Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

VỀ MỘT GIẢI THƯỞNG VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG

                                                                                         HOÀNG MINH TUẤN

Không phải là hội viên Hội VHNT Bình Thuận, nhưng là chủ một quán cà phê nhỏ, tôi may mắn nắm nhiều thông tin về tổ chức hội từ những anh em văn nghệ sĩ, nhà báo đến uống cà phê và tán chuyện. Dạo này thông tin “nóng bỏng” nhất thuộc về chủ đề “Giải thưởng văn nghệ Dục Thanh”...


TỒN TẠI NHỮNG BẤT CẬP

Đây là một giải thưởng nghệ thuật, được UBND tỉnh trao cho những nghệ sĩ có tác phẩm ở các bộ môn thuộc về nghệ thuật trong tỉnh, qua thời gian 5 năm, và qua công đoạn xét duyệt của Hội đồng chấm thi cấp tỉnh và trung ương (thông thường là nhờ các nhà văn, nhạc sĩ... ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi chấm sơ khảo ở tỉnh). Qua quá trình sáng tạo, anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, thường rất tự hào khi được trao giải.
Ở mỗi lần trao giải, tiếng “xầm xì” nhiều nhất thuộc về lĩnh vực văn học. Trước tiên là những qui định hơi “kỳ cục”, như tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, hồi ký...được xếp chung...một thể loại để xét giải thưởng. Về mặt kiến thức, ai cũng biết có sự khác biệt rất lớn ở các thể loại trên, nếu một tập truyện ngắn được trao giải A, và một tập hồi ký được trao giải B, hội đồng chấm thi nào dám khẳng định tập hội ký dỡ hơn, tập truyện ngắn “giá trị” hơn. Bởi vì tính giá trị ở mỗi thể loại vốn đã khác nhau, không thể cào bằng để chấm giải chung được. (Lần trao giải thưởng văn học Dục Thanh trước, tác giả truyện ngắn được giải B, hồi ký được giải C?).
Qui định đã “kỳ”, cách làm càng kỳ cục hơn, qua lời “xầm xì” của anh em văn nghệ sĩ, họ nói nhiều về nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, một người con của quê hương Bình Thuận và thơ của anh được sự thán phục với nhiều người yêu thơ trong nước lẫn người Việt ở nước ngoài, nhưng chưa một lần được tỉnh trao giải thưởng Dục Thanh, lý do là vì anh không nộp tác phẩm dự thi (giải Dục Thanh cách đây 10 năm, nhà văn Nam Hà không hề dự thi nhưng hội vẫn đưa tác phẩm vào và được giải cao nhất). Một chuyện “kỳ” khác là có nhà văn đã qua vòng sơ khảo và được hội đồng chấm thi thành phố xét được giải, nhưng về tỉnh lại không được trao giải. Đó là trường hợp của 2 tác giả Đinh Đình Chiến (Đức Linh) và Huỳnh Hải Âu (Phan Thiết). Lí do hội nêu ra là “tỉnh qui định chỉ có 3 giải mà hội đồng chấm tới 4 giải”. Cách giải quyết của hội là mời một số lãnh đạo, trong có những người là giám đốc này nọ và chắc chắn chưa từng đọc tác phẩm của anh em, đến cơ quan hội và dơ tay biểu quyết để ... loại một người.
Chuyện kì cục mà anh em cho là tồn tại lớn nhất là cách làm không minh bạch của hội VHNT tỉnh. Mỗi lần có kết quả chấm giải của hội đồng chấm thi gởi về, ông Chủ tịch hội cất vào tủ sau đó chỉ đạo văn phòng thảo quyết định, không ai biết được kết quả chấm thi thực sự (ngay cả cán bộ hội). Một lĩnh vực mang tính nhân văn cao như thế mà cách làm thiếu ngay thẳng thì thật đang buồn cho anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

NỐI TIẾP NHỮNG KÌ CỤC

Giải thưởng Dục Thanh lần này (sẽ trao vào dịp lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác). Cơ quan hội VHNT tỉnh có sự thay đổi người giữ chức Chủ tịch hội. Cách tổ chức chấm giải vẫn như cũ, nhưng có điều kì cục đến kinh ngạc là có 4 thành viên trong hội đồng chấm giải (vòng sơ khảo) lại nộp tác phẩm dự thi và có 3 người được giải cao, trong đó có vị Chủ tịch hội? Tôi rất yêu thích thơ văn và vốn tôn trọng những người viết, vì đa số đều nghèo nhưng vẫn tự hào vì cái “sĩ”. Cá nhân tôi thấy ở Bình Thuận có 3 nhà văn thuộc bậc đàn anh và có bề dày trong sáng tác đó là nhà văn Lê Nguyên Ngữ, và 2 nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng (đã mất). Khác biệt là nhà văn Lê Nguyên Ngữ đã 3 lần được trao giải thưởng Dục Thanh nhưng thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn thi chưa một lần dự thi.
Và cả nhà thơ Từ Thế Mộng vẫn không được những người quản lý Hội Văn nghệ quan tâm đối với tập thơ của anh.

CẦN CÓ NHỮNG THAY ĐỔI

Lần này có một số nhà văn trong tỉnh không nộp tác phẩm dự thi như nhà văn Nguyễn Hiệp, Kim Bằng...Theo “xầm xì” ở quán cà phê thì họ không tin tưởng lắm vào tính khách quan của những người được giao nhiệm vụ tuyển chọn. Thực tế, cơ quan cao nhất là UBND tỉnh không hề có lỗi vì những chuyện kì cục nêu trên, đơn vị có lỗi là cơ quan hội VHNT tỉnh, vì đây là vấn đề chuyên môn, tỉnh giao cho hội tham mưu về điều lệ và tổ chức chấm giải, ở Bình Thuận không có chuyện kiện tụng ì xèo như ở các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa (về giải thưởng tương tự) nên tỉnh không biết dư luận nghĩ gì. Tại sao hội không tham mưu cho tỉnh nên có giải thưởng riêng biệt cho các thể loại hồi ký,biên khảo, truyện, tuồng cải lương. Thực tế, ở Bình Thuận tác phẩm về các thể loại này không đủ để dự thi, cách giải quyết hợp tình là nên có một giải thưởng khuyến khích cho thể loại này để động viên sáng tác.
Tại sao hội không trao bản phô tô kết quả chấm giải cuối cùng của hội đồng chấm giải và gởi kèm theo quyết định nhận giải đến người được giải để công khai và minh bạch? Tại sao hội không đề nghị tỉnh trao một giải đặc biệt cho người xứng đáng như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn? Và nếu trường hợp kết quả chấm giải không phù hợp với số lượng giải và số tiền đã qui định thì tại sao hội không gởi công văn đến các chi hội để các hội viện thuộc phân hội đó biểu quyết mà lại nhờ những người không có chuyên môn đên giơ tay?
Và cuối cùng, để giải thương Dục Thanh bớt “điều ra tiếng vào” hội không nên để tình trạng có người vừa mang trách nhiệm chấm thi, vừa dự thi. Một nhạc công không thể vừa đánh trống, vừa thổi kèn được.
_________________________________________
Thông tin từ báo Bình Thuận Online cho biết:
Chiều 9/5, tại phòng họp UBND tỉnh, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả tổ chức thực hiện “Giải văn nghệ Dục Thanh” lần thứ IV – năm 2011.
Căn cứ vào biên bản của Hội đồng Ban Giám khảo, Hội đồng nghệ thuật các chuyên ngành Hội văn học nghệ thuật tỉnh và Ban tổ chức giải, đề nghị tặng “Giải thưởng văn nghệ Dục Thanh” lần thứ IV năm 2011 cho 14 tác phẩm, bao gồm: 1 giải A, 6 giải B, 7 giải C. Ngoài ra còn có 14 tác phẩm khác được nhận tặng thưởng và tặng phẩm.
Riêng chuyên ngành Âm nhạc đến nay vẫn chưa xác định được tác giả, tác phẩm đạt giải vì đang chờ Hội đồng chuyên ngành Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh thống nhất kết quả. Lễ trao giải được tổ chức vào sáng 19/5/2011.
(Theo hoangminhtuan.blogtiengviet.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét