Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Nhà văn hoá cộng đồng ở Tây Nguyên: Đang bị lãng phí


                                                                                                             Nhà văn hóa cộng đồng ở Sa Thầy- Komtum (Ảnh Đ.B.T)
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Ngoài việc cho khôi phục lại nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian, hàng trăm nhà văn hoá cộng đồng (NVHCĐ) cũng đã được đầu tư xây dựng ở hầu khắp các buôn làng Tây Nguyên. Thế nhưng việc quản lý, sử dụng các NVHCĐ hiện nay còn rất lãng phí…
Tây Nguyên hiện nay, NVHCĐ thường được thiết kế làm theo 2 hình thức. Với Gia Lai, Kon Tum là những tỉnh có đông đảo đồng bào dân tộc, Gia Rai, Ba Na, Giẻ Triêng... thì nhà cộng đồng được mô phỏng hình thức nhà rông. Còn Đắc Lắc, Đắc Nông - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Ê Đê, M’nông sinh sống - nhà cộng đồng được mô phỏng theo hình thức nhà dài. Chỉ riêng Đắc Lắc, từ năm 2000 đến nay đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 540 NVHCĐ. Bình quân mỗi nhà cộng đồng được đầu tư từ 100 – 150 triệu đồng; tính chung, cả tỉnh đã đầu tư cho chương trình này trên 60 tỉ đồng. Nếu tính cả Tây Nguyên thì tổng số vốn đầu tư cho NVHCĐ lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho xây dựng NVHCĐ hàng trăm tỉ đồng, thể hiện Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Tây Nguyên, muốn tạo thêm những điều kiện thuận lợi để đồng bào tổ chức tốt hơn các sinh hoạt cộng đồng, khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá cổ truyền độc đáo, qua đó làm phong phú thêm nền văn hoá Việt Nam hôm nay...
Thế nhưng, việc quản lý, sử dụng các NVHCĐ hiện nay ở hầu hết các buôn làng đang rất lãng phí, hiệu quả thấp. Cái chung nhất: Hiện nay các NVHCĐ ở Tây Nguyên đơn giản chỉ là nơi họp làng, mỗi năm vài lần, rồi sau đó đóng cửa im thin thít, có nơi để trẻ em, thanh niên càn quấy tụ tập nghịch ngợm, có nơi để cho trâu bò nghỉ ngơi, thậm chí dê, chó leo vào sàn ỉa đái tự do. Việc quản lý NVHCĐ cũng khá tùy tiện, nơi giao cho trưởng làng, nơi giao cho già làng, nơi lại giao cho đoàn thanh niên... Hầu hết những người được giao quản lý NVHCĐ không có kiến thức về nghiệp vụ quản lý văn hoá ở cơ sở, không biết làm gì, tổ chức sinh hoạt như thế nào. Mặt khác, NVHCĐ cũng đang bị “rỗng ruột”, nhiều nơi chỉ được đầu tư cái “vỏ” (cái nhà không thôi), mà không có các thiết bị bên trong. Gần đây ở Đắc Lắc nhiều huyện, thành phố, thị xã đã đầu tư thêm cho NVHCĐ các thiết bị âm thanh, một số tranh, ảnh trang trí... đã phần nào làm cho NVHCĐ đỡ hiu quạnh hơn.
Tuy vậy, theo chúng tôi để phát huy được hiệu quả thiết thực của các NVHCĐ hiện nay ở Tây Nguyên, điều quan trọng nhất là phải đào tạo, bồi dưỡng được những cán bộ biết quản lý NVHCĐ ở cơ sở. Cách làm là, mỗi buôn làng chọn một vài thanh niên có trình độ, có năng khiếu và yêu thích hoạt động văn hoá gửi về huyện hoặc tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản, thiết thức nhất cho họ. Mỗi lớp mở ít nhất là ba tháng. Từ năng khiếu, lòng yêu thích và kiến thức đã được trang bị, cùng với một chế độ phụ cấp phù hợp, họ sẽ biết làm gì để các NVHCĐ hiện nay không lãng phí.
Đặng Bá Tiến (Nguồn: laodong.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét