Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Đồng Chuông Tử: Tôi thấy tôi viết tiểu thuyết cũng y hệt làm một bài thơ

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Nhà thơ, nhà báo Lí Đợi - Báo Thể thao &Văn hóa với Nhà thơ Đồng Chuông Tử. Bài này do Báo Sài Gòn Tiếp thị đặt hàng. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả dongchuongtu.blogspot.com.

Đồng Chuông Tử: Tôi thấy tôi viết tiểu thuyết cũng y hệt làm một bài thơ

Nhà thơ Lí Đợi: Sau hai tập thơ, được biết bạn đang viết tiểu thuyết, tại sao bạn có quyết định này ? - Tiểu thuyết này kể những điều gì, sẽ có tên là gì? Nó ấp ủ điều gì mà theo bạn là có thể chia sẻ được với độc giả?

Nhà thơ Đồng Chuông Tử: Đúng là sau hai tập thơ ra mắt công chúng có tín hiệu tốt lành, tôi đang thử sức với tiểu thuyết và viết sách về chân dung anh em văn nghệ sĩ khắp đất nước mà tôi quen thân. Chẳng gì hơn là để lưu dấu chút kỉ niệm “một thưở làm người”, nhỡ một mai tro bụi hoang phí vô ích. 

Thực ra làm gì chăng nữa, viết gì chăng nữa, với tôi cảm thức “thèm ăn”, thèm trải nghiệm luôn luôn hiện hữu thú vị và tràn ngập mới mẻ. Tôi không lập trình cảm xúc, ý tưởng mình bao giờ. Nếu tôi nghe lòng rạo rực thèm làm thơ, thì tôi làm thơ. Đọc sách thấy bật ra nhiều chi tiết mới thì tôi nối vào tiểu thuyết. Cảm giác trống vắng nhớ bạn bè, thì tôi lao vào vẽ chân dung họ bằng chữ nghĩa vậy thôi. Cuộc sống của tôi hoàn toàn xa lạ và không có khái niệm lập trình hay kế hoạch. Tuy nhiên, tôi tỏ tường về cách làm việc khoa học. Hiểu khoa học và làm cho có khoa học, với tôi khác nhiều người. Cũng xin bật mí với anh là bản thảo tập thơ thứ ba Giữa một thế giới vắng Thượng Đế của tôi, sắp khai sinh trong nay mai.

Tiểu thuyết của tôi vẫn đang còn chờ tôi hoàn thành. Có thể chỉ còn một khoảng thời gian nho nhỏ nữa thôi, nhưng chẳng ai dám nói trước được thời gian bao lâu nữa, nhất là với một tác phẩm văn học. Dĩ nhiên nội dung cuốn tiểu thuyết này xin phép chưa tiết lộ ở đây. Nhưng chắc chắn một điều tên cuốn tiểu thuyết trùng hợp một cách ngẫu nhiên với tên tập thơ thứ ba vừa nêu trên của tôi. Tôi không rõ cuốn tiểu thuyết đầu tay này chia sẻ được gì với độc giả cả. Nhưng nhiều lần trong ý niệm của tôi, Thượng Đế đã xuất hiện động viên, trấn an và gợi mở những sát na bất tử là có thật.

Nhà thơ Lí Đợi: Theo bạn, điểm chung giữa thơ và tiểu thuyết là gì? Hay hỏi khác đi, thơ để lại dấu ấn như thế nào trong tiểu thuyết của bạn? Hay là bạn có cách viết tiểu thuyết như thế nào?

Nhà thơ Đồng Chuông Tử: Điểm chung giữa thơ và tiểu thuyết: đó là sự tưởng tượng và khả năng mô phỏng lại một cách sáng tạo.
Việc phân định thể loại thơ và tiểu thuyết là một công việc khó khăn. Ai không chuyên môn thì nghĩ rằng dễ dàng, nhẹ nhõm. Nhưng xét cho cùng không phải vậy. Nếu chúng ta từng biết ngay cả Cervantes , (1547 –1616): tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch Tây Ban Nha, H.Fielding (1707 – 1754): nhà văn, nhà viết kịch người Anh và H.Melville, (1818 – 1891): nhà văn Mỹ, đều tự xem mình là nhà thơ. Thật vậy, các nhà phê bình đương thời đọc những tiểu thuyết lịch sử về Scotland của W.Scott (1771 – 1832): nhà văn và nhà thơ Scotland và gọi chúng là những bài thơ. Và chúng ta sẽ hoàn toàn đúng khi gọi Hemingway, Faulkner, Arthur Miller, Tennessee Williams là những nhà thơ.”.(Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn [2] Yếu tính của thơ, M.J.Adler (1900 – 2001). Học giả và tác giả người Mỹ, Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch).

Làm thơ hay viết tiểu thuyết hoặc giả làm bất cứ công việc nào khác cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên việc xuất thân từ thơ đem lại nhiều dị lạ và mơ mộng về hình ảnh và ý tưởng, ngôn ngữ và cảm xúc lẫn hệ thống và cấu trúc hơn những xuất thân khác. Dấu ấn thơ trong tiểu thuyết của tôi không thể nào là không có, quan trọng là độc giả sẽ thấy nó đậm hay nhạt mà thôi. Cách viết tiểu thuyết của tôi cũng vậy, hình như nó có bố cục của một bài thơ dài, hay trường ca thế sự gì đó. Tôi cũng không biết nữa, vì tôi thấy tôi viết tiểu thuyết cũng y hệt làm một bài thơ.

Nhà thơ Lí Đợi: Văn học có địa vị hay ý nghĩa như thế nào với một người gốc Chăm sống bên lề như bạn?

Nhà thơ Đồng Chuông Tử: Dĩ nhiên văn học có một ý nghĩa vô cùng đối với một tác giả người Chăm hoạt động văn chương, không riêng một ai cả. Thời gian gần đây, một vài tác giả người Chăm xuất hiện trên văn đàn Việt là một dấu hiệu vui. Nhu cầu hội nhập cấp độ quốc gia và thế giới dần được thích ứng, nhưng mới chỉ là bước đầu. Trong tình hình bản sắc văn hóa tộc người ngày càng mai một và nguy cơ ngôn ngữ đang vào mùa ú ớ, văn chương Việt là một kênh mở cho các tác giả người Chăm. Còn kênh ấy mở đến đâu còn tùy vào nhiều thứ, trong đó có ý thức “ngộ đạo” của họ.

Việc lựa chọn thái độ sống và viết ảnh hưởng lớn đến trục nhìn, phong thái và màu sắc ngôn ngữ. Lắm khi ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm và tâm trạng đón nhận tác phẩm của độc giả nữa. Nhưng ngày nay, tôi lấy làm hi vọng vì sự tiếp nhận đa dạng, nhu cầu tìm kiếm những tác phẩm chân chính thật sự của họ - một lớp độc giả mới dần hình thành thông qua thế giới công nghệ, sẵn sàng truy vấn, săn lùng những tác phẩm có hàm lượng sự thật to lớn. Điều đó khích lệ sự dấn thân và tinh thần quả cảm của tôi trước hiện tình u u minh minh của một tộc người lưu lạc, khó khăn ngay chính tổ quốc mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét