Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Thư cho anh Hoàng Nhuận Cầm hay chất nhân văn và tâm linh trong phim Mùi cỏ cháy.

Đồng Chuông Tử
1. Trước khi vào bài viết, cho phép tôi với tư cách một khán giả yêu mến phim ảnh, thổ lộ cảm nghĩ “thật thà” của mình một chút, mỗi khi bật ti vi “đụng phải” phim Việt thời gian dài.

Non mười năm trở lại đây, tôi gần như hết chịu đựng nổi, không thèm phí thì giờ nán lại lâu hơn nữa, để trải nghiệm cảm giác thất vọng, u ám và trào giận khi “vướng phải” nó - phim Việt thời buổi kinh tế thị trường. Nó là nỗi buồn lớn, tôi đã rơi nước mắt ngán ngẫm, có phần tuyệt vọng. Mặc dù trước đó, tôi đã cố gắng kiên nhẫn nhiều năm liền như nhà thiền sư hành pháp nhẫn, đón nhận đầy đủ, thừa mứa “bụm trần gian giác” xộc vào tâm.

Tôi mang “nỗi buồn” đó vào Rạp chiếu phim quốc gia, sáng nay. Ngồi trong rạp trước lúc trình chiếu, có thể nói tôi đã “chiến đấu với lòng tôi rất dữ dội”. Tôi không muốn nhìn nỗi buồn đấy nữa, tôi đã đắp mộ cho nó và cỏ cũng đã lên xanh ở nơi đó từ lâu rồi anh Hoàng Nhuận Cầm ạ.

Tôi đến xem phim vì lời nhắn mời của anh, thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm hơn là nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Nếu anh mời đến tham dự buổi ra mắt tập thơ mới nhất Nỗi buồn để sống, chắc chắn lòng tôi sẽ rộn rã hơn rất nhiều. Với thơ, anh là một thi sĩ thật sự. Những câu thơ, bài thơ ấy của anh đã sống, đang sống và sẽ sống. Tinh túy mà trời đất cho anh, như “phọt” ra tràn lan cả đấy. Với đời, anh là một gã “đẹp trai” chơi được, chỉ cần vậy thôi. Và tôi đến. Thấy được anh nguyên vẹn, trong lành là mừng vui lắm rồi. Chứ phim phíp chỉ là cái cớ thôi.


2. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi. Tôi quan sát và lấy làm ngạc nhiên. Khán giả đến xem nhiều quá. Không còn ghế trống. Già trẻ, gái trai có tất. Có một cô đứng tuổi bắt ghế ngồi tràn cả ra lối đi bên trái tôi. Tôi không biết lúc đó trong lòng họ đang nghĩ ngợi gì, cảm giác như thế nào. Họ cũng vậy. Họ không biết tôi đang “chiến đấu với nỗi buồn”.

Anh Nguyễn Hữu Mười, đạo diễn phim bước vào, hướng lên khán giả phát biểu lời cảm ơn nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà văn Lê Phương và tất cả mọi người hiện diện. Trong vài phút ngắn ngủi.

Ánh điện tắt hết. Chỉ màn hình rộng bắt đầu sáng lên.Tên phim Mùi cỏ cháy hiện rõ.

Một hàng người lính già, trên ngực áo bên trái mọc đầy ngôi sao chiến công, đứng trước tượng đài liệt sĩ. Máy quay lia qua rồi dừng lại giây lát, nơi người lính già có khuôn mặt thẹo bên  má phải. Máy xoáy vào ánh mắt ông và bật ra những câu chuyện.

Có thể đoán phim là một dạng hồi ức về chiến tranh. Mô típ phim không mới. Đề tài không mới. Kí ức về những bộ phim tôi đã xem, những cuốn sách tôi từng đọc bỗng xô nhau chảy đầy trí nhớ. Lúc ấy không hiểu sao tôi lại có cảm giác với tay tìm cái re-mote. Tôi ghét chiến tranh. Nhất là những vị thế, quan điểm chính trị trong các bộ phim nói đến chiến tranh nói chung. Chưa nhân văn, thậm chí quá mộc và cằn.

Phim xoay quanh bốn nhân vật chính là Hoàng, Thành, Thăng, Long. Chất liệu kịch bản lấy từ cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và vị thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris (1968-1973). Đến với cuộc chiến, bốn nhân vật chính ấy đều đang là sinh viên, được lệnh tổng động viên năm 1971. Họ đã đem vào cuộc chiến khốc liệt, nóng bức, tràn trề chất sinh viên hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi 18, 20. Chi tiết hài hước, dí dỏm được đan cài vào. Tiếng đàn, lời thơ, khúc hát được cất lên, đã phần nào xoa dịu, tưới mát nỗi bỏng rát của tiếng súng, tiếng bom. Điều đó là cực kì quan trọng, trong khí hậu của phim đề tài chiến tranh. 

Nhắc đến sự thật trong một sự kiện lịch sử như sự kiện này là rất khó khăn. Không riêng gì loại hình nghệ thuật nào. Làm phim về sự kiện này, còn khó khăn gấp bội. Có khi là quá dũng cảm nữa là đằng khác. Cơ sở vật chất, tài chính thì không nói rồi. Đó là nỗi khó chung. Khó khăn lớn nhất là lựa chọn góc đứng, trữ lượng nhân văn trong tâm hồn người của anh và bản năng nghệ sĩ nữa. Kịch bản tốt. Đạo diễn giỏi. Ấy, của hiếm ở đời. 

Riêng tôi đánh giá cao chi tiết những nhân vật trong phim, đem xác kẻ thù đi chôn, đặt mũ cối lên ngôi mộ là một hình ảnh đẹp, nghĩa cử nhân văn. Mà dường như các phim về đề tài chiến tranh đều thiếu. Số phận cuốn nhật kí Đặng Thùy Trâm cũng là một nghĩa cử nhân văn. Chẳng qua là ở dạng thức khác nhau. Thế giới loài người mang trong lòng nó những cuốn sách về lịch sử đầy đau thương, chết chóc. Nhưng để làm được cử chỉ như vậy, thật khó. Mà lại là trong phim Việt, càng cực khó.

Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những chi tiết tâm linh trong phim. Ví dụ, khi Thành hi sinh, kêu lên ba tiếng “mẹ ơi” não nuột, cây chổi treo mốc trên tường nhà bỗng rơi xuống. Chính cây chổi ấy, người mẹ hay dùng đánh đòn Thành thời thơ ấu, khi anh ham chơi, sai lỗi. Trong khi tâm thức người mẹ bị lay động, nghe mông mênh, bà loạng choạng, hớt hãi chạy đi tìm tiếng kêu. Rồi lời lầm bầm trên môi Thăng “nếu tôi chết, hãy trồng trên mộ tôi cây bạch đàn” trở đi trở lại day dứt tiên tri. Đến cái chết của Thăng y chang lời lầm bầm ấy, cả hình ảnh bức tượng bị chảy máu đúng nơi thân thể Thăng bị trúng đạn...khiến chúng ta như biết rằng có bàn tay vô hình của ai đó đã sắp đặt.  

Đấy là những hành vi, sợi dây kết nối huyết thống có tồn tại, nhưng tồn tại vô hình. Con người hiện đại văn minh ngày nay, đã bỏ rơi, hoặc để thế giới tâm linh ngủ yên trong trầm lặng lòng mình quá lâu. Và cánh cửa ấy tự dưng đóng kín lại. Với phần nhiều người, riêng nhà khoa học thì dường như đóng hẳn.

Nhưng thi sĩ thì dễ nhận biết hơn. Cả những người có tâm hồn hướng linh nữa.

Có thể khẳng định bản năng thi sĩ đã tung tẩy rất nhiều trong phim.  Phim như một bài thơ bi hùng. Phim thuần túy là một câu chuyện của một con người có tâm hồn thi sĩ tham dự vào và kể lại. Không lồng ghép quan điểm, luận bàn bóng gió gì, đến kẻ thù bên kia cuộc chiến. Đó cũng lại là một nghĩa cử nhân văn. Nhiều phim trước không được như vầy.

Phim đã lấy đi nước mắt của người xem trong rạp chiếu, trong đó có tôi, người nhiều lần muốn bỏ chạy ra ngoài để khóc thật to. Hơn là ngồi xem, mà cứ sụt sịt sợ mọi người nghe và nghĩ tôi mít ướt. Anh thật “khốn nạn” anh Cầm ạ! Anh làm tôi khóc hu hu như trẻ nhỏ, mà lại khóc trong một căn phòng rộng lớn bộn người nữa. Mặc dù là trong bóng tối. Nhưng nhịp điệu ánh sáng của màn hình rộng, cũng vừa đủ cho người ngồi bên cạnh nếu liếc sang, có thể nhìn thấy tia lóng lánh rơi xuống. Chưa nói đến sự điều tiết tự nhiên của mắt trong màu đêm. Từ cha sinh mẹ đẻ, đây là lần đầu tiên tôi sướt mướt như con gái bị tình đầu phụ bạc, khi xem phim Việt, mà lại là phim về chiến tranh Việt Nam cơ đấy.

Chỗ tôi được biết, ở xứ mình có nhiều nhà văn đã từng viết kịch bản phim rất thành công như bác Nguyễn Quang Sáng, cố nhà văn Sơn Nam, anh Nguyễn Quang Lập, anh Võ Đắc Danh... nhưng tuyệt chưa thấy nhà thơ nào viết kịch bản phim, lấy được nước mắt người xem như phim này.  

Anh Cầm ạ, anh thật “khốn nạn” khi làm tôi bật khóc chỉ vì đi xem phim Mùi cỏ cháy, mà trước đó tôi đã “đấu tranh tâm lí” nhường nào, vì lo sợ lại gặp nỗi buồn cũ, tiêu tốn thì giờ vô ích trong đời người ngắn ngủi.

Đó có phải là tiếng khóc cho những thân phận nhân vật trong phim đơn thuần không? Đó có phải là tiếng khóc cho một thời không quên của lịch sử, đầy máu và nước mắt?  Đó có phải là tiếng khóc hạnh phúc để giải hạn buồn nỗi buồn phim Việt?

Dẫu sao xin được chúc mừng anh và đạo diễn Nguyễn Hữu Mười!

Lạc Viên, 5/12/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét