Ngày 7.10 sắp tới là ngày giỗ của nhạc sĩ Tan Tu. Đồng Chuông Tử ở xa không ghé Sài Gòn dự được, nhưng trong lòng lúc nào cũng không nguôi tiếc nhớ thế hệ những người nhạc sĩ tài hoa, thế hệ của các bậc cha chú. Thế hệ luôn trăn trở, nặng lòng với cội nguồn, dân tộc và văn hóa Chăm. Ông đã về Mái nhà chung được vài năm rồi, nhưng các ca khúc mà ông sáng tác như Ikak tian ka anâk nao bac, Buei harung, Hajan mai,...thì đã luôn ở lại, bất tử với đời sống Chăm hôm nay và cả những thế hệ con cháu mai sau nữa,...
Di cảo của ông để lại không rõ nhiều hay ít, ai đang nâng niu, gìn giữ nó hay di cảo ấy tiếp tục hoang ở đâu đó trên xó xỉnh mặt đất tạm bợ này. Nhưng chẳng hề hấn gì. Những tâm tư, tình cảm ông đã trải lòng điếng đắng, chân tình và thống thiết, những bài hát ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, thế sự nhân tình, cảm xúc nghệ sĩ tinh tế trào dâng lúc sinh thời ấy,.. đã không ngớt gây xúc động nơi quê hương mặt trời luôn tỏa rạng, tinh khôi và đong đầy chính là xứ sở Chăm tràn trề tình yêu thương của chúng ta. Mùa Tagalau tím ngát, mùa ngân vang kiêu hãnh của tiếng trống Ginang, mùa của lễ hội tưởng nhớ vẫn còn nồng đượm, chứa chan, sâu lắng trong tâm hồn.
Ngày 23.10 này, các bạn sinh viên ở Bai Gaur tổ chức chương trình Lễ hội Ka Tê - Ramưwan 2011, trong đó, có ưu tiên các ca khúc của nhạc sĩ Tan Tu là một ý tưởng rất hay. Nhưng thử liếc qua danh mục bài hát về người nhạc sĩ tài hoa này trên các trang báo mạng Chăm mình xem, hình như mới chỉ được 03 bài, thậm ít quá không, các bạn. Và tôi tự hỏi lòng mình, không biết các bạn có biết sơ lược tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Tan Tu đáng kính của chúng ta không nhỉ?
Hằng năm cứ đúng ngày 7.10 tại tư gia anh Thi (0903103281)- con trai cố nhạc sĩ Tan Tu, ở gần cầu Thị Nghè - Sài Gòn, sẽ tổ chức lễ giỗ ông, các bạn có muốn chăng một lần bước chân vào thăm, tạ ơn, nghiêng mình trước di ảnh ông, một người Chăm nghệ sĩ thực thụ, thuần chất và vô cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét