Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

LẦN ĐẦU VÀ LÀ LẦN CUỐI VỚI PHẠM QUANG TRUNG

                                                                               Inrasara

Tìm hiểu Hàng mã ký ức với Inrasara
Ảnh V.Q.


LTS: Tạp chí Nhà văn, số 6/2011, có bài "Đối thoại cùng Inrasara" của Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Quang Trung (sau đây viết tắt là PQT). Bài viết ấy thể hiện quan điểm riêng của tác giả PQT, được T/c Nhà văn cho đăng vào tháng 5/2011 và có lời mào đầu trên tinh thần sẵn sàng đối thoại, phản biện. Trên tinh thần đó, Nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara đã có bài "đối thoại ngược trở lại" với PQT, gửi qua email của Đồng Chuông Tử (ĐCT). Nhân đây, ĐCT mạn phép nhà thơ Inrasara công bố bài trên lên blog của mình). Không rõ sau bài hồi âm của "ngôi sao thơ Inrasara", ngài phó giáo sư, tiến sĩ có sẵn sàng "nã đạn" tiếp hay không. Dongchuongtu.blogspot.com mời độc giả đón theo dõi trên tinh thần mà T/c Nhà văn đã "quy hoạch".


Về bài "Đối thoại cùng Inrasara" của Phạm Quang Trung, tạp chí Nhà văn, số 6, 2011
Và khác…

Tạm bỏ qua một bên lối kể lê thê với những tôi quen anh nhà văn này ở đâu, biết chị nhà thơ nọ thế nào, là căn bệnh mà người trong giới gọi là phê bình giai thoại hay phê bình độn giai thoại; cũng nên gạt sang bên việc đồng hóa sự thể nhà thơ phơi bày tình trạng "hư hỏng, nổi loạn và bất trị" với thái độ vô trách nhiệm của chính nhà thơ mà PQT đã gán cho Tuệ Nguyên, lối phê bình được định danh là phê bình chỉ điểm; riêng kiểu phê bình vuốt ve xoa bóp [để làm gì không biết] thì càng phải dứt khoát loại bỏ; và cuối cùng nên quên đi các "diễn ngôn" ý hướng quy chụp có mặt rải rác khắp các trang viết của PQT - ở đây, chỉ khi học nói lên sự thật, người làm phê bình mới mong vỡ được vài khoảng tối còn khuất lấp của vấn đề, từ đó mới mong tiếp nhận được cái gì đó đáng giá.

1. Cũ và mới
 - Bản sắc cũ. Làm nghiên cứu văn hóa dân tộc, tôi không thể không biết đến các tác giả như Triều Ân, Nông Quốc Chấn,… đã làm được những gì cho văn hóa và văn học Tày; tôi càng không thể không đọc qua các công trình của tác giả Pháp, nhà nghiên cứu Việt, Viện Văn hóa Dân gian,… về văn hóa và văn học các dân tộc Tây Nguyên.
Về Chăm, - không khác các dân tộc Tày, Êđê, Bana… - trước thập niên 90 của thế kỉ XX, thành tựu về văn hóa, tôn giáo, lịch sử, văn học,… cũng rất đáng kể. Để rồi từ các công trình nền tảng kia, cộng đồng này mới có được bộ Văn học Chăm, khái luận - văn tuyển (1994-1995) 3 tập non ngàn trang. Các chuyên gia xem đó là "công trình có giá trị lớn về mặt khoa học" (F.B. Lafont), "công trình đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có" (Bùi Khánh Thế). CHCPI thuộc Đại học Sorbonne, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cũng đã đóng dấu xác nhận. Tiếc là đến hôm nay, giới nghiên cứu chưa có tác phẩm như thế về các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam. Không nói chuyện hay dở, mà là "tổng hợp" mang tính văn học sử. Nếu PQT biết ở đâu đó, làm ơn chỉ giùm cho tôi.
Hỏi chớ giả sử một mai PQT là người quản lí văn hóa thuộc cấp cao nhất, ông có mong tổ chức để biên soạn tác phẩm đó không? Hay ít ra, khuyến khích một cuốn khảo luận như thế ra đời không?

- Sáng tạo mới. Nhận diện và bảo lưu bản sắc cũ chưa đủ, cần sáng tạo cái mới. Đâu là nơi chốn để cây bút các dân tộc thiểu số còn vô danh đăng sáng tác mới? Tạp chí Văn hóa các Dân tộc không đáp ứng đủ đầy nhu cầu kia. Từ đòi hỏi thực tế trên, tôi và một số trí thức Chăm mới cho ra đặc san Tagalau - Tuyển tập sáng tác - phê bình - nghiên cứu Chăm. May mắn, nó đã sống sót đầy "nhọc nhằn và kiêu hãnh" suốt mười một năm. Nó chấp nhận làm đất cho cỏ mọc, qua đó nhiều khuôn mặt trẻ xuất hiện và thể hiện.
Nếu PQT là cây bút dân tộc, ông có mong dân tộc mình sở hữu đặc san như thế không?

Viết bài tiểu luận, tôi viết với tư cách người làm nghiên cứu, chứ không lag người làm thơ.
Tôi nêu hai KHÁC BIỆT của Chăm, là điều chưa có ở dân tộc thiểu số khác, tôi dẫn đoạn ngắn Luận văn Thạc sĩ bàn về một khía cạnh nhỏ trong thơ Inrasara để minh họa cho luận chứng, để PQT cho Inrasara tự nghiên cứu mình! Với tư cách người viết nghiên cứu, nếu tác giả bộ Văn học Chăm (đầu tiên) là ai khác, hay ai đó chủ biên Tagalau (duy nhất) hoặc ai kia là nhà thơ đương đại đầu tiên của Chăm sáng tác bằng tiếng Việt, tôi có được phép loại tên hắn ra không?
Cuốn tổng luận "đầu tiên" và đặc san "duy nhất" ấy là điều thiết yếu cho "tiếp thu và sáng tạo" ở hôm nay, nhất là với các cây bút dân tộc thiểu số mà điều kiện và môi trường [sống và viết] còn nhiều hạn chế. Nó cần được nói lên không mục đích nào khác hơn là kích thích các dân tộc thiểu số khác nỗ lực làm ra tác phẩm nghiên cứu mang tính tổng hợp về văn học dân tộc. Cùng thao tác đó, tiểu luận “Cần Tập san cho Dân tộc thiểu số” (báo Thơ, số 23, 2005) không dành riêng cho Chăm mà nói lên cho tất cả.
Bởi khi hai điều kiện tối thiểu kia đã được sẵn sàng, thế hệ đi sau mới đỡ tốn công mày mò "tổng hợp" [như tôi đã] hay mỏi mòn chờ chực cổng tòa soạn [quá nhỏ hẹp] mà dành hết tâm lực dấn mình trên con đường khó nhọc đầy bất trắc của sáng tạo.

2. Hay và khác
- PQT cho tôi chỉ ca ngợi mỗi dân tộc mình, - sai to! Với thế hệ nhà thơ dân tộc thiểu số cùng thời, tôi đã dành nhiều bài phân tích, phê bình. Đáng kể nhất là “Quên lí thuyết đi để đọc thơ Dương Thuấn” (Talawas, 23-8-2004). Còn thế hệ sau, tôi cũng đã nhiều lần giới thiệu ở các diễn đàn khác nhau. Ở đó bài trả lời phỏng vấn “Văn học Việt Nam: Cần một sự bứt phá về tư tưởng” (Khánh Đoàn thực hiện, báo Điện tử Tổ quốc, 30-1-2008) và tiểu luận “Cái đẹp của thơ dân tộc thiểu số” (báo Người Đại biểu Nhân dân, 17-5-2010) là khá tiêu biểu.
Còn về thơ trẻ Chăm, bên cạnh ghi nhận phần đóng góp còn khiêm tốn của họ, tôi không quên chỉ ra mấy bất cập, học đòi. Rải rác trong nhiều bài viết và trả lời phỏng vấn. Chứ tôi chưa bao giờ nói bất kì đâu họ "hơn hẳn" dân tộc khác cả.

- Tiểu luận "Lặn sâu vào dân tộc để sáng tạo cái mới" (tạp chí Nhà văn, số 5, 2011) chủ yếu nêu lên sự khác biệt của thơ trẻ Chăm so với thơ trẻ dân tộc thiểu số khác. Tôi không dại dột cho rằng nó "hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác", như PQT cố tình xuyên tạc. PQT biết điều đó. Ông đã dẫn ngay phần đầu bài "trao đổi" nguyên văn của tôi: "Vấn đề là cái KHÁC". Toàn bài, tôi lặp lại "khác", "khác biệt" nhiều lần, mà chưa một lần dùng từ HAY "hơn hẳn".
Đâu là khác biệt? Thử nêu hai bạn trẻ tiêu biểu: Jalau Anưk và Tuệ Nguyên (tiêu biểu chưa hẳn là hay nhất), để lần nữa tóm gọn mấy khác biệt:

Thể thơ. Đa phần thơ Jalau Anưk và Tuệ Nguyên làm theo thể tự do không vần/ nhịp chỏi, câu cú dài ngoằng với cấu trúc phức hợp.
Đề tài. Cứ liệt kê và đối chiếu tên 30 bài thơ của Jalau Anưk với Bùi Tuyết Mai, Tuệ Nguyên với Hoàng Chiến Thắng, cũng đủ thấy.
Ngôn ngữ và thi ảnh, hai bạn trẻ Chăm đã tạo nên sự khác biệt rất rõ.
Thủ pháp, tôi chọn thủ pháp so sánh dễ nhận hơn cả. Ở đây, thơ trẻ Chăm cũng khác. Sẵn chi tiết rất đắc qua phân tích đầy tính thuyết phục trong Luận văn Thạc sĩ của Võ Thị Hạnh Thủy về thơ Inrasara, tôi trích ra để minh họa. Ví thao tác này khiến PQT bức xúc thì đó không thuộc trách nhiệm của tôi. Cũng như việc ông "xin thú thật nghĩ mãi mà tôi mới hiểu mang máng cụm từ này ("giai độ địa cầu") của anh", tôi càng không chịu trách nhiệm; bởi "giai độ địa cầu" là cụm từ do Bùi Giáng dịch hiérarchie du monde của  René Char, tôi đọc và hiểu ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên thuở Trung học.
Tất cả bốn khác biệt trên xuất phát từ cảm thức khác của nhà thơ trẻ Chăm. Đậm nổi trong thơ họ là cái nhìn phản biện xã hội, lắm lúc cười nhạo chính mình. Đó là khác biệt thứ năm.
Từ cảm thức mới kia dẫn họ đến khác biệt thứ sáu (chưa là cuối cùng): cách xuất hiện. Jalau Anưk chỉ xuất hiện trên internet: Vanchuongviet, Tienve, Inrasara.comTagalau. Tuệ Nguyên theo bốn cách: internet, in chính thống, trình diễn thơ và in photocopy. Họ chọn cách này không phải do điều kiện khách quan, mà là do chính quan niệm. Tôi không khen chê về cách xuất hiện này, mà chỉ ghi nhận đó là cách xuất hiện đầy tính phi tâm hóa của hậu hiện đại, mà chưa một khuôn mặt trẻ dân tộc thiểu số nào hành xử như thế.

Ngoài so sánh thơ trẻ Chăm với thơ trẻ dân tộc thiểu số khác, tôi còn so sánh thơ người Kinh sống ở Tây Nguyên (tiêu biểu là Lê Vĩnh Tài và Đinh Thị Như Thúy) với nhà thơ người Kinh ở vùng dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc, để bật ra sự khác biệt (xem: Inrasara, "Nhập cuộc về hướng mở", tham luận tại Hội thảo khoa học Văn học, nghệ thuật với hiện thực đất nước hôm nay, của Hội đồng Lí luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Đà Lạt, 12-7-2010).

3. Cuối cùng là hậu hiện đại. Tôi chưa hề tự nhận là tín đồ hậu hiện đại, còn ai cho tôi "tôn sùng" hậu hiện đại thì đó là vấn đề của họ. Tôi là kẻ hết mình dấn vào phê bình văn chương hậu hiện đại [đang diễn ra] như là cách "lập biên bản" không bỏ sót trào lưu hay hiện tượng văn học nào ở thời hiện tại, trong đó có sáng tác hậu hiện đại. Một thái độ công bằng ý hướng tạo sự công bằng cho mọi trào lưu văn chương nảy nở và phát triển công bằng. Tôi lặp đi lặp lại qua các bài viết khác nhau rằng, hậu hiện đại không phải hay hơn hiện đại, cũng như siêu thực không tiến bộ hơn hiện thực, tượng trưng không danh giá hơn lãng mạn,… mà là sự khác biệt. Chúng là thành quả của các trí tuệ sáng chói nhất trong lịch sử nhân loại đã cống hiến cho ta cách nhìn mới và khác về hiện thực, qua đó làm phong phú cuộc sống tinh thần của con người.
Từ chối nó mới là dại dột.

Sài Gòn, 23-6-2011

*
Viết thêm
I. Trước đây, Phó giáo sư tiến sĩ PQT đã có hai bài phê bình chỉ điểm tôi. Riêng bài phê bình mới nhất này, PQT nêu ra 4 ý chính rất rõ rệt. Quan niệm về hay, đẹp trong thơ khác nhau giữa tôi và ông, xin hãy bỏ qua. Có bàn đến tận thế cũng không xong. Tôi bàn về 3 ý sau:

1. Khắp bài báo, ông luôn có ý quy chụp rằng Inrasara cho cái gì của Chăm cũng nhất. Sau đây là đoạn ông nhấn:
"các cây bút trẻ Chăm theo Inrasara, "đa dạng và đa diện, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát", và cố nhiên, hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác".
- "Cố nhiên", là chữ ông Trung suy luận, suy diễn thành… (in nghiêng). Các chữ in nghiêng là ông PQT thêm vào, chứ tôi không dại dột viết câu văn có ý đó.

2. Với một cây bút trẻ Tuệ Nguyên, ông không chừa tánh "phê bình chỉ điểm".
Trong một bài thơ, Tuệ Nguyên viết về thế hệ trẻ Chăm nói độn tiếng Việt, mấy đám trẻ Chăm học đòi:
những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị
những đứa con yêu cuồng dại tự do

Viết thế, Tuệ Nguyên miêu tả thế hệ Chăm hiện nay. Đúng sai không bàn.
Vậy mà ông Trung đã quy chụp thành: "Chẳng lẽ trách nhiệm xã hội ở người cầm bút  bị tiêu tan trong sự sáng tạo được coi là vô bờ? Nhất là đối với những nhà văn, nhà thơ trẻ?".
Đồng bào nào có hiểu nổi ông Trung muốn gì không?

3. Ông viết Inrasara "nghiên cứu chính mình".
Khi tôi nêu tên Tagalau là đặc san duy nhất của riêng dân tộc thiểu số trong 53 dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay, khi tôi nêu bộ Văn học Chăm, Khái luận - văn tuyển, là sách khảo luận và tổng hợp riêng về văn học dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất (đến hôm nay) trong 53 dân tộc thiểu số Việt Nam, khi tôi tạm mượn đoạn văn rất đặc trưng của một Thạc sĩ về thủ pháp so sánh trong thơ Inrasara để đối chiếu làm rõ vấn đề đang bàn, - ông Trung cho Inrasara "tự nghiên cứu mình"?
Lạ ghê đấy. Riêng về lĩnh vực thơ, 7 Luận văn Thạc sĩ (trong đó có một của nước ngoài) cùng non 20 khóa luận Cử nhân khác, đó là chưa kể hơn trăm bài báo khác "nghiên cứu" về tôi không đủ sao, tại sao tôi lại nhọc công đi "tự nghiên cứu"?
Càng không hiểu nổi ông Trung muốn gì nữa!

II. Nhận định về lối phê bình của phó giáo sư tiến sĩ Phạm Quang Trung, để đảm bảo tính KHÁCH QUAN, kính mời quý độc giả thưởng thức bài viết sau của Nguyễn Tôn Hiệt, trên Talawas.org, 19.9.2008, bài:
"Nên định nghĩa tư cách cầm bút của ông Phạm Quang Trung như thế nào cho đúng?":
 
Bài viết "Phác thảo lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại thế kỷ XX" của Phạm Quang Trung kỳ thực chỉ là bản viết lại có sửa chữa và bổ sung từ bài “Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại” của chính Phạm Quang Trung đã công bố trên Vanchuongviet.org ngày 7.6.2008.

Cùng ngày 7.6.2008, Inrasara có đáp lại Phạm Quang Trung trên Vanchuongviet.org với bài “Như thể một phương tiện thiện xảo(*)”, và ngày 8.6.2008 trên Tienve.org với bài “Về một lối phê bình chỉ điểm”, trong đó Inrasara đã vạch ra nhiều điểm đáng chê trách trong bài của Phạm Quang Trung.
Sau đó, Phạm Quang Trung đã lẳng lặng tiếp thu một số ý của Inrasara để sửa chữa và bổ sung bài viết của ông, nhưng không một lời cảm ơn Inrasara, và biến bài ấy thành bài "Phác thảo lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại thế kỷ XX".

Ở đây, tôi chỉ mời độc giả so sánh sự biến thái trong một đoạn văn của Phạm Quang Trung trước và sau khi bị Inrasara phản công. Tôi xin tô đậm những chỗ đáng lưu ý.

... nổi bật và tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Hưng Quốc, và sau đó là Hoàng Ngọc-Tuấn. Họ đều định cư ở Úc, có quan hệ cá nhân gần gũi, thân thiết. Các tập sách lý luận thuần khiết hầu như không có, thường xen cảm quan phê bình. Nhưng xét về chủ định cũng như về ý nghĩa khách quan thì ba tập sách sau đây có thể xem là những công trình lý thuyết đích thực:
Thơ, v.v… và v.v… (Nguyễn Hưng Quốc) – Nxb Văn Nghệ, California, 1996; Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại (Nguyễn Hưng Quốc) – Nxb Văn Nghệ, California , 2000; Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (Hoàng Ngọc-Tuấn) – Nxb Văn Nghệ, California, 2001. Số lượng là chưa nhiều, càng ít hơn nếu chỉ khuôn vào thế kỷ XX. Có điều, những tác động nhiều chiều, thường phi chính thống, lại rất đáng kể. Đây đó, nếu tinh ý, ta có thể nhận ra tiếng đồng vọng xa gần. Dấu ấn rõ rệt hơn cả có lẽ là ở cuốn lý luận, phê bình mang tên Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của Inrasara (Nxb Văn nghệ - Tp. Hồ Chí Minh, 2006). Những ảnh hưởng sâu xa dường như lại âm thầm nằm trong các sáng tác mới, phần đông là của các cây bút trẻ ở cả ba miền.

Inrasara phản công:
"Ông đánh hơi ra và ông “báo cáo”. Ông bắt tận tay Inrasara và các cây bút trẻ ở cả ba miền. Là các tên tuổi nào cụ thể, ông sẽ báo cáo sau. Rất đáo để.
Trời đất! Có công trình lí luận - phê bình “số lượng là chưa nhiều” như Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn mà “tác động nhiều chiều”, “đồng vọng xa gần” để lại “dấu ấn rõ rệt” và “những ảnh hưởng sâu xa” đến “các cây bút trẻ ở cả ba miền” như thế, là ân đức cho văn học quá rồi còn gì.”

Sau đó, trong "Phác thảo lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại thế kỷ XX", Phạm Quang Trung lẳng lặng sửa lại thành:

tiêu biểu và nổi bật hơn cả là Nguyễn Hưng Quốc, và sau đó là Hoàng Ngọc-Tuấn. Họ đều định cư ở Úc, có quan hệ cá nhân gần gũi, thân thiết. Các tập sách lý luận thuần khiết hầu như không có, thường xen cảm quan phê bình, như Nguyễn Hưng Quốc với
Thơ, v.v… và v.v…, Nxb Văn Nghệ, California, 1996 và Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Nxb Văn Nghệ, California, 2000; Hoàng Ngọc-Tuấn với Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, Nxb Văn Nghệ, California, 2001…

Tức là ông xóa tên Inrasara đi, không còn xem 3 tập sách của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn là “những công trình lý thuyết đích thực” nữa, và xóa luôn những câu mô tả ảnh hưởng của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn đối với văn học trong nước như: “tác động nhiều chiều”, “đồng vọng xa gần” để lại “dấu ấn rõ rệt” và “những ảnh hưởng sâu xa” đến “các cây bút trẻ ở cả ba miền”
Để rồi chính ông lại nêu lên câu hỏi::

“Như vậy, có thể thấy, các cây bút lý luận văn chương Việt Nam ở hải ngoại không thiếu tri thức. Kể cả nhiệt huyết cũng không thiếu. Do đâu tiếng nói của họ vọng chưa xa, vang chưa sâu?
Từ vị trí độc giả, tôi muốn hỏi: Chúng tôi nên định nghĩa cái tư cách cầm bút của ông tiến sĩ – phó giáo sư Phạm Quang Trung như thế nào cho đúng?

III. Cho nên mới nói đây là lần đầu và là lần cuối tôi nhắc đến tên ông Phạm Quang Trung ở website này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét