Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

NHÀ THƠ NGUYỄN HỮU HỒNG MINH: "TÔI VIẾT ĐỂ GIẢI PHẪU TÂM HỒN..." - PHỎNG VẤN - EVAN / VNEXPRESS

Bìa tập truyện Ổ Thiên Đường - Nxb.Văn Học, 7.2011




Không vì tiền hay danh vọng, tác giả tập truyện "Ổ Thiên Đường" vừa ra mắt, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh,  bộc bạch, với anh, viết là để "giải phẫu" tâm hồn, tìm thấy niềm vui và vượt qua những bế tắc trong đời... Và những bí mật của một cuộc sống từng trải, lang bạt nghệ sĩ nhiều thăng trầm lần đầu được tiết lộ...




Phóng viên: - Vừa ra mắt tập truyện ngắn thứ hai, "Ổ thiên đường", anh cảm thấy thế nào?
Nhà thơ NGUYỄN HỮU HỒNG MINH:- Đây là tập truyện rất quan trọng với tôi. Nó là thành quả của một quá trình lâu dài, 20 năm, chứ không tự nhiên mà có. Vì nhiều lý do, tập sách đã bị từ chối ở một số nhà xuất bản. Hoặc tôi được yêu cầu phải bỏ bớt đi ít nhất 1/3. Cho đến khi được ban văn học Amun của công ty văn hóa Đinh Tỵ quyết định mua bản quyền xuất bản, tôi vẫn ngỡ đang ở… trong mơ! Vì thế, khi Ổ Thiên Đường ra mắt bạn đọc, tôi cảm thấy như mình trút được một gánh nặng.
Cuốn sách là một tuyển chọn trong 20 năm viết văn xuôi của tôi. Gồm 17 truyện ngắn, 17 truyện cực ngắn và 2 truyện vừa thể nghiệm, dò tìm một phong cách viết hậu hiện đại. Nội dung bao quát nhiều vấn đề xã hội, chính trị, đời sống các thị dân trôi dạt về đô thị lớn, cuộc sống bấp bênh người dân nghèo, sự phá sản của niềm tin… Và đặc biệt hơn thân phận, vị trí của người trí thức, người nghệ sĩ ở đâu trong bảng phân hạng giá trị của xã hội quá nhiều biến động, rớt giá thảm hại như hiện nay ...

- Vốn được biết đến là một nhà thơ, nhưng lâu rồi anh không ra tập thơ mà lại ra tập truyện ngắn, vì sao thế?
- Tôi vẫn sáng tạo nhọc nhằn với thi ca. Viết tiểu luận, ca khúc và làm báo. Sự thật thì có hai tập thơ của tôi cũng vừa mới bị từ chối xuất bản. Không hiểu sao việc công bố tác phẩm mới với tôi vẫn rất khó khăn. Xin kể một câu chuyện vui. Cách đây ít lâu, tôi và nhà báo, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh (Phó ban Việt Ngữ BBC) nhân có chung công việc đã cùng nhau đến một nhà xuất bản lớn ở Sài Gòn. Nơi đây tôi có xin giấy phép để in 1 tập thơ tình - thuần túy là thơ tình nhân kỷ niệm mấy năm ngày đám cưới của tôi và Nguyệt Phạm . Tập thơ có nhan đề Tên Em Trong Gió Cuốn. Và tôi đã được gặp nữ nhà văn có tên tuổi, hiện là Phó giám đốc nhà xuất bản. Chị đưa trả bản thảo cho tôi và không nói rõ ràng có in được hay không? Chỉ đề nghị chung chung là nên bỏ một số bài, cắt sửa một số câu. Và chị còn hồn nhiên “những bài còn lại ngoài văn bản còn nói thêm những gì thì không ai dò biết được ..." (!?). Tôi cảm giác anh Trần Lê Quỳnh có vẻ không hiểu được cách làm việc này. Mà cả tôi cũng vậy! Mình đang làm một việc rất dân chủ, đàng hoàng thì bỗng nhiên bị nghi kỵ, bị cho là có vấn đề. Như bị thít trong một cái thòng lọng. Câu hỏi đặt ra với tôi: Thơ tình mà nan giải như vậy thì những loại thơ khác sẽ ra sao? Cuối cùng, loanh quanh một hồi, nhà văn kia thuyết phục tôi tạm chủ động rút bản thảo về vì…cái tên Nguyễn Hữu Hồng Minh sau "Lỗ thủng lịch sử" đến giờ vẫn còn quá nhạy cảm! In ra cái gì thế nào cũng bị soi!
Với tôi, làm nghệ thuật khó ai có thể tách bạch mình sẽ làm cái gì trong giai đoạn nào. Như tôi, làm thơ, viết nhạc, tiểu luận phê bình hay văn xuôi. Đó là một quy trình hết sức tự nhiên, tôi viết cái gì mà tôi đang thấy thích. Ổ Thiên Đường kéo dài trong 20 năm là do vậy!

- Nhiều người cho rằng, làm thơ thời nay không nhiều nhuận bút, mà thơ bán cũng hiếm người mua. Anh nghĩ sao nếu có người cho rằng, nhà thơ quay sang viết truyện vì lẽ đó?
- Truyện có nhuận bút cao hơn thơ, và sách văn xuôi thì bán được hơn thơ, đó là một thực tế. Nhưng tôi viết truyện ngắn không hẳn vì thúc bách để kiếm sống. Viết văn xuôi với tôi là một sự khổ hình nhưng là một cách hiệu nghiệm để tôi giải phẫu bản thân và chia sẻ những suy nghiệm của mình với người khác.

- Tư duy và sáng tạo một bài thơ và một truyện ngắn, với anh, quá trình nào khó khăn hơn?
- Làm thơ bằng năng lực. Sự vọt trào, chấn động của cảm xúc. Viết văn bằng kinh nghiệm, những bài học rút tỉa từ máu thịt cuộc sống. Nếu chỉ so độ dài thì viết văn lâu hơn.  Đau đớn, nhọc nhằn, mệt mỏi. Đôi khi, tôi tự hỏi mình hành hạ bản thân, mệt mỏi như thế để làm gì? Nhưng thật khó trả lời thấu đáo. Người sáng tạo luôn bị hút vào một lực hấp dẫn ma quái nào đó mà không thể hiểu nổi.
Viết truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải có nội lực. Từ năm lớp 11, dù sống chưa nhiều, với thời thơ ấu khá gian khổ, nghèo khó, tôi cũng tập tành viết và có cả truyện đoạt giải thưởng. Nhưng sau những giải thưởng văn xuôi, tôi viết rải rác truyện ngắn trong tâm trạng chán, rất mệt và nhọc nhằn. Sau này, khi có độ lắng thật sự, tôi viết lại. Viết truyện ngắn với tôi như khổ hình...

- Vậy ý anh là làm thơ dễ hơn sao?
- Ngày trước, tôi nghĩ viết một bài thơ thì dễ hơn là truyện ngắn. Nhưng giờ, tôi nhận ra viết cái nào để cho hay cũng rất khó. Đó đều là một quá trình như làm tình. Đều cần vin vào cảm xúc để tận cùng sung sướng và tận cùng rời rã.


Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
ẢNH: LA TOÀN VINH


- Với "Ổ thiên đường", anh chọn cách viết hậu hiện đại, một cách viết rất kén độc giả ở Việt Nam hiện nay, anh nghĩ sao khi điều này giới hạn người đọc đến với tác phẩm của mình?
- Tôi cũng cho rằng tập này không nhiều độc giả, nhưng những độc giả quan trọng sẽ chọn đọc nó, nhất là những ai quan tâm đến nghệ thuật viết truyện ngắn.

- Nhận xét về văn xuôi của anh, nhà văn Lưu Sơn Minh có dùng đến chữ "bẩn thỉu". Anh nghĩ sao?
- Văn chương đích thực không tách bạch rõ ràng thanh cao hay bẩn thỉu. Ví như người móc cống, làm hầm cầu, gác tử thi...Đó là những công việc "nhân vô thập toàn". Tuy kinh dị hay bẩn thỉu nhưng vẫn phải có người làm!... Nghề văn cũng đâu có cao cả hay ho gì! Tùy theo góc nhìn như thế nào!...

- Nhưng họ là người móc cống, gác tử thi... chứ không phải là nhà văn. Theo quan niệm thông thường, nhà văn thì phải khác, anh thấy sao?
- Tôi nghĩ, nhà văn thì cũng thế thôi. Có người chọn cái thanh cao để viết, có người chọn nhà thổ làm đề tài. Quan trọng là họ viết với mục đích gì? Có kẻ viết về những cơn bệnh, có người viết về gái điếm. Đó mới là đời sống. Cũng cần phân biệt là y viết về đối tượng bẩn thỉu hay là chính ngòi bút của y bẩn thỉu. Theo tôi, nếu ngòi bút giải phẫu được sự bẩn thỉu thì đó là một Nhà văn lớn, một tác phẩm thành công. Bởi vậy, vấn đề lớn nhất của văn học, của mọi thời đại không còn là chuyện thanh cao hoặc bẩn thỉuquan niệm một cách đơn độc, cứng nhắc. Mà phải là tài năng mổ xẻ nó. 
Tôi vẫn nghĩ rằng có một bộ phận nhà văn còn tư duy "salon". Cách suy nghĩ của họ chưa thật gần với đời sống!

- Tác giả gần đây nhất anh đọc là gì?
- Gần đây nhất tôi đọc một Tập truyện viết trước khi mất của Louis Borges và Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco, Không tưởng và thức tỉnh của Claudio Magris, Trong đêm đông một khách lữ hành của Italo Calvino. Văn chương châu Âu vẫn làm kinh ngạc và hấp dẫn tôi. Sự thông tuệ. Cái chết. Bóng râm minh triết. Sự bẽ bàng cùng khốn của một kiếp người. Sự phá sản của đạo đức và khoa học…Những vấn để đó luôn đẩy người đọc đến độ phá sản tư duy nhận thức. Không đủ để lôi cuốn hay sao?

- Sao chỉ văn học nước ngoài?
- Trong nước gần đây không có nhiều tác phẩm đáng để đọc. Còn những người thật sự muốn tìm đọc như: Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Huy Thiệp.... là một thời đã xa.
Nói đúng ra, tôi đọc khá nhiều văn trong nước, nhưng nó không làm mình vỡ ra cái gì nên mình không nhớ. Tôi chỉ nhớ những ai tôi đánh giá cao. Người đọc văn học Việt Nam thực thụ hiện nay sẽ cảm thấy cô đơn và buồn chán vì không có nhiều cái đáng để đọc.
À, gần đây tôi có đọc thích một vài truyện của Trần Nhã Thụy, như truyện Những kẻ câu đêm khiến tôi rất thích. Câu và đêm đã cho thấy một truyện ngắn viết trong bóng tối và đầy bong tối. Truyện ngắn VN ít có kiểu tư duy như vậy!

- Nếu một độc giả đồng thời cũng nghĩ quan niệm về văn học Việt Nam không có gì đáng đọc như anh nghĩ về cuốn sách của anh thì anh thấy sao?
- Tôi nghĩ ít ra cũng sẽ có những người kiên nhẫn để đọc, cũng như tôi kiên nhẫn để đọc người khác. Còn chuyện họ có ấn tượng, có nhớ không khi khép cuốn sách của tôi lại là nằm ngoài dự tính của tôi.

- Anh đặt hy vọng gì vào cuốn sách của mình?
- Viết truyện ngắn mà để có được một truyện ngắn hay còn phải nhờ vào yếu tố may mắn. Một truyện ngắn hay là trời cho, nhiều nhà văn viết một đời mà có truyện nào hay, để lại được với đời đâu...Văn chương là thứ mà không ai cố được. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng độc giả thích cuốn sách của tôi. 

- Hiện tại, vấn đề thời sự xã hội quan tâm nhất?
- Tôi quan tâm đến các vấn đề về con người và các quyền tối thượng để gọi là được làm Con Người.

- Với anh, viết lách mang ý nghĩa như thế nào?
- Xin kể một chuyện lạ có đôi chút liên quan. Dòng họ bên ngoại mẹ tôi vốn là một dòng danh giá, chức phẩm quan lại của triều đình nhà Nguyễn. Theo các cậu kể, ông Cố Ngoại là quan Ngự sử, được quyền can Vua trong những công việc trọng đại của triều đình. Nhưng dòng họ này cũng có những uẩn khúc, điềm lạ: tất cả những người phụ nữ đều bị những chứng bệnh khó giải thích, mơ tỉnh bất thường và thường rất bạc mệnh. Cứ như phải đan nhiên nhận lãnh, những biến cố, tai ương hậu hoạn của gia tộc. Dì và mẹ tôi cũng không tránh khỏi những chuyện kỳ bí khó giải thích đó. Mẹ tôi, sau năm 1975 bà cũng đã bệnh tâm thần rất nặng. Giờ mẹ mất rồi... Tôi cũng có một thời gian sống phiên dạt lang thang lúc miền Tây khi miền Đông mà bạn bè vẫn nói là “điên”. Ngày trước, bố tôi cũng thường hay than phiền tại sao con cái lại vướng vào nghiệp văn chương, chữ nghĩa làm gì để quá khổ nhọc như vậy?
Một lần tôi đi uống cà phê với nhà thơ Đỗ Nghê, tức bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nổi tiếng, là một người quen của gia đình. Nghe tôi kể chuyện đó, bác Ngọc đã chia sẻ: "-Thực ra bố cháu phải nghĩ ngược lại mới đúng. Theo nghiên cứu của bác về vấn đề này, cháu viết văn, làm thơ là một điềm may mắn. Bởi nếu quả thật trong dòng họ có những chuyện khó lý giải như vậy thì theo nghiệp văn, viết được thơ là giải phẫu được tâm hồn. Những phiền trược, u ám theo ngòi bút mà ra khỏi…". Tôi nghiệm ra điều này rất đúng. Vì văn chương đã vực tôi dậy trong những lúc tôi trầm uất nhất.

- Nếu có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng, anh chọn để trở thành ai?
- Tôi có thể chọn là cả hai không: vừa là Kafka vừa là Louis Borges. Tôi thích chất kỳ bí, ma quái hấp dẫn khó lý giải của Kafka cũng như vẻ triết luận, thông tuệ, đầy tính thơ ca của Borges. Họ đã bổ sung được cho nhau. Sự vĩ đại của họ tạo nên những chiều kích đa dạng. Nâng thế giới lên thang bậc cao. Bay lượn triển hạn trong những tầng tư duy mới…

ANH VÂN thực hiện

*BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TRANG EVAN - VNEXPRESS THỨ BA, NGÀY 2.8.2011 VỚI NHAN ĐỀ "NGUYỄN HỮU HỒNG MINH: VĂN CHƯƠNG CHỮA BỆNH ĐIÊN CHO TÔI...". TRÊN ĐÂY LÀ BẢN GỐC CỦA BÀI PHỎNG VẤN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét