Giải bài toán Nhà văn hóa
Bộ tiêu chí quốc gia về NTM gồm 19 tiêu chí, sau 2 năm triển khai thực hiện điểm ở một số địa phương đã bộc lộ những bất cập trong đó có tiêu chí về văn hóa như: 100% thôn, ấp có Nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Từ năm 2002, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã tích cực triển khai xây dựng Nhà văn hóa với cơ chế hỗ trợ mỗi Nhà văn hóa xây mới 20 triệu đồng. Năm 2006, HĐND huyện đã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà văn hóa, mục tiêu đến năm 2010, 100% các thôn, làng, tổ dân phố có Nhà văn hóa. Đây là chủ trương đúng đắn nên được chính quyền và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện có 65/88 thôn, làng đã có Nhà văn hóa, đạt 73,8%. Nhiều xã như Liên Hồng, Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội... đã có 100% số thôn có Nhà văn hóa.
Tại xã Liên Hồng, năm 2006, 4/4 thôn của xã đã hoàn thành xây dựng Nhà văn hóa. Trong đó Nhà văn hóa thôn Hữu Cước và Thượng Trì, còn được đầu tư xây dựng khang trang với khoảng 600 triệu đồng mỗi cơ sở. Không chỉ có Nhà văn hóa thôn, ở xã Tân Hội mỗi cụm dân cư trong thôn cũng đã xây dựng được một Nhà văn hóa. Điển hình như thôn Hạ Hội có 6/6 Nhà văn hóa với quy mô, mỗi nhà rộng hơn 100m2. Cách đó không xa, thôn Đan Hội, xã Tân Lập cũng có 3/3 cụm dân cư có Nhà văn hóa.
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Đan Phượng, cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 60 - 70% thôn có Nhà văn hóa nhưng tỷ lệ đạt chuẩn còn rất thấp. Hầu hết các Nhà văn hóa chủ yếu chỉ để phục vụ hội họp chứ chưa phát huy hết hiệu quả. Đáng chú ý hơn, ở nhiều địa phương, Nhà văn hóa được xây dựng khang trang xong chỉ để vài tháng họp dân một lần, rồi lại đóng cửa. Trong khi đó, ở nông thôn đời sống văn hóa tinh thần của người dân còn rất thiếu thốn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao rất ít diễn ra.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà văn hóa đã đầu tư ra rồi thì phải trang bị kiến thức để quản lý, sử dụng, khai thác đúng tầm, đúng ý nghĩa công trình.
Còn cứng nhắc?
Theo thông tư Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn của Bộ VH- TT- DL do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh ký tháng 3/2011: Diện tích đất khu Nhà văn hóa đối với vùng đồng bằng từ 500 m2 trở lên, ở miền núi là 300 m2 trở lên; còn đối với khu thể thao, diện tích đất quy hoạch ở đồng bằng là 2.000 m2 trở lên và ở mien núi là 1.500 m2 trở lên.
Đối với quy mô xây dựng, quy định cho thấy hội trường Nhà văn hóa ở xã đồng bằng phải từ 100 chỗ ngồi trở lên và đối với miền núi từ 80 chỗ ngồi trở lên; sân tập thể thao đơn giản có 30 m2 trở lên, miền núi là 25 m2 trở lên; các công trình phụ trợ nhà văn hóa như khu thể thao, nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa, cổng, tường rào…phải có đủ với tổng diện tích từ 250 m2 trở lê đối với xã đồng bằng và 200 m2 đối với xã miền núi.
Đó là chưa kể, các nhà văn hóa đều phải được trang bị đầy đủ bộ trang âm (ti vi, loa, micro, ampli), bàn nghế phục vụ sinh hoạt, tủ sách, tranh ảnh tuyên truyền phục vụ thiếu nhi… Có một số nhạc cụ phổ thông, đủ các dụng cụ thể dục thể thao theo nhu cầu sử dụng. Mỗi Nhà văn hóa phải có cán bộ nghiệp vụ quản lý có trình độ sơ cấp trở lên.
Kết quả, các Nhà văn hóa phải thu hút được 50% dân số trở lên tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ đối với xã đồng bằng và 30% số dân trở lên ở các xã miền núi; Đối với hoạt động thể thao thường xuyên thu hút được 25% dân số trở lên đối với đồng bằng và 15% trở lên đối với miền núi…
Xây dựng các Nhà văn hóa, trung tâm thể thao là một nội dung rất thiết thực. Bởi lẽ, các vùng nông thôn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; văn hóa tinh thần còn nghèo nàn, đặc biệt là các thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa... Xây dựng Nhà văn hóa, sân chơi thể thao ở cơ sở sẽ đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong quần chúng, góp phần tạo không khí sôi động phục vụ các ngày lễ lớn và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại hội nghị sơ kết triển khai thí điểm Chương trình xây dựng NTM 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Trung ương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ VH - TT- DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Nhất thiết nông thôn phải có Nhà văn hóa, sân thể thao còn quy mô như thế nào không cứng nhắc. Ban Chỉ đạo quốc gia cần sớm nghiên cứu, tháo gỡ và tạo ra một số tiêu chí “mềm” trong bộ 19 tiêu chí đánh giá. |
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, một số tiêu chí cụ thể như: Nhà văn hóa, khu trung tâm thể thao… ở mỗi vùng miền có đặc thù khác nhau. Ở các xã đồng bằng, người dân thích bóng đá nên xây dựng sân đá bóng là hợp lý, nhưng ở miền núi không phải địa phương nào cũng cần. Hơn nữa, hiện nhiều Nhà văn hóa còn chưa phát huy hết công suất, hiệu quả, nếu xây dựng bề thế, sẽ tốn nguồn kinh phí lớn mà không quản lý được trở thành vấn đề nhức nhối.
Khu vực nông thôn Hà Nội có 401 xã, trong đó có 344 xã đồng bằng, 44 xã trung du và 13 xã miền núi. Toàn bộ vùng nông thôn chiếm tới 84,9% tổng diện tích và 61,3% tổng số dân của Thủ đô. Diện tích lớn, dân số đông nhưng thu nhập lại thấp. Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN- PTNT), cho biết: Trong Đề án xây dựng NTM của Hà Nội mới được UBND TP thông qua thì toàn TP hiện có 1.793 thôn có Nhà văn hóa (chiếm 83%), trong đó mới có 578 Nhà văn hóa đạt chuẩn (32%).
Không thể phủ nhận những năm gần đây, phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa đã đem lại cho các bản làng, khu phố có đời sống kinh tế, văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu xây dựng NTM, mọi thôn làng đều có Nhà văn hóa và khu thể thao quy mô lớn liệu có lãng phí?
Vân Đình (Nguồn: nongnghiep.vn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét