Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Có một lần cà phê như thế

Đồng Chuông Tử


Chủ nhật (19.02) vừa qua, thông qua người em đồng tộc Quảng Đại Thao - kĩ sư xây dựng ở Sài Gòn, mình có được số phone anh Quảng Đại Cẩn, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Hoa Kì, về Việt Nam củng cố tài liệu để chuẩn bị làm luận án. Thao là em trai út của anh Cẩn, trước Thao còn có Quảng Đại Thể, admin của trang điện tử tincham.in. Mặc dù trang báo điện tử này mới xuất hiện khoảng quý 2/2011, nhưng đã gây dựng được niềm tin và là món ăn tinh thần hàng ngày của toàn thể cộng đồng Chăm trong và ngoài nước, tuy trang web còn gặp nhiều khó khăn về năng lực tài chính. Trong đó, đáng lưu ý là đã thu hút một lượng độc giả vô danh cực kì vui nhộn.
Trở lại chuyện ngày chủ nhật, có được số phone, mình liền gọi cho anh. Vì là số lạ, anh hỏi ai đó, mình trả lời adei ni, Đồng Chuông Tử (ĐCT). Anh à lên một tiếng, rồi gọi mình đến quán cà phê Cây Si, góc ngã tư Phạm Văn Hai/Nguyễn Trọng Tuyển. Mình liền nhờ Khoa, cháu anh Cẩn chở đi. Vì Khoa cũng vừa nghe tin có bác Cẩn về, dù anh về gần một tháng rồi và cũng cận kề ngày bay. Nhưng đọc trong mắt Khoa, mình thấy em nó dâng lên niềm tự hào về bác rất đáng kể. Nghe nói em nó ngưỡng mộ lắm tài học và những bài viết về ngôn ngữ Chăm của bác lớn, đăng tải trên các web Chăm, thời gian qua.

Cũng cần nói thêm, ở Bình Triệu, Thủ Đức bây giờ đã hình thành nên một cộng đồng Chăm mới. Họ là những người con của xứ sở Panduranga vào Sài Gòn học tập, làm việc và sinh sống ở đây. Như vậy, người Chăm ở Sài Gòn hôm nay đã mở rộng hơn địa bàn cư trú, nhưng đến ngày lễ lớn của tổ tiên, dòng tộc thì họ vẫn sẵn sàng sắp xếp thời gian trở về quê hương tham dự đông đảo, đủ đầy.
Hai anh em, mình và Khoa, leo lên xe gắn máy, rồ ga chạy một lèo tới nơi hẹn. Đến trước đã có những người anh lớn như Tiến sĩ Bá Trung Phụ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Thành Phần, Giảng viên chính Dáng Tuy, Thạc sĩ Đàng Năng Hòa. Mình không biết trước nữa có ai hay không, nhưng trên bàn thì đầy ly là ly. Và một vài người lạ ở bàn bên cạnh, đang đánh cờ tướng. Người lạ này là ai nhỉ, he he biết rồi nhé.
Ổn định chỗ ngồi xong, anh Cẩn nói cuộc gặp mặt hôm nay không ngoài mục đích là patom gauk, cho đỡ nhớ nhau vì xa cách cũng lâu rồi và mỗi lần gặp nhau thì rất khó khăn. Huống hồ anh cũng sắp rời xa Việt Nam, atah adei sa-ai lần nữa. Nhưng mình cũng biết đó là phép xã giao lịch thiệp, sự phát hiện nhạy bén của một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ở anh. Đó là bởi vì có người lấy làm ngạc nhiên cho sự xuất hiện của mình mà thôi. Không hề gì, chuyện bình thường muôn năm nị à.
Nói xong, anh Cẩn mở cặp táp, lấy ra những giấy tờ liên quan đến kết quả học tập, đưa cho thầy Phần, thầy Phụ, thầy Hòa xem, vừa để làm chứng cớ vừa để tự hào một xíu về sự phấn đấu không biết mệt mỏi, không ngừng nghỉ của bản thân trước các bậc khoa bảng đi trước. Mình cũng có hỏi anh, ở đó có gặp em Tuyên không, anh đáp là cũng có. Anh cười hóm hỉnh, có lần gặp, anh hỏi Tuyên, học hành ở Mĩ khó hay dễ, khi ấy Tuyên tự tin hồn nhiên trả lời, dễ lắm dễ lắm cei Cẩn à. Lúc đó Tuyên mới vào năm nhất Cao học. Bặt một thời gian, gặp, anh lại hỏi câu ấy, Tuyên bất ngờ nhăn nhó đáp, khó quá khó quá cei Cẩn ơi. Anh tủm tỉm nhớ lại mình ngày trước cũng y hệt tâm trạng Tuyên bấy giờ. Lúc này hình như Tuyên đang gấp rút hoàn thành khóa học, nên lễ hội Ka-tê, tổ chức ở Mĩ, anh Cẩn giục đi xem hoài, Tuyên bận bịu học tập không đến được. Đến dự Ka-tê, anh Cẩn vừa vui mừng vừa canh cánh bên lòng một nỗi niềm thầm kín, những câu hỏi khó hiểu mọc lên rậm rạp trong suy nghĩ của anh, rằng là qua đến xứ Mĩ rồi, mà sao Ka-tê của người Chăm lại toàn nói tiếng Việt, lạ quá lạ quá. Còn chương trình Ka-tê, Ra mư wan ở trong nước, thì linh động và khôn khéo hơn, vừa có MC nói tiếng mẹ đẻ vừa có MC phiên dịch.  
Khi các thầy xem xong kết quả học tập thì gởi trả lại anh Cẩn. Thầy Phụ là người xem cuối cùng. Xem xong, thầy kể một lèo về những hội thảo, hội nghị quốc tế lẫn trong nước, mà thầy tự hào có dịp tham dự. Trong đó, có một câu chuyện, hình như là vào một hội thảo ở Nhật Bản, mà mình nhớ là nhờ câu chuyện đó, mọi người trong bàn lấy làm thú vị, không khí rôm rả hẳn lên.
Thầy kể, ở bên lề hội thảo, có một vị học giả Khơmer sau khi biết thầy là người Chăm đến từ Việt Nam, mới dõng dạc rằng, ở đâu có cây thốt nốt ở đó là đất của người Khơmer. Nhận thấy vẻ mặt có vẻ như thật của vị ấy, trước một tuyên ngôn khoa học còn quá mơ hồ, thầy mới đưa ra một dẫn chứng cụ thể, hợp tình hợp lí, gây bàng hoàng vị học giả ấy. Thầy chứng minh rằng, người Chăm có hai bộ tộc chính và lớn là tộc Cau và tộc Dừa. Vì sao có tên gọi đó, là vì thời điểm đó các sử gia, nhà nghiên cứu lịch sử phát hiện có một bộ phận người Chăm, thích trồng cây cau, và bộ phận còn lại ưa trồng cây dừa. Như vậy, nếu căn cứ lập luận của vị học giả Khơmer ấy, người Chăm cũng có thể nói rằng ở đâu có cây cau cây dừa ở đó là đất Chăm. Rõ ràng tỉnh Bến Tre, ở miền tây Việt Nam xưa nay nổi tiếng là xứ dừa, thì đích thị là đất Chăm rồi nhé. Vị học giả ấy không biết sao, đứng như trời trồng.
Thầy cũng kể nhiều chuyện khác. Thứ nhất là một phát hiện khoa học gây ngạc nhiên im lặng, trong hội thảo 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó là về bài viết của thầy mang tên Hoàng Thành Thăng Long mang dấu ấn bàn tay nghệ nhân Chăm. Thứ hai là thầy có nhắc đến nền văn hóa Óc Eo. Thầy Phụ khẳng định rằng sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng không giấu giếm cảm xúc thật của mình khi nói rằng văn hóa Óc Eo là văn hóa của người Chăm, chứ không phải văn hóa của người Mạ. Và thầy Phụ vui vẻ mở lời mời mọi người, nếu có dịp ghé đến Bảo tàng, nơi cơ quan Thầy làm việc, chiêm ngưỡng những cổ vật, hiện vật trưng bày trong hạng mục của nền văn hóa Óc Eo. Đó toàn là những cổ vật, hiện vật của người Chăm. Nhưng từ lâu rồi, ở Việt Nam có một tiền lệ kì cục là những gì liên quan đến Chăm thì họ thường lờ đi, hoặc im lặng đầy nghi ngại. Phải chăng bởi thái độ ấy mà Giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong bốn tứ trụ trong ngành sử học nước nhà, đã cực lực phê bình và đòi hỏi ở họ một thái độ sòng phẳng và nhân văn rằng “chúng ta làm khoa học thì phải hết sức dũng cảm và chân thật”.
Việc lâu ngày gặp nhau cà phê, hay một tuần một lần ngồi lại, cũng chẳng làm ảnh hưởng nhiều đến nghĩa tình đồng tộc. Những đề tài/câu chuyện có lúc xoay chuyển liên tục, khi thì rơi rớt vài chi tiết, có khi trở đi trở lại đầy day dứt, cũng chẳng hề hấn gì. Nhất là với những trí thức nhiều trăn trở cho số phận dân tộc mình trước xu hướng hội nhập thế giới ngày càng đậm đặc. Say sưa với xu thế hội nhập ấy, họ, có một bộ phận không nhỏ đã hòa tan, để lại nhiều ngậm ngùi, đau nhói nơi trái tim còn ròng ròng nhiệt huyết. Có những đề tài bức xúc do yếu tố xã hội/thời cuộc, có những câu chuyện ngẫu hứng, trí nhớ chảy về đến đâu thì “róc rách” đến đó, không khí vui là chính. Quả thực nghĩ kĩ lại không gian cà phê cũng là không gian văn hóa đậm chất tự nhiên, mặc dù những câu chuyện hoàn toàn là những câu chuyện xã hội.    
Có thể nói buổi cà phê với những trí thức lớn của dân tộc Chăm như thế là khá hiếm hoi, tuy còn khiếm khuyết vài người nữa. Không gian cà phê như một “cuộc tiền hội thảo” cho những vấn đề đang rất thời sự của Chăm mình. Chẳng hạn buổi ấy đã bàn luận thoải mái, tự do, mạch lạc nhiều vấn nạn trong xã hội Chăm do yếu tố nội sinh cũng có, ngoại sinh cũng có. Chủ quan cảm tính cũng có, chứng cớ khoa học cũng có. Hóm hỉnh, vui vẻ cũng có. Nghiêm trọng nặng nề cũng có. Nói chung là một không khí đa dạng, không dễ gì có được ở nhiều hội nghị, hội thảo lớn và chính danh về Chăm. Ví dụ, trong xã hội Chăm hiện giờ tồn tại những vấn nạn sau: vấn nạn về hôn nhân dị tộc, vấn nạn về cha mẹ, con cái Chăm hoàn toàn nhưng giao tiếp hàng ngày với nhau bằng tiếng Việt... Hay còn nữa đó là những vấn nạn về chức sắc Bà La Môn yếu và thiếu năng lực, vấn nạn sinh viên Chăm học xong, bằng cấp đầy đủ đáp ứng tiêu chuẩn chính quyền địa phương đưa ra, nhưng không được tuyển dụng, bị các đường dây quan chức “làm giá” trắng trợn, mất tư cách đảng viên, mất niềm tin trong nhân dân….
Xã hội Chăm chắc chắn vẫn còn nhiều vấn nạn lắm. Những liệt kê ở trên chỉ là ít ỏi. Thử hỏi với không khí một buổi cà phê như thế, mà thảo luận được nhiều chuyện như vậy, thì buổi cà phê ấy quả bổ ích phải không?
Mình còn nhớ thầy Phần có nói trong tháng 3 tới sẽ cố gắng kêu gọi tập hợp bài vở anh em văn nghệ sĩ, trí thức Chăm để in sách. Cuốn sách có tên gọi là Dân tộc Chăm xưa và nay. Và thầy Phần cũng day dứt về một quỹ khuyến học Chăm trực thuộc Chi hội Chăm còn dang dở, trở ngại muôn vàn. Thầy Phần và thầy Hòa còn nói thêm sẽ mời mình vào làm một chân gì đó trong Chi hội, để hình dung rõ hơn những khó khăn mà Chi hội hiện đang vấp phải. Và mọi người cũng đùa vui là hình như để mình “thấm đòn” hơn nữa, trưởng thành hơn nữa. Mình có hứa là nếu làm sách thì mình sẽ cố gắng viết bài, phù hợp với năng lực chuyên môn của mình hơn. Còn làm quan trong Chi hội Chăm thì cho mình xin, vì tính tình mình quen tự do, phóng khoáng, nghĩ sao nói vậy, viết vậy, dễ gây mất lòng các quan, ảnh hưởng không hay đến Chi hội Chăm. Ngày trước, tờ báo mình từng làm phóng viên, đã từng bị vạ lây rồi, mình biết. Và gần đây nhất là Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc tổ chức đầu tháng 9/2011 tại Hà Nội.
Buổi cà phê đã kết thúc trong một quán cơm trưa thân mật, không khí vui tươi, ấm cúng do chính anh Quảng Đại Cẩn thết đãi, trước khi chia tay mọi người bay về Mĩ sáng ngày 21.02. Bữa cơm trưa thân mật không có thầy Phụ, do bận việc đột xuất. Cũng với lí do công việc, buổi cà phê không có sự hiện diện của Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, Thạc sĩ Sakaya Văn Món. Nhưng bù lại, phía bên kia bàn, từ đầu chí cuối, có một người đàn ông mái tóc muối tiêu đeo kính cận, gọi một đĩa mồi đơn sơ, chăm chú đọc báo trong lặng lẽ và cô đơn. Mọi người ai cũng biết người đàn ông ấy là ai. Nhưng kệ, mỗi công dân có một nhiệm vụ với đất nước và cơ quan công tác, nơi nuôi sống vợ con và chính bản thân mình hằng ngày.
SG, 19-20.02.2012.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét