Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Vài suy nghĩ từ vấn nạn người Chăm nói chuyện với nhau bằng “ngoại ngữ”

Đồng Chuông Tử

Phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xem xét, liên hệ thực tiễn trong khuôn khổ “ngoại ngữ”, ở đây là tiếng Việt. Ngôn ngữ khác, tác giả xin sẽ đề cập ở những bài viết sau, nếu có thời gian. Tác giả không rõ bài viết sẽ có dư luận như thế nào trước vấn nạn này. 
Cũng xin lưu ý, bài viết này chỉ dành riêng cho độc giả là người Chăm.
Bài viết nhằm vào hai mục đích cụ thể. Thứ nhất, nói lên một sự thật trở thành vấn nạn có nguy cơ mất gốc. Thứ hai, gióng một hồi chuông "xóc" lại nhận thức tộc người và có bày tỏ thái độ cá nhân.
 

 Phác thảo sơ lược về người Chăm  

Người Chăm là tộc người bản địa, lập quốc năm 192 với tên gọi ban đầu là Lâm Ấp. Tổ lập quốc là Khu Liên. Người Tượng Lâm là danh tính tộc người đầu tiên. Lãnh thổ của Lâm Ấp, trải dài rộng khắp miền trung Việt Nam ngày nay. Người Chăm có nền văn hóa, văn minh phát triển rực rỡ. Người Chăm được thế giới bên ngoài biết đến với danh xưng: người Hời, người Chiêm, người Chàm... Hình thức nhà nước được nhiều công trình nghiên cứu sử học xác định là mô hình nhà nước Liên bang. Có 5 bang chính, các bang thay phiên nhau quản trị đất nước. Tín ngưỡng: có hai tôn giáo chính, Bà La Môn và Bà Ni.
Qua quá trình Nam tiến của tộc người Việt ở phía bắc, kéo dài nhiều thế kỉ, năm 1832, Vương quốc Champa chính thức tan rã. Thời điểm này, cộm lên một sự kiện, đó là chỉ đạo từ Minh Mệnh về việc thay đổi toàn diện họ tên của người Chăm sang ngôn ngữ Hán Nôm. Lưu ý, tiếng Việt đang thịnh hành hiện nay là sản phẩm của một chức sắc Vatican, sáng tạo ra dựa trên kí tự La tinh A, B, C. Với mục đích, sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thâm nhập và truyền giáo.
Với lí do chiến tranh kéo dài nhiều thế kỉ, người Chăm trở nên ít đi. Ngày nay, người Chăm là một tộc người thiểu số trong 54 tộc người, cư trú trên dải đất hình chữ, có tên gọi, Việt Nam.

Bối cảnh chung của người Chăm hôm nay

Bước vào bối cảnh lịch sử mới, cộng với cấp tập chủ trương, chính sách mới liên tục ra lò, Người Chăm gặp nhiều khó khăn để thích nghi và hòa nhập. Bên cạnh đó, còn nhiều chủ trương, chính sách, với mục đích chính trị, cũng gây khó khăn không kém trong tiến trình hội nhập, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người.  
Những chủ trương, chính sách với mục đích chính trị ấy, đã ngày càng phát huy tác dụng. Còn nhớ, năm 1858 khi người Pháp chính thức sang xâm chiếm An Nam, thắng lợi, họ đã sử dụng chính sách chia để trị, dùng người Việt trị người Việt và cả chính sách đồng hóa văn hóa. Trong chính sách đồng hóa văn hóa ấy, có đồng hóa tiếng nói-chữ viết và cả việc học văn hóa, lịch sử mẫu quốc. Để có công ăn việc làm ổn định trong bộ máy mới, không còn cách nào khác là buộc phải học ngôn ngữ khác, nói tiếng nói khác. Cút côi làm việc, kèm theo nhiều mặc cảm nhược tiểu.
Dĩ nhiên, theo thời gian, một bộ phận, sẽ dần dần mai một tâm hồn, bản sắc của chính mình, đánh mất gốc gác từ bao giờ không hay biết.

Có không nhiều người Chăm đã đi theo vết xe đổ?

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nhiều tộc người trên thế giới cũng cùng chung số phận đi theo vết xe đổ mà di sản lịch sử thực dân để lại. Bên cạnh số phận bi đát của những tộc người ấy, vẫn còn nhiều tộc người “giữ” được mình trước làn sóng hòa tan khó cưỡng chế. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, dân tộc Do Thái, đó là một dân tộc còn khó khăn, bi đát gấp bội phần. Riêng người Mĩ da đỏ, miếng bánh xâm thực quá ngọt lành, đã dìm đắm họ trong no say.
Hơn thập niên vừa qua, việc nhà nước đưa ra khẩu hiệu “xây dựng bản sắc văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thực chất có đem đến nhiều hiệu quả mà đồng bào mong muốn hay không? Nhiều cơ quan chuyên trách đã không làm hết mình, làm mang tính chất đối phó, làm cho có làm. Chính tinh thần trách nhiệm làm việc kiểu như vậy, vô hình chung đã gây mất tình cảm trong đồng bào. Từ đó, dẫn tới sắc thái tâm lí chung của đồng bào đối với nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước là đầy sắc thái.
Trở lại vấn nạn người Chăm của chúng ta, như đã nói ở trên, việc giữ mình trong một thế giới phẳng nói chung là khó khăn muôn vàn. Tinh thần dân tộc và ý thức bản sắc phải luôn được nuôi dưỡng, cập nhật hằng ngày, và phải liên tục trao dồi, thì may ra mới mong không hòa tan vào biển lớn. Chúng ta biết rõ những lợi ích mà biển lớn mang lại. Cũng như những nguy cơ tiềm ẩn mất mát từng phút từng giây, từ nó.
Vừa qua, ở nhiều cuộc cà phê “tiền hội thảo Chăm”, nhiều bạn sinh viên cũng như trí thức Chăm, đã mổ xẻ và day dứt mãi về vấn nạn người Chăm nói chuyện với nhau bằng “ngoại ngữ”. Nhiều bậc làm cha làm mẹ, lạ thật, lại cấm tiệt không cho con cái mình nói tiếng Chăm, mặc dù mình là người Chăm. Với những lí giải đầy dị đoan, ngây thơ và không khoa học rằng: nào là nói tiếng Chăm, con mình học hành không giỏi; nói tiếng Chăm sau này ra đời khó xin được việc làm tốt; nói tiếng Chăm sẽ bị bạn bè người Kinh coi thường,…
Vấn nạn này ngày càng phát triển rộng. Không chỉ trong tầng lớp lao động chân tay Chăm ta, mà giới trí thức Chăm cũng chung một giuộc. Cá biệt, có vị Đại biểu Quốc hội nọ, không thèm nói tiếng Chăm với chồng con mình cũng là Chăm. Vị ấy chỉ thích dùng “ngoại ngữ” để giao tiếp với người đồng tộc. 
 Được biết, vị đại biểu Quốc hội ấy, lại còn làm lãnh đạo của đông đảo học sinh- con em nhiều tộc người khác nữa. Ối dào, các em sẽ học tập gương vị ấy như thế nào nhỉ?
Nhiều lần người viết bài này thầm hỏi, "nếu lỡ những người bầu ra vị ấy hay tin này, chắc lòng họ sẽ tâm tư lắm?".
SG, 24.02.2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét