Lời nói đầu: Ngày thơ Việt Nam hai năm gần đây, càng ngày càng được dư luận quan tâm. Phương tiện truyền thông bao gồm báo hình, báo giấy, báo mạng là một trong những kênh quan trọng. Để có một cái nhìn, tạm gọi gần toàn cảnh, Đồng Chuông Tử xin tổng hợp những bài nổi cộm, chủ yếu là báo mạng thôi. Từ đó, các bạn có thể thử hình dung mức độ "hoành tráng" phần nào nhé.
Năm trước đây ...
Ngày thơ Việt Nam 2010: mọi nhà góp vui
TT - Không phải chỉ một mà ba ngày liên tiếp, từ 13 tháng giêng (26-2) đến Tết Nguyên tiêu (28-2), Ngày thơ VN năm 2010 hứa hẹn là ngày hội đông đủ sự góp mặt của các thành phần: địa phương, vùng miền, già trẻ...
|
Nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử (sinh năm 1980, dân tộc Chăm, hiện ở TP.HCM) - Poster: Nguyễn Trương Quý |
|
Nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật (1980), Tằng A Tài (1978) trên hình ảnh nền là phố cổ và phố cũ - Poster: Nguyễn Trương Quý |
Có khá nhiều nghi lễ lần lượt được tổ chức tại ngày thơ.
Lễ trọng
Ngày 14 tháng giêng (27-2) là lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến và các nhà văn, nhà thơ vừa qua đời. Những vần thơ bất hủ của Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật sẽ một lần nữa được sống lại trong ký ức của những người đã yêu thơ bằng trái tim và kỷ niệm.
Sáng ngày rằm (28-2), lễ rước lửa từ đền Thượng trong khu di tích vua Hùng (Phú Thọ) sẽ được cử hành với sự tham gia của chủ tịch Hội Nhà văn VN. Ngọn lửa sẽ dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long, sau đó được rước về trung tâm của ngày thơ là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cùng với lễ rước lửa là lễ rước chiếu dời đô của Thái Tổ Lý Công Uẩn như thường lệ.
Sau lễ rước lửa và rước chiếu dời đô, lễ khai mạc sẽ diễn ra với màn thả thơ ngoạn mục mà công chúng yêu thơ rất yêu thích qua nhiều năm.Để thơ được nghe rõ nhất và nhiều nhất
Sớm nhất trong khuôn khổ ngày thơ là "Ngày tôn vinh thơ dịch" diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nga từ ngày 13 tháng giêng (26-2). Các dịch giả thơ từ các ngôn ngữ khác nhau sẽ cùng trao đổi về kinh nghiệm dịch thơ, những bài thơ dịch nổi tiếng với người VN cũng sẽ được đọc tại ngày thơ dịch.
Tối 27-2, tại Cung văn hóa Hữu nghị là cuộc thi và trình diễn thơ của sinh viên bốn trường ÐH: ÐH Quốc gia, ÐH Văn hóa, ÐH Sư phạm và ÐH Thái Nguyên. Những bài thơ, những tiết mục trình diễn xuất sắc nhất sẽ được chọn tham gia trình diễn tại ngày hội chính thức.
Ðược chờ đợi nhiều nhất là cách sắp đặt và trình diễn tại sân thơ chính sáng ngày rằm (28-2). Năm nay, chủ đề của sân thơ chính là Vườn thơ trăm miền với 65 cây thơ của 63 tỉnh thành và hai cây thơ lớn nhất mang hai câu thơ nổi tiếng: Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Hoàng Cầm) - Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm (Chế Lan Viên).
Một góc sân thơ sẽ là nơi sắp đặt "thơ trên gốm sứ Bát Tràng" với những vần thơ tâm đắc được các nhà thơ lựa chọn và các nghệ nhân Bát Tràng thể hiện trên bát, đĩa, bình, bình phong... với chất liệu sành, gốm, sứ.
Khắc phục tình trạng mà nhiều nhà thơ phàn nàn các năm trước là có quá nhiều âm thanh điện tử của các hoạt động trình diễn che lấp mất tiếng đọc thơ, năm nay ban tổ chức đã bố trí để các hình thức đọc, ngâm, trình diễn thơ được thể hiện hợp lý, nhuần nhuyễn.
Tất cả thể loại thơ từ cổ thi, thơ dân gian, thơ Hồ Chí Minh, thơ hiện đại... đều được sắp xếp để được trình bày cho dễ nghe, dễ đọc nhất.
Sân thơ trẻ: mộc mạc nội dung, hiện đại hình thức
Diễn ra ngày 28-2 tại sân Thái học của Văn Miếu với chương trình mang tên Chuyển động của cảm giác, hình thức của sân thơ trẻ vẫn là bắt mắt nhất.
Các poster của sân thơ này vẫn do kiến trúc sư - nhà báo trẻ Nguyễn Trương Quý thể hiện như mọi năm. Mỗi poster của anh đều cố gắng phác những nét riêng nhất trong cá tính thơ của các bạn đồng nghiệp. Có bốn loại hình kiến trúc Hà Nội tiêu biểu được Trương Quý chọn làm nền cho các poster của mình (phục vụ chủ đề 1.000 năm Thăng Long của ngày thơ năm nay): phố cổ và phố cũ, phố Pháp, hồ Gươm và chung cư, khu đô thị mới.
Nội dung được lựa chọn trong sân thơ trẻ năm nay ngược lại khá mộc mạc và giản dị, các nhà thơ Ðồng Chuông Tử, Ðoàn Văn Mật, Tằng A Tài, Trần Trọng Nghĩa còn chưa kịp quen thuộc lắm với bạn đọc, trẻ nhất là cây bút học sinh Ðặng Chân Nhân (16 tuổi), vừa đi du học tại Anh.
Thơ thiếu nhi góp mặt
Từ Ngày thơ VN lần thứ 7 (2009), thơ thiếu nhi đã được góp mặt với hội thảo thơ với thiếu nhi hiện nay tổ chức tại nhà Thái học. Xuân năm nay, Hội Nhà văn VN cũng dành cho thiếu nhi tổ chức một sân thơ vào 14g ngày rằm Nguyên tiêu (28-2).
Lễ hội thơ thiếu nhi được mở đầu bằng lễ thả diều, cánh diều tuổi thơ VN sẽ bay lên cùng với câu thơ của nhà thơ Võ Quảng: Cả đất trời đang chờ đón (Ai dậy sớm). Các em học sinh Trường PTCS Thực nghiệm sẽ trình diễn những bài thơ hay cho thiếu nhi của các nhà thơ Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ...
Thơ thiếu nhi của nhà thơ Sergey Mikhalkov (với bản dịch của Thái Bá Tân) được các em rất mến mộ và thể hiện bằng những màn trình diễn sinh động. Bảy cây bút trẻ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội cùng nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý sẽ biểu diễn tặng thiếu nhi những bài thơ mới sáng tác.
Nhà thơ Trần Ðăng Khoa, "thần đồng" thơ, sẽ đọc chùm thơ về biển đảo được sáng tác khi anh là một chiến sĩ hải quân.
Nhà xuất bản Kim Ðồng đem đến lễ hội thơ món quà đẹp, đó là hai ấn phẩm đặc biệt tri ân hai nhà thơ viết cho thiếu nhi đã quá cố: nhà thơ Võ Quảng với tập thơ Anh Ðom Ðóm, nhà thơ Phạm Hổ với tập thơ Chú bò tìm bạn. Hai tập thơ này có phần minh họa là tranh vẽ của các em Câu lạc bộ nghệ thuật "Cốc, cốc, cốc".
VIỆT HOÀI (TTO)
“Thoả nhãn” với Ngày thơ Việt Nam 2010
(Dân trí) - Nô nức người thơ với khách thơ đến thưởng lãm Đại lễ hội thơ dưới mọi hình thức và góc độ tại Văn Miếu, Hà Nội trong buổi sáng ngày 28/2. Chưa khi nào, thơ Việt Nam được trình diễn phong phú, mới lạ và… “quái” đến thế!
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đón ngọn lửa thiêng từ tay nhà thơ Hữu Thỉnh thắp lên đài lửa ở sân Thái Miếu
Đại lễ hội thơ kỷ niệm1000 năm Thăng Long - Hà Nội được ủng hộ với thời tiết đẹp khá lý tưởng. 8 giờ 30, lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 mới bắt đầu nhưng từ 7 giờ 30 ngày Rằm tháng Giêng đã nườm nượp người xe đổ về Văn Miếu.
Khách thơ không chỉ là người có tuổi, người thân, sơ với các tác giả, nghệ sĩ như năm trước. Lượng bạn trẻ đến với thơ có vẻ mặn mà và háo hức hơn. Điều này được lý giải bởi sự chú trọng của Ban tổ chức khi “lôi kéo” sinh viên nhiều trường đại học cùng tham gia vào các hoạt động trước cũng như sau hội thơ. Thêm vào đó còn là sự ưu ái đặc biệt dành cho các gương mặt mới trên văn đàn thơ trẻ. Sức trẻ đã khuấy động phong trào và đem lại luồng gió mới cho ngày hội của ngôn từ.
Đông nghịt người đến xem tại sân Thái Miếu
Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh về qui mô hoành tráng, không lặp lại của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Sự mới lạ của triển lãm thơ trên gốm sứ, triển lãm vườn thơ trăm miền, trình diễn thơ, thơ sắp đặt…đã đem lại cho khách thơ nhiều rung cảm…
Tại sân Thái Miếu, lễ rước lửa Đền Hùng lần đầu tiên diễn ra trong Đại lễ hội thơ thật sự trang nghiêm. Ngọn lửa thiêng được nhà thơ Hữu Thỉnh rước vào sân thơ chính và trao cho Bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị thắp lên đài lửa. Sau lễ rước lửa, nhà thơ Hữu Thỉnh đọc lời khai mạc trước sự chứng kiến của vài nghìn người, bắt đầu một ngày thơ đẹp nhiều ý nghĩa của năm 2010.
Dàn trống hoành tráng khai mạc Đại lễ hội thơ
Tiết mục đọc Chiếu dời đô do nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện
Cũng như mọi năm, sân Nhà Thái Học luôn có sức hút với những ý tưởng thể hiện thơ trẻ không ngừng nghỉ. Nhà thơ Phan Huyền Thư xây dựng kịch bản như một phố thơ với góc thơ truyền thống, góc thơ trình diễn và góc thơ sắp đặt.
Trình bày, sắp đặt thơ là nét mới nhất của sân thơ trẻ dù lượng tác giả tham gia chỉ vỏn vẹn có 6 người: Lê Anh Hoài, Trần Nguyễn Anh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nhã Thuyên, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Anh Vũ. Tại đây thơ được sắp đặt trên nút bấm của bàn phím máy tính với nhiều dây điện và con chuột máy tính chạy loằng ngoằng; thơ viết trên hộp gỗ đen, trên xe máy và cả… dưới đất.
Nhà thơ Lê Anh Hoài chiếm vị trí “trung tâm chú ý” với phần sắp đặt chiếc xe máy phủ sơn trắng, có dán thơ và… đôi cánh thiên thần, bị “nhốt” trong chiếc lồng sắt. “Con người có rất nhiều nhu cầu cũng như các mối quan hệ nhưng luôn bị trói buộc, cũng như ý nghĩa thơ luôn bị ngôn từ trói buộc. Hình ảnh chiếc xe máy đang bay có thể tượng trưng cho con “chim thơ” muốn bay xa nhưng lại bị “lồng ngôn từ” cản trở…”, Lê Anh Hoài bộc bạch. Nhà thơ đầy ắp ý tưởng tâm sự, để thực hiện tác phẩm Nhu cầu anh đã bỏ ra 5 ngày trong xưởng rèn.
Nhà thơ Lê Anh Hoài bên tác phẩm thơ sắp đặt “Nhu cầu” của mình
Ngoài phần thơ sắp đặt, góc thơ trình diễn với sự góp mặt của các cây bút trẻ đến từ các trường đại học cũng được cổ vũ nhiệt liệt. Dù vẫn vắng bóng những cái tên “đình đám” một thời như Vi Thuỳ Linh, Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư… trên sân khấu nhưng sân thơ trẻ vẫn giữ được “lửa” nhờ sự mới lạ trong cách trình diễn và được đầu tư tốt hơn.
“Mấy năm nay, Ban tổ chức chủ trương dành sân thơ trẻ để tìm kiếm những cây bút triển vọng vì thế các gương mặt mới đặc biệt ưu tiên”, Trưởng BTC sân thơ trẻ, nhà thơ Trần Quang Quý cho biết. Ông cũng điểm vài gương mặt mới nổi bật như Đồng Chuông Tử, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Phan Quế Mai…
Dù đâu đó vẫn còn những lời than vãn về sự rườm rà, chưa chuẩn bị thấu đáo trong khâu tổ chức Ngày thơ Việt Nam: vườn thơ trăm miền thể hiện quá đơn điệu, triển lãm thơ trên gốm sứ còn cập rập, cẩu thả về câu chữ; vẫn còn đó cảnh chen lấn, xô đẩy với những hình ảnh đứng ngồi chưa đẹp mắt… Tuy nhiên, trong khuôn khổ một lễ hội không thể tránh được thiếu sót. Với sự nỗ lực dành mọi tâm huyết thực hiện một đại lễ hội thơ nhiều dấu ấn như thế này cũng đáng được cổ vũ!
Một số hình ảnh trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8:
Ngoài thơ, dân ca các miền cũng được trưng bày tại Ngày thơ Việt Nam
Không chỉ người già “say” thơ...
Mà người trẻ cũng mê mải…
Thơ trên xe máy
Và thơ… dưới đất!
Góc thơ trẻ với phần trình diễn đầy sáng tạo, biến hoá
Màn thả thơ bay bổng!
Bài và ảnh: Nguyễn Hằng
Và năm nay ...
Ngày thơ VN: Hà Nội thiếu điểm nhấn, TP HCM buồn tẻ
Trong Ngày thơ tại Văn Miếu, Hà Nội, sáng 17/2, sân thơ Hiện đại (sân thơ Trẻ mọi năm) vẫn được chờ đón nhất với nhiều gương mặt nổi bật và được công chúng biết đến như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Phan Quế Mai…
Sân thơ Hiện đại năm nay chọn cách đọc thơ truyền thống. Theo nhà thơ Phan Huyền Thư, nếu đọc thơ đơn thuần, không kết hợp trình diễn tức là đang dọn đường cho tiết tấu, giai điệu thơ có cơ hội bừng sáng.
Sự xuất hiện của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trên sân khấu đem lại màn trình diễn đúng nghĩa duy nhất tại Ngày thơ năm nay. Trong bài “Bất tận”, hai nghệ sĩ cùng “trốn” trong một tấm vải trắng đen rồi dần thoát ra và thực hiện nhiều động tác biểu cảm thể hiện ý tưởng của bài thơ. Đây cũng là tiết mục "đinh" của sân thơ Hiện đại.
|
Ảnh trái: Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trình diễn bài “Bất tận”. Ảnh phải: Một số nghệ sĩ hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn phụ trợ trong sân thơ Hiện đại, tuy nhiên chỉ có ý nghĩa gợi mở giữa các phần chứ không phải là minh họa cho bài thơ nào cả. Ảnh: Hoàng Hà/ Pham Mi Ly. |
Mặc dù vậy, năm nay công chúng dự sân thơ Hiện đại không đông bằng sân thơ Truyền thống, không kín đặc người đến nỗi không chen qua được.
Việc đổi tên sân thơ Trẻ thành sân thơ Hiện đại với ý định mở rộng đối tượng tham gia cũng không thoát khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”. Vẫn là những gương mặt của năm trước xuất hiện trở lại. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm nay không thấy có nhà thơ “lão tướng” nào như Dương Tường năm 2008, cũng không có tiết mục mới mẻ như màn
quấn giấy vệ sinh chép đầy thơ lên người như Dương Tường từng làm. Kiểu trình diễn như vậy có thể làm công chúng “choáng”, gây tranh cãi nhưng đó mới là cách gây hiệu ứng tốt.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trình diễn thơ cũng cần phải phong phú như thơ. Thơ có tứ tuyệt, lục bát, thơ tự do, thơ có vần, thơ không vần, trình diễn cũng cần mở rộng theo kịp. Sân thơ Hiện đại có nhà thơ Mai Văn Phấn, 56 tuổi, là gương mặt lớn tuổi nhất. Tuy nhiên, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, lứa tuổi nên đa dạng hơn nữa, có nhiều nhà thơ 60-70 hơn nữa. Bởi sân thơ Hiện đại dường như là nơi gánh trọng trách phá cách, tìm tòi, thể nghiệm cái mới trong trình diễn thơ.
|
Ảnh trên: Dịch giả Thúy Toàn (giữa) chụp ảnh cùng các em học sinh tại Văn Miếu (Hà Nội), trước mặt là các bản dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh ở hơn 10 thứ tiếng (Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Italy, Trung Quốc…) do ông dành cả đời để sưu tầm. Ảnh dưới: Ông Nguyễn Ngọc Căn, hội viên 68 tuổi của Hội Nhà văn Hà Nội, được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai biếu tập “Cởi gió” và ký tặng. Ông cho biết sẽ mang tập thơ này về cho người bạn Nguyễn Văn Vịnh, 65 tuổi, đang nằm viện nhiều năm nay vì bệnh hiểm nghèo với mong muốn “Biết đâu tập thơ này lại là nguồn động viên giúp bạn tôi mau khỏi bệnh”. Ảnh: Pham Mi Ly. |
Bên cạnh đó, sân thơ Thiếu nhi năm nay được Hội Nhà văn cho tổ chức tại hồ Văn, nằm phía bên kia đường Quốc Tử Giám nhìn từ cổng chính Văn Miếu. Tuy nhiên, không gian riêng và rộng hơn các năm không trở thành ưu thế mà lại tạo khó khăn cho đơn vị tổ chức là nhà xuất bản Kim Đồng. Theo họa sĩ Phạm Quang Vinh, giám đốc nhà xuất bản, vị trí của sân thơ Thiếu nhi khiến công chúng gặp bất lợi khi phải băng qua lòng đường chật ních xe cộ. Đường Quốc Tử Giám và các tuyến đường xung quanh khá đông đúc trong suốt buổi sáng 17/2. Nhiều người còn không biết có sân thơ Thiếu nhi bên ngoài hồ Văn vì tưởng rằng không gian Ngày thơ gói gọn trong khuôn khổ Văn Miếu.
“Chỉ riêng trong Văn Miếu thôi mà cũng đã quá rộng, các sân thơ cũng diễn ra đồng thời nên không thể theo dõi hết được” là lời than phiền của nhiều độc giả. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (tác giả cuốn Sát thủ online) cho rằng, cách tổ chức của Ngày thơ khiến công chúng buộc phải lựa chọn giữa các sân thơ, khó có thể tham quan toàn bộ.
Đúng như ý định ban đầu, Ngày thơ năm nay tại Hà Nội không có màn trình diễn gây sốc nào. Khá đáng tiếc là sự trầm lắng này diễn ra trong thời điểm công chúng bắt đầu chấp nhận phá cách và háo hức mong đợi phá cách khi tới dự Ngày thơ.
Tại TP HCM, việc thiếu các sân chơi sôi nổi, vắng độc giả, chương trình diễn ra theo trình tự đều đều khiến Ngày Thơ mang không khí lặng lẽ và kém ngẫu hứng.
Với chủ đề “Từ thành phố này người đã ra đi”, bám sát kỷ niệm 100 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011), Ngày Thơ lần IX tại TP HCM (diễn ra ở Bến Nhà Rồng, quận 4), mở đầu theo đúng khuôn nghi thức các năm trước. Tại sân khấu chính, sau bài phát biểu của ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, đúng 8h30, đại diện lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gióng những hồi trống mạnh mẽ, báo hiệu ngày của thi ca bắt đầu vào hội.
Các ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ như Cao Minh, Vân Khanh, Hồng Vân... lần lượt mang đến giây phút lắng đọng với màn hát, diễn ngâm bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung), Nam Quốc Sơn hà (Lý Thường Kiệt), Nguyên Tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh)...
9h, chương trình thơ - nhạc diễn ra với sự tham gia của nhiều gương mặt thi sĩ như: Trương Minh Nhựt, Lam Giang, Lê Tú Lệ, Từ Quốc Hoài, Trần Thị Khánh Hội, Tôn Nữ Thu Thủy... Cái nắng nóng chói chang, gay gắt của phương Nam khiến người dự dần thưa đi. Tuy vậy, vẫn có nhiều người kiên nhẫn chờ đến 10h30 thưởng thức phần giao lưu của Sân thơ trẻ.
|
Ảnh trên: Các gương mặt nhà thơ, nhà văn vừa được kết nạp vào Hội nhà văn TP HCM ra mắt trong Ngày Thơ. Ảnh dưới: Nhà ở quận Phú Nhuận, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi đón xe ôm đến Bến Nhà Rồng, quận 4 để không lỡ dịp thưởng thức không khí thơ ca. Ảnh: Anh Vân. |
Chương trình Thơ trẻ năm nay do nhà thơ Phan Hoàng và Ngô Thị Hạnh viết kịch bản. Dịp này, Hội Nhà văn TP HCM giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ trẻ vừa được kết nạp vào hội, gồm: Trương Gia Hòa, Song Phạm, Trần Hoàng Nhân, Lê Thùy Vân, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang. Sau màn ra mắt, nhà thơ Gia Hòa và Thùy Vân đã "đội nắng" để đọc cho mọi người thưởng thức sáng tác mới của mình.
Có nhiều ý kiến khác nhau về không khí Ngày Thơ TP HCM. Theo chị Hồ Khánh Vân, giảng viên bộ môn Lý luận và phê bình văn học ĐH KHXH&NV, Hội nhà văn TP cho thấy sự cố gắng khi tổ chức hoạt động thu hút mọi người về với cội nguồn thi ca, văn hóa dân tộc. "Tuy vậy, qua các lần tham dự, tôi thấy hình thức tổ chức còn quá cũ, chưa toát lên chất sáng tạo của lĩnh vực thi ca, chưa có nhiều tương tác giữa độc giả - tác phẩm - tác giả". Cùng ý kiến, nhà thơ trẻ Lê Thùy Vân cho rằng, qua vài năm tổ chức, Ngày thơ vẫn cho thấy sự buồn tẻ, bó buộc và thiếu bay bổng trong cảm xúc.
Ngược lại, thi sĩ Phan Hoàng cho rằng, có lẽ có một sự hiểu nhầm khi cho rằng sân chơi thơ trẻ nói riêng và ngày thơ nói chung ở Sài Gòn diễn ra không sôi động. "Theo tôi, sân Thơ trẻ TP HCM sẽ không bao giờ sôi động vì bản chất của sáng tạo thi ca là sự lặng lẽ, thầm lặng. Người trẻ ngày nay bộn bề công việc nhưng vẫn cố gắng sáng tác, ra thơ đều đặn. Đến với ngày thơ, họ vẫn giữ được tinh thần thi ca, tinh thần nhân văn là điều rất quý".
Ngoài chương trình sân khấu, độc giả có thể dạo bước quanh các gian thơ của 15 CLB thi ca tại TP HCM. Cách thức trình bày gian thơ không nhiều sáng tạo, vẫn hình ảnh tre nứa, giỏ thơ, cây thơ quen thuộc. Có lẽ, điều luôn tươi mới chính là tình cảm của con người dành cho thơ. Ngồi nép một góc riêng tại gian thơ CLB quận 4, nhà thơ Dạ Thảo đọc to cho người bạn già của mình là nhà thơ Thanh Sử nghe một bài lục bát. Rồi cả hai gật gù tâm đắc như để cảm nhận câu thơ mình vừa đọc thấm vào gió, nắng buổi sáng mùa xuân trên Bến Nhà Rồng.
Một góc khác, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi, thong thả ngắm nghía các cây thơ, thỉnh thoảng ông dừng chân lại để đọc một đôi câu đối, sáng tác trên bức mành thư pháp. "Tôi từng dự Ngày Thơ ở Văn Miếu, Hà Nội. Nói chung, ngoài ấy sôi nổi, rôm rả hơn ở đây. Nhưng với tôi, có một ngày thế này để còn nhớ đến thơ là vui rồi", cụ Tú Nguyên nói. Tuy vậy, một nhà thơ không nêu tên chia sẻ với chút ngậm ngùi: "Độc giả của thơ chẳng thấy đâu. Toàn người trong giới sáng tác vui với nhau thôi".
15h chiều nay (17/2), tại TP HCM tiếp tục diễn ra buổi giao lưu Câu lạc bộ Thơ với sự tham gia của 15 CLB Thơ trên toàn địa bàn. 18h, ngày của thi ca khép lại.
Pham Mi Ly - Anh Vân (evan.com.vn)