực hư thế nào. Nhưng thú thật, nó cũng gây hào hứng nhỏ bé với nhu cầu rượu bia của tôi và hào hứng to lớn, vì điều đó nói lên tâm tính kĩ càng, nghiêm túc trong cách ứng xử của anh đối với từng công trình khoa học.

Tuy nhiên, mức độ hào hứng của tôi bỗng biến đi đâu mất, khi liên tục lần giở từng trang từng trang sách. Anh “vạch lá tìm sâu” ở nhiều công trình khác, đòi hỏi họ nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn và chuyên nghiệp hơn, đó là quan điểm chân lí, tốt đẹp. Nhưng thưa anh, hiện trạng ở Việt Nam bây giờ đang vào mùa kinh tế thị trường, không riêng gì lĩnh vực nào, lợi nhuận và kinh tế thực tế trước mắt thì họ mới làm thôi. Song song với hiện trạng này là sự vội vã, sơ sài và mơ hồ đến lạc đề.

Cuốn sách này của anh, tôi đoan chắc là anh không việc gì phải vội vã. Vì trước tiên nó công phu, dày dặn, sau nữa anh đã ngụp lặn, mệt mỏi với nó một khoảng thời gian trên dưới 20 năm đằng đẵng, bỏ quên cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc đời người chứ chẳng chơi. Vì vậy mà tôi vẫn cố gắng không nán lại mạch đọc, được chừng nào hay chừng nấy, dẫu trên đường đi của cơn “thèm ăn” kiến thức vấp phải nhiều “ổ gà ổ voi”.

Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải nói lời xin lỗi anh, vì đã không đủ kiên nhẫn để đọc cho hết công trình của anh, mà thay vào đó là sự bực bội, chán chường, thất vọng đã choáng đầy. Trên đây là những lời giãi bày, tâm sự chân thành của tôi phù hợp với thể loại thư từ trao đổi.

Tôi mạn phép được vào thẳng vấn đề trọng tâm là đọc cuốn sách của anh.

Trước tiên ở Lời giới thiệu đầu cuốn sách của Phó giáo sư, tiến sĩ (Phó GS.TS) Thành Phần, trang 11, dòng cuối cùng, tôi đã dẫm phải một chiếc gai nhỏ xíu không đáng có khi mới “tản bộ” trên đường “đọc”. Đó là cái gai của lỗi chính tả, cụ thể từ “diền dã’ vô nghĩa đã “mọc” lên thay cho từ “điền dã”. Viết lời giới thiệu cho một công trình khoa học, thường tác giả chọn nhà khoa học có uy tín lớn, trong cùng lĩnh vực chuyên môn với công trình nghiên cứu, làm cho công trình khi ra mắt đủ độ tin cậy, tạo sự yên tâm khi độc giả đi chọn mua sách. Nhưng ở cuối lời giới thiệu (trang 12), Phó GS.TS Thành Phần đã không tự tin để nhân danh uy tín của mình, mà lại chọn một danh xưng mang tính tập thể là “chúng tôi” để “trân trọng giới thiệu cuốn sách đến với bạn đọc gần xa”. Mà cũng không rõ “chúng tôi” gồm những ai, trong khi ông đang lấy uy tín nghề nghiệp của mình ra “bảo chứng” cho công trình này.

Ở trang 14, phần Lời nói đầu, có đoạn anh viết “Đảng ta cũng đã đào tạo ra đội ngũ trí thức Chăm hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo múa và họa sĩ…Chính sách đúng đắn của Đảng còn khuếch trương nhiều nhà nghiên cứu cả người Chăm và người Việt (Kinh) nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Chăm và kết quả đã xuất bản được hàng trăm cuốn sách báo viết về văn hóa Chăm được giới thiệu rộng rãi trong nước và quốc tế. Kết quả này đã chứng minh được rằng: chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ có Bác Hồ muôn vàn kính yêu mới bảo đảm được cho người Chăm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa quý giá của dân tộc”.

Thiết nghĩ anh viết ra được những dòng này, chứng tỏ anh quá khôn ngoan, khôn ngoan đến mù mắt mù tâm. Vì sao tôi nói vậy, anh đã đi nhiều nước trên thế giới, chắc chắn anh trải nghiệm, chiêm nghiệm rõ ràng. Chẳng lẽ, từ xa xưa đến bây giờ, từ đông sang tây, khi loài người bắt đầu xuất hiện chữ viết, các thế lực thống trị đã “đào tạo ra” nhà văn, nhà thơ hết thảy hay sao? Trong khi tầng lớp văn nghệ sĩ này lại chăm chăm đi “phẫu tích” những khuyết tật của “thân thể” họ, hiện trạng u ám của xã hội, đất nước. Hay chính từ những khuyết tật ấy, hiện trạng u ám ấy, đã sinh ra nhà thơ, nhà văn?

Tôi xin hỏi anh, anh miệt mài, khổ công, nghiêm túc với di sản tổ tiên để lại, với hiện thực cộng đồng đáng báo động hôm nay, có ai “khuếch trương” cho anh không? Hay là sự đau đáu, nỗi lo sợ mất mát, thất truyền đã kích thích, đánh thức anh dốc hết sức lực nhỏ nhoi để làm việc?
Có bao giờ anh tự nghĩ khi viết ra những dòng này anh tự hổ thẹn, có lỗi với dân tộc mình không? Khi anh viết những dòng này, anh có biết hàng trăm số phận đã bỏ làng bỏ xóm đi lang bạt, tha hương kiếm tìm từng chén cơm, manh áo ở khắp hang cùng ngõ hẻm không? Anh có thấy càng ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em, người già, áo quần rách rưới, bạch thếch lang thang đi nhặt nhạnh từng miếng phân trâu, bò, bó củi trên những con đường quê gập gềnh sỏi đá? Anh có thấy những di sản văn hóa Chăm ngày càng xuống cấp trầm trọng, cảnh tượng “bậy bạ”, nhếch nhác mọc lên rầm rộ quanh đền tháp thiêng liêng không? Nếu chính sách đúng đắn, tốt đẹp như anh “ca tụng” thì xin hỏi những bài viết trong cuốn sách này của anh đang nói về vấn đề gì vậy?

Trong phần Ai là chủ nhân của Thánh địa ở Cát Tiên - Lâm Đồng, mục Không gian di tích và đặc điểm kiến trúc - điêu khắc, trang 26, anh viết “Thánh địa Cát Tiên nằm ở bờ bắc sông Đà Đơl thuộc tỉnh Đồng Nai, trải dài 15 km tập trung tại hai thung lũng lớn của huyện Cát Tiên là Đức Phổ, Quảng Ngãi và rải rác trên địa bàn xã Gia Viễn, huyện Tư Nghĩa”. Tôi không thể tưởng tượng nổi với trình độ cao như anh mà dám “tự tin” viết ra những dòng này, nghĩ cũng lạ. Tôi nhớ cách đây mấy ngày tôi có gọi điện thoại hỏi anh chỗ này, nhưng anh một mực bảo lưu kiến thức “hỏng bét” này. Theo kiến thức “hạn chế” của tôi, “ngày 6.6.1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 68-HĐBT chia huyện Đạ Huoai thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Huyện Cát Tiên có thị trấn Đồng Nai và 10 xã: Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mỹ Lâm, Phù Mỹ, Đức Phổ, Nam Ninh, Gia Viễn, Tiên Hoàng, Phước Cát 1, Phước Cát 2”. Đến đây chắc anh rõ ràng rồi phải không?

Ngay cả tên gọi của tiểu quốc Amaravati, anh lại viết Amavati, một cách có hệ thống kéo dài từ trang 47, trang76 đến trang 415. Cả tượng Ganesa, tên riêng Groslier, cũng có lúc viết sai. Lỗi chính tả cơ bản quá nhiều như xứ xở (tr.46), tháp Chiêng Đàn, Visnu, con con lợn (tr.35), du du khách (tr.60), cảnh vật nhiên nhiên (tr.62),…

Trang 33 có đoạn “Dĩ nhiên, sự liên quan, sự trùng lặp này không hoàn toàn giống nhau y hệt nhau mà các đền tháp ở Thánh địa Cát Tiên vẫn có một số nét riêng so với các đền tháp Champa và điều khác biệt này là lẽ thường tình”. Đây là câu văn có khả năng làm hụt hơi những độc giả nào, chưa kịp làm thao tác hít một hơi dài trước khi đọc nó.

Trang 41 có đoạn “Mặt khác, Po Saut, lên ngôi vào năm 1655, là con trai của đứa con gái của bà vợ Ê đê hay Kơho kết hôn với Po Romé”. Đây là một câu văn đánh đố độc giả, trò chơi “đố vui để học” mà mấy em học sinh tiểu học hay đố nhau.

Trang 54, anh viết “Với những lí do nêu trên, nhà thơ Inrasara đã kết luận rằng: “Bố Xuân Hổ với hai ấn phẩm về Tháp Chăm và Mẫu hệ Chàm được làm một cách sơ sài nên không có giá trị khoa học”. Inrasara là một trí thức lớn của dân tộc Chăm, nổi tiếng và uy tín ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khi trích dẫn bình luận hay nhận xét của ông, về các công trình khoa học, nên chăng xác định ông là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì sẽ thuyết phục hơn là định danh nhà thơ.

Trang 57, mục Kiến trúc mới trên Tháp Po Klaong Garai, có đoạn “Vì những giá trị nghệ thuật và lịch sử nêu trên, tháp Po Klaong Garai đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích Kiến Trúc Nghệ Thuật vào năm 1979”. Ở câu này anh đã đóng vai trò “Quốc hội” để đẻ thêm một cơ quan nhà nước cấp Bộ khác cho nhân dân, chưa kể lỗi chính tả.

Trang 62, mục Chú thích Luận văn Thạc sĩ của Đàng Năng Hòa, bằng tiếng Anh “The Impact of tourism on People’s Heritage; A Case Study of the Cham in Vietnam, anh dịch như sau “Sự tác động của du lịch trong di sản văn hóa con người: Nghiên cứu một trường hợp ở Việt Nam”, trong khi đó với trình độ tiếng Anh ABC của tôi còn biết là anh đã nuốt mất từ “of the Cham”, khi dịch sang tiếng Việt.
Vân vân và vân vân.

Thưa anh Sakaya, thư đến đây đã quá dài, thời gian của màn đêm cũng đã gần hết. Tôi cũng mệt, mệt vì đọc thì ít, mà mệt vì cứ vấp phải ‘ổ gà ổ voi” trên lộ trình ngấu nghiến, suy tư cuốn sách của anh thì nhiều. Chắc chắn một điều nếu tôi tiếp tục “lộ trình” đọc thì những lỗi tương tự sẽ tuần tự theo nhau túa ra đầy “bàn viết” của tôi. Bây giờ tôi cần ngã lưng làm một giấc ngon lành trước khi trời kịp sáng. Hi vọng trong giấc ngủ quá muộn này, tôi sẽ mơ được một giấc mơ tươi đẹp hơn, điềm tĩnh hơn và hàm lượng chân lí đậm đà hơn.

Chúc anh vui và an lành!

Bình Triệu, 3h khuya, ngày 28.8.2011.

Đồng Chuông Tử.
Email: thisichampa@yahoo.com
Cell phone: 01262622982.
Blog: dongchuongtu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét