Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Lên tháp thánh tẩy vệt buồn tâm hồn Chăm

Tạp bút của Đồng Chuông Tử


Những ngày này, hàng trăm hàng vạn người con xứ sở “quê hương của mặt trời”, (ý một bài hát của nhạc sĩ Amư Nhân), của bạt ngàn ngọn tháp Chăm sừng sững, linh thiêng và huyền bí đang nôn nao, đếm ngược thời gian mong chờ lễ hội Kate. Những người con ấy, hồ liễu với đôi mắt Chăm sâu thẳm, mênh mông vô tận u buồn, tâm hồn lấp lánh thánh thiện, rười rượi điệu vũ cuộc trần tạm bợ, nổi nênh, phiêu phỏng. Những người con ấy, dù cắm rễ miệt mài chốn quê, hay bạt hoang chân trời bụi bặm, hằng năm cứ đến mùa Kate, trong lòng họ lại trỗi vang cảm xúc của mùa tưởng nhớ và hội tụ.



Kate sắp đến rồi! Kate sắp đến rồi âm thanh khua lanh canh tưng bừng, rộn rã, trên môi những bé trai, bé gái da màu nắng rậm, tóc đỏ hoe tiết trời nơi cánh đồng nhỏ hẹp cùng lũ trâu, đàn cừu... Bài hát Kate palei Chăm, lại vang lên sôi nổi, cuốn theo từng nhịp trống Ginăng dập dình, tiếng khèn Saranai véo von khắp xóm làng, xứ sở. Hình ảnh những em bé mặc áo mới, môi cười toe toét, níu váy mẹ trên đường lên tháp. Hay hình ảnh đông đúc bà con Chăm, trẻ có, già có trong trang phục áo dài truyền thống dân tộc mình, lộng lẫy phong phú sắc màu, đội mâm lễ tìm về cội nguồn, tổ tiên.

Kate là một trong những lễ hội lớn của Chăm mình, vì vậy những đứa con Chăm dù bận bịu cách mấy cũng cố gắng trở về quây quần sum hợp với gia đình, xóm làng, xứ sở. Ngày Kate ai ai cũng nhớ, không cần nói ra ai ai cũng biết. Người con nào không nhớ không biết, buổi sáng thức dậy soi gương mà tạ lỗi cùng Po Yang. Người con nào vì có công việc cực kì gấp gáp, hệ trọng, về không kịp ngày lên tháp thì cũng nên về dù muộn màng. Người con nào ở xa xôi vạn lí, thì làm lễ riêng tại gia đình, cho không khí ngày Kate ngập tràn vui sướng.

Những ngày lễ hội, người Chăm mình thường mặc áo đẹp. Mới và đẹp càng vui. Đẹp mà chưa kịp sắm đồ mới, thì cũng vui chứ không việc gì. Hoàn cảnh Chăm mình ngày nay nó khác, lúc thì sống chung với lũ, khi lại che ánh nắng chói chang. Chỗ làm ăn được không đến phận mình, chốn heo hút “đất cày lên sỏi đá” không gặm nổi, thì người ta quẳng cho.

Có người nói Chăm mình không biết làm kinh tế, nên quá nhiều hộ “ăn hôm nay lo hôm mai”, do Chăm mình dòng máu nghệ sĩ cao quá. Nói thì nói nghe cho có chuyện để nói, nhưng cũng có phần đúng trong đó. Tuy không đúng tròn trịa, nhưng cũng tạm chấp nhận, vì xét cho kĩ thì Chăm mình cũng nghệ sĩ thiệt. Nếu không, dễ gì có được những tên tuổi “bự xừ” của nền văn chương như Trà Vigia, Inrasara, Trầm Ngọc Lan, Jalau,…và nền âm nhạc thì có Đàng Năng Quạ, Chế Linh, Từ Công Phụng, Amư Nhân, Y Moan, Thập Ariya, Đàng Năng Đức, Y Sa,… Nhưng xin thưa chút xíu lời đó là chưa đủ, ví như chỗ tôi biết, nhiều con em Chăm mình vô Sài Gòn ở trọ đi học, chưa đến tháng, cô chủ nhà trọ cứ ghé qua giở giọng “nộp tiền phòng trễ là tao đuổi cổ cả lũ à nha”, nghe là biết người có mùi gì rồi. Hay như câu chuyện của thằng Tẳn, đứa em ở plei Hamu Tanran. Tẳn mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với những người anh. Những người anh lo làm ăn quần quật để nuôi em ăn học. Tẳn học giỏi, tốt nghiệp đại học sư phạm loại khá giỏi, có nhiều bằng khen ở trường, được báo đài ở Ninh Thuận, nêu gương vượt khó học giỏi. Nhưng đã gần hai năm rồi, kể từ khi có quyết định của sở giáo dục xuống phòng giáo dục, Tẳn vẫn chưa được đi dạy. Cầm quyết định đến trường, hiệu trưởng bảo đủ giáo viên rồi không nhận. Cứ vậy, Tẳn qua hết trường này đến trường nọ, cuối cùng quá buồn nản, em quyết định ở nhà phụ làm ruộng giúp anh mình.

Hoàn cảnh Chăm mình nó khác, nhưng còn nghèo khó cũng có nhiều lí do, mà hai ví dụ ở trên cũng là hai lí do điển hình. Để sống được Chăm mình phải vất vả gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấn bốn lần người khác. Từ đó, một bộ phận Chăm mình để dễ thở hơn, họ phải “a dua” theo nhịp điệu cuộc sống, hòa vào nó, tung hô nó và đánh mất tâm hồn Chăm mình lúc nào không hay. Những nhân vật đó đã làm héo úa lòng bà con cô bác, anh chị em Chăm mình. Một vệt buồn trong tâm hồn những người con Chăm yêu dân tộc, lịch sử, tôn giáo, văn hóa Chăm…Một dấu hiệu thoái hóa suy đồi tâm hồn, bản sắc vì miếng ăn. Vì miếng ăn mà chịu còng lưng mỏi gối, chịu im lặng trong thời điểm cần lên tiếng. Nó làm méo mó, biến dạng tâm hồn bản sắc Chăm mình, tạo “cái nhếch môi khinh thường” cho người ngoài nhìn vào phán xét.

Mình rất quý mến và tự hào tài năng của Chăm mình, ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nghề nào. Mình nghiệm ra rằng “chất xám Chăm mình cũng dữ dội lắm, có thể so kèo cùng các bạn Do Thái”. Sự chiêm nghiệm này, đến bài viết này mình mới hé lộ. Nhưng từ khi nghe “một ca khúc lạ đời”, xem một họa phẩm có “ý tưởng bị ảnh hưởng chất dioxin”, đọc “lời mở đầu thoái hóa” của một cuốn sách nghiên cứu văn hóa Chăm, mình cảm giác sởn gai óc, xấu hổ mỗi lần đặt chân lên tháp: Po Klaung Garai, Po Rome, Po Sah Inư,… Nhất là khi đã vào trong tháp rồi mà ca khúc lạ đời ấy cứ oang oang “hiên ngang dội bom” khủng bố lỗ tai mình, tâm hồn mình. Nhìn lên phía trên cửa tháp thì bức tranh nọ ở đâu lù lù quay lại “xâm thực” niềm kiêu hãnh mình. Xúc động làm thơ thì sợ bên cạnh có người bảo “ai đó đã đào tạo ra nhà thơ”. Cuối cùng mình hoảng quá, bước xuống tháp ra ngoài cổng thì bắt gặp hình ảnh hai mẹ con Chăm mình, đang tần ngần chỗ quán nước, sau khi lên viếng tháp. Trời chang chang nắng, đứa bé đang rất khát nước, nó ỏng ẹo năn nỉ mẹ mua nước uống. Người mẹ trẻ ấy sao một hồi đắn đo, đã nhỏ nhẹ với con mình “ráng nhịn đi con, về nhà uống luôn, để tiền ngày mai mua gạo nấu cơm, không thì đói chết”. Nghe được đoạn đối thoại này, mình chợt lặng người, một nỗi xốn xang bức rức theo những dòng chữ “thoái hóa” ấy chợt hiện ra, đau nhói bên ngực trái.

Xin lỗi bà con cô bác, anh chị em Chăm mình, sắp đến Kate rồi mà mình kể chuyện buồn nghe, mong mọi người đừng giận. Kate đến mình cũng lên tháp, cầu nguyện cho Chăm mình mạnh khỏe, bình an và phát triển như bao người con Chăm yêu dân tộc mình. Mình còn cầu nguyện thêm cho tâm hồn mình được thánh tẩy sau lễ thay y phục, tắm rửa Po Yang của các vị tu sĩ Bà La Môn.


Bình Triệu, 31.8.2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét