Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012


Hôn nhân ngoại tộc, nguyên vẹn nỗi buồn lớn

Nhiều thập niên qua, dòng sông văn hóa-xã hội Chăm đã chầm chậm trôi, òa vào lòng ‘biển” đa văn hóa đa màu sắc. Cái “sự trôi” trầm lặng, lóng lánh và mang phẩm chất thiền tính/minh triết Chăm. Nó như lão đạo sư Bà La Môn đã lãng quên thế tục và mang mang cõi linh thánh của riêng mình. Lão đạo sư có ngờ đâu, trong giây phút sắp chuyển hóa năng lượng vật chất ấy, một ngọn gió đi rong, vô tình đã làm rơi viên gạch cũ, dưới chân ngọn tháp. Một viên gạch trổ đầy vết tích nắng mưa, bụi hoang và rêu cỏ xanh rì.Vỡ vạc đụn buồn thế thái.
Quan điểm ngắn

Thập niên 30, 40 thế kỉ trước, tình trạng người Chăm kết hôn ngoại tộc, có nhưng không đáng kể. Ở cả 4 địa khu:Parang, Krong, Parik, Pajai.Tình trạng này chỉ nở rộ, trong khoảng hơn hai thập niên trở lại. Nó trở thành vấn nạn hôm nay. Có thể khẳng định, đây không phải là vấn nạn thông thường. Nó đã trở nên vấn nạn hàng đầu, nhiều yếu tố rủi ro cao. Thậm chí đẩy đến bi kịch, không chỉ cho cá nhân. Mà hệ quả của nó, tồn tại lâu dài, dai dẳng, dư âm nhiều thế hệ. Vì thế, nó đánh động và thu hút sự quan tâm của dư luận Chăm ngày càng rộng rãi. Đã có nhiều bài viết, thảo luận trên mạng về vấn nạn gây khó ngủ/mất ngủ cho nhiều người. Đặc biệt là giới nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức lẫn sinh viên Chăm. Đây là lực lượng có ý thức kế thừa, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa tộc người, có tầng bậc và ổn định. Cốt lõi vấn đề của ý thức đó là, phát triển bản sắc nội tại, riêng biệt, ngày càng tiên tiến và đậm đà hơn nữa, trước xu thế tất yếu, hội nhập biển lớn.  

Nguyên nhân lớn làm cho người Chăm bị vơi đi?

Lẽ thường, dân số một tộc người/quốc gia, theo tiến trình phát triển tự nhiên của nó, sẽ tăng lên. Tăng chậm tăng nhanh, tùy thuộc tốc độ sinh đẻ và lứa tuổi trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, có phần can dự do chính sách hạn chế sinh đẻ của quốc gia và thái độ của giới trong độ tuổi ấy. Sự biến chiến tranh cũng ảnh hưởng yếu tố phát triển dân số này.
Riêng ở người Chăm, khi kết hôn với người ngoại tộc, thế hệ mới sinh ra, thường bị thay đổi dân tộc. Thế hệ mới sinh ra này, lớn lên rất hiếm người biết/chịu nói tiếng Chăm. Đa số, họ chối bỏ/lờ đi dòng tộc thiểu số từ người cha/mẹ thiểu số của mình. Có khi còn xem thường xuất thân của người cha/mẹ có nguồn gốc thiểu số nữa. Nó phát triển lên, có khả năng xảy ra bi kịch cho người cha/mẹ ở cuối đời. Mà nhiều trường hợp đem trả lại, còn nóng hổi, rất thương tâm.
Nếu tình hình kết hôn ngoại tộc, xảy ra đều đặn và liên tục theo cấp số nhân, như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa, người Chăm có nguy cơ teo dần và biến mất. Biến mất ở đây là hình thức thay hình đổi dạng, lẫn qua tộc khác. Từ hình thức sơ khai như vậy đến mất đi/triệt tiêu đi nguồn cội ở vài thế hệ tiếp theo. Như vậy, có thể khẳng định, hôn nhân ngoại tộc, là nguyên nhân hàng đầu cho ‘sự vơi” dân số trong cộng đồng xã hội Chăm hôm nay. Và cũng là tiền đề tiêu bản cho khả năng biến mất của tộc người trong tương lai.
Trong khi đó, chỉ có một bộ phận quá ít, có ý thức giữ gìn. Họ giữ gìn trong bất lực và khả năng tuyệt vọng lớn. Theo nghĩa “còn nước còn tát”, “được chừng nào hay chừng ấy”. Nhưng họ vẫn còn hi vọng, dẫu ít ỏi thôi.  
Trái ngoe quá không, khi một bộ phận nhỏ lẻ, gắng gượng níu kéo. Bộ phận kia, ngày nay, đang “phình ra”, lại lờ đi. Và tâm lí đổ thừa cho duyên phận đời người là có thật. Thậm chí tâm lí ấy, thể hiện ấy, nguy hiểm thay, nó trở thành ‘chót lưỡi đầu môi” của phần đông, từ lúc nào không rõ.

Giải pháp nào cho vấn nạn

Chúng ta đã biết, kết hôn là dấu hiệu quan trọng của đời người. Nó tham gia vào nhiều kế hoạch phía trước và có lợi thế định đoạt vận mệnh phía sau.
Chúng ta cũng biết, chẳng gia đình/cộng đồng nào ép buộc cá nhân trong vấn đề hôn nhân. Càng không có chế tài, quy ước cụ thể gì cả. Đơn giản, đó chỉ là ý thức giống nòi, bản sắc văn hóa, hình thành, tồn tại và phát triển ở mỗi cá nhân mà ra.
Một cá nhân không có ý thức đó. Rồi hai cá nhân, ba cá nhân,…quả thực là quá hẩm hiu và “bạc phước” cho tộc người nào đầy rẫy cá nhân như vậy. Nhưng xét cho cùng, tộc người nào/quốc gia nào cũng tồn tại nhiều mặt thực trạng đời sống của nó. Quan trọng là nhìn thấy nó, chuyển hóa nó và điều chỉnh nó. Đó là bổn phận của “bộ óc cộng đồng”. Khiến nó hài hòa trở lại, thấu cảm và cân bằng trở lại. Dĩ nhiên, đây là công việc khó khăn, cực kì khó khăn. Nó đòi hỏi khả năng bao quát, tháo vát và linh động ở từng khâu, từng lộ trình cụ thể đã hoạch định trước đó. Đó rõ ràng không phải công việc của một cá nhân, mặc dù gốc gác của vấn đề là vấn đề cá nhân. Một cá nhân thực hiện, không bao giờ đạt năng suất như mong muốn.
Nó đòi hỏi sự chung tay của toàn thể cộng đồng. Mà trước tiên, là những cá nhân uy tín, khả năng ảnh hưởng/cộng hưởng lớn chấp nhận cùng ngồi lại. Nén cái tôi to tát xuống cùng bàn bạc, điều nghiên và đốc thúc nhau từng ngày từng giờ. Vô vị lợi, lắm vất vả mà tính chất công việc chất chồng theo từng giai đoạn, công đoạn cùng khả năng kéo dài, dai dẳng về không gian/thời gian.
Trong đó cần lưu ý, nhân sự ở khía cạnh tín ngưỡng-tôn giáo là cần thiết, tính chất quyết định, khả năng thành bại lớn.


1 nhận xét: