Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Phụng, Trở lại Với Đời


 


Tôi điếng người sau cú phôn. Phôn của anh bạn ở Portland. Phụng dính ung thư gan! Tôi loanh quanh chẳng biết mình đang làm gì và đang muốn làm gì. Có lẽ nào! Đang khi không bỗng trời ập xuống. Cảm giác này tôi đã có khi nghe tin Trường Kỳ vừa vội vã ra đi. Khi Phụng sang Montreal là ba đứa tôi hàn huyên ríu rít.

 Cho tới bây giờ tôi không nhớ là tôi quen Kỳ lúc nào và quen Phụng lúc nào. Hình như tình thân có sẵn đó. Chưa bao giờ tới và chưa bao giờ đi. Chỉ có con người đi. Kỳ đã đi. Phụng bên bờ vực!
Anh bạn luôn sát cánh bên Phụng cho biết là bác sĩ cho Phụng cái hạn ba tháng. Biết mình chỉ còn ba tháng trên đời, Phụng tính những chi? Tôi băn khoăn mà không dám nhấc phôn hỏi. Tôi sợ sự sợ hãi. Phụng đang nằm trong sự sợ hãi của một kẻ bị dồn tới chân tường. Phôn rồi biết nói chi với Phụng. Ông khoẻ không? Vô duyên! Ông đang làm gì đó? Lại vô duyên. Phụng không còn cái yên ắng của những người chưa phải thấy cái hàng rào thời gian chặn trước mặt. Ba tháng để thu xếp một đời. Có ngắn quá không? Có dài quá không? Kỳ không có thời gian đối mặt đó. Ào một cái, Kỳ đi. Dứt khoát. Chẳng phải tính toán chi. Khỏe re!
Chuyện gì cũng vậy. Biết trước vẫn hơn. Không phải bất ngờ đưa đến những sai lầm của vội vàng. Nhưng chuyện đi, đi một đường thẳng, chắc có khác. Ba tháng của Phụng nhất định là ba tháng khốn khó. Tôi cũng thấy khó. Làm sao bấm được 8 con số để với tới Phụng. Loanh quanh mãi tôi cũng bấm được hàng số nằm thản nhiên trên chiếc phôn. Hàng số của anh bạn tâm giao với cả tôi và Phụng.
Dựa vào sự quen biết từ những ngày hàn vi xa lắc xa lơ, tôi vẫn dùng anh bạn làm cục kê trong những lần ngại gọi thẳng Phụng. Giao hả? Tôi thầm thì như sợ Phụng nghe thấy tuy nhà anh và nhà Phụng cách nhau tới cả giờ lái xe. Phụng ra sao? Tai tôi ghé sát ống nghe. Thì như moa đã mail cho toa. Bác sĩ đã có… phán quyết rồi! Tôi hụt hẫng. Toa thấy Phụng ra sao? Buồn lắm! Khoảng hai, ba năm trước Phụng đã một lần bị anh chàng ung thư thăm hỏi. Lần đó là ung thư túi mật. Theo chị Ái, bà xã của Phụng, chị thấy anh mất cân dần, mặt mày hốc hác nên vội đưa anh tới bệnh viện. Thử mới lòi ra bệnh. Dính chấu! Nhà thương vội mổ ngay. Cắt đứt cái túi phản bội trong con người anh. Tưởng rằng đã yên. Mà yên thật. Anh đã hát hò lại.
Phụng rất mê hát. Đó là lẽ sống của anh. Nhớ trong lần tôi chở vợ chồng Phụng từ Toronto đi thăm thác Niagara, Phụng vừa hát vừa mở đĩa nghe mình hát suốt chặng đường. Vậy thì Phụng mê nhạc như điếu đổ. Cái thứ tương tư thảo Phụng mê thật. Mê trong lén lút. Thời buổi bây giờ người ta được khuyến khích phụ lòng thứ cỏ thơm. Phụng, cũng như các đệ tử của khói, chẳng thể lạc hậu được nữa. Nhưng dứt ngang thì chẳng đặng nên cứ lén lút thỉnh thoảng làm vài hơi. Tôi đã có lần nối giáo cho…bạn. Có chết thằng tây nào đâu!
Chuyện mê khói mà sánh với chuyện mê nhạc là đúng chỉ số. Toàn là thứ sống chết cả! Cuối cùng tôi cũng sống chết phải phôn. Nhấc cái phôn, quay số, chuông reo. Bên kia đầu giây là chị Ái. Cuộc chuyện trò đẫm nước mắt. Người bệnh đã xong phần cam chịu của người bệnh. Người đầu ấp tay gối có cái đau khác. Cái đau không ở trong người nhưng da diết ruột gan. Phụng đang nằm đâu đó trong nhà. Chị Ái đưa phôn cho Phụng. Tôi chờ một giọng trầm buồn nhưng lại được nghe một giọng… bạt mạng. Nó đánh mình thì mình đánh lại! Bạn mình khá, tôi nghĩ.
Ông Du Tử Lê bay từ Cali qua Portland thăm ông Phụng. Ông ung thư ruột thăm ông ung thư gan. Coi video cuộc trùng phùng của hai tác giả bản nhạc “Giữ Đời Cho Nhau”, một ông làm thơ, một ông đặt nhạc, tôi chỉ thấy tiếng cười.
Cũng trong cuốn video cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn văn nghệ, Phụng, với chiếc mũ nồi sùm sụp trên đầu, vẫn hào hứng chỉ dẫn cho một người bạn hát cho đúng một bản nhạc của anh. Đôi khi anh hát làm mẫu với tiếng đàn tây ban cầm. Giọng anh không còn là giọng trên sân khấu nhưng mắt anh vẫn ngời ngời say sưa. Bệnh tật không lấy đi được âm nhạc của anh tuy nó đã quật anh te tua bằng cách ăn cắp của anh một vài ký thịt, một nhúm tóc muối tiêu. Có một lúc anh đã giở chiếc mũ ra, nắm một nhúm tóc, vê vê trên tay, giơ ra cho mọi người thấy.
Tóc của Phụng, đó là một mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ. Nhất định không thể là Phụng nếu không có mái tóc đó. Vậy mà cũng tới lúc anh phải buông bỏ. Những cú phôn của chúng tôi, trước hay sau khi Phụng vướng bệnh, đều là những tiếng cười. Khi đã trải qua mấy lần làm chemo, trong một lần Phụng cười nghiêng ngả trong phone, anh đã bảo tôi: “Thôi ông, tôi cười đau cái bụng quá!”. Lần đó, Phụng cho biết anh đã xuống tóc. “Nó rụng hàng nắm, cạo trọc luôn cho khỏi rắc rối!”. Chiếc đầu bình vôi đó tôi đã được chiêm ngưỡng. Phụng có khác đi nhưng cũng không đến nỗi nào. Phụng đã quen với bệnh thì bạn bè cũng phải quen với cái đầu không tóc của Phụng. Như Mai Thảo đã thơ. Bệnh ở trong người thành bệnh bạn / Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân / Gối tay lên bệnh nằm thanh thản / Thành một đôi ta rất đá vàng. Bạn tôi đang phải thù tiếp ông bạn không hẹn mà đến, không mời mà ngồi lỳ không chịu đi đó.
Ông bạn bệnh tinh quái đã thay đổi hình hài của người nhạc sĩ tài hoa lịch lãm. Nhớ, ngày vợ chồng tôi cùng vợ chồng Phụng lang thang trên đường phố Vancouver. Trời hây hây lạnh. Phụng khoác chiếc áo dạ đen dài, thả hững hờ chiếc khăn quàng trắng phủ xuống tới thắt lưng. Đường phố vào thu. Những chiếc lá vàng lăn tăn chạy theo gió. Chúng tôi lang thang suốt ngày. Thường thì sau mỗi lần trình diễn, vợ chồng Phụng trở về liền. Lần đó, chúng tôi hẹn nhau. Phụng từ Portland tới, tôi từ Montreal sang. Sau ngày trình diễn, vợ chồng Phụng ở lại để rong chơi với vợ chồng tôi. Lũ chúng tôi xác xơ dần, mỗi lần gặp nhau là một lần khó. Ngày vui càng lúc càng hiếm.
Nhớ, lần Phụng qua Montreal trình diễn. Ngày hôm trước Phụng hát ở Montreal. Ngày hôm sau, Luân Hoán và tôi ra mắt sách ở Toronto. Chương trình sơ khởi do Lê Hân tổ chức chỉ là một chương trình hát tình ca phụ diễn. Tôi phone qua Phụng từ vài tuần trước hỏi Phụng có chơi văn nghệ với anh em, xuống Toronto hát chùa trong buổi ra mắt sách không? Phụng… chơi ngay. Vui là chính. Đêm hôm trước, trong khi Phụng hát ở Montreal, vợ chồng Luân Hoán và vợ chồng tôi lái xe xuống Toronto trước. Nửa đêm mới vãn hát, sáng sớm ngày hôm sau, từ khi mặt trời chưa thức dậy, vợ chồng Phụng đã khăn gói ra phi trường. Hơn một giờ bay, Phụng tới Toronto, Lê Hân và tôi đã có mặt tại phi trường Pearson của Toronto đón. Buổi ra mắt sách dự định vào cửa tự do đã phải đổi thành tặng vé vào cửa. Khán giả sẽ phải tới lấy vé tặng nơi ban tổ chức. Nếu không, chắc rạp hát sẽ bể vì lượng người tuôn tới. Đây là lần đầu tiên Phụng hát ở Toronto. Một tập nhạc đã được Lê Hân in cấp tốc để Phụng cũng ra mắt sách cho vui. Phụng mang thêm một số đĩa nhạc qua. Khán giả xúm xít vào nơi Phụng ngồi ký sách và băng nhạc. Vui ơi là vui. Trên sân khấu, trong phần giới thiệu Phụng, tôi lên tung hứng với Phụng trong một màn không sửa soạn, không tập dượt nhưng đầy cảm hứng. Nhạc sĩ  Trường Sa ngồi ở hàng ghế đầu cũng được móc lên giới thiệu với khán giả. Ông khóc vì cảm động. Đã lâu Từ Công Phụng và Trường Sa không gặp nhau. Có lẽ từ khi hai người, mỗi người một cách, mỗi người một  thời gian khác nhau, bỏ nước ra đi.
Nhớ, ngày tôi bắt xe đò từ Seattle qua Portland thăm Phụng. Những buổi sáng, cà phê do Phụng pha (Tôi pha cà phê ngon nức tiếng đó ông!) ngay trên lan can phía trước căn nhà cổ của Phụng, chuyện miên man, từ chuyện viết lách, văn nghệ lan qua tới cả chuyện tâm linh. Phụng có niềm tin tôn giáo rất vững vàng. Chính niềm tin đó đã cứu rỗi Phụng qua những ngày bệnh ngặt nghèo.
Bệnh cứ bệnh, sống cứ sống, bạn tôi vẫn cười với đời. Khóc chăng là chị Ái, người đã từng trải bao gian nan trong cuộc sống. Cú gian nan này xem ra cũng không làm nhụt được ý chí của người đàn bà đã từng bao lần vươn vai đứng dậy. Chị cuống cuồng giữ hơi thở của chồng. Chemo cứ chemo, ai chỉ bài thuốc nào chị cũng lăn ra làm. Người Phụng là nơi tiếp nhận đủ cả đông y tây y. Từ những thang thuốc bổ tới lá đu đủ, từ linh chi tới măng tây, cọng sả, hay bất cứ thứ lá lẩu nào có thể làm quê anh ung thư. Bệnh Phụng khi trồi khi sụt. Có lần  tôi phone qua, Phụng mệt không nói được. Có lần Phụng nhanh nhẹn tán chuyện liên chi hồ điệp. Hỏi thăm về bệnh, Phụng coi nhẹ: “Mình đánh nó, nó đánh lại mình, nó thua thì nó chạy, mình thua thì mình lui. Lui tới chân tường là cùng!”. Nhiều khi ngại không biết bây giờ bệnh Phụng ra sao (bây giờ tháng mấy nhỉ?) tôi lại đi đường vòng phone cho Giao hỏi thăm tình hình trước. Nếu không vui thì để Phụng nghỉ, cứ mang bệnh ra mà tán chán chết, cho cả tôi và Phụng. Nếu nghe thấy Phụng khỏe,  phone qua Phụng ngay, chia nhau những nụ cười, tiếp chút sức cho bạn. Có lần Phụng cao hứng nói huyên thuyên, cười đã, lại còn hát hỏng coi xem còn được không. Hát được có lẽ nhờ những tô phở gà của chị Ái. Phụng ưa ăn phở. “Bi chừ tôi đâu có ăn được phở bò! Ăn để tiếp đạn cho quân địch sao? Thịt đỏ là thứ anh cancer thích lắm. Cứ phở gà mà chơi”. Phở gà của chị Ái là thứ phở tinh khiết, không mỡ màng, thứ được chọn lọc cẩn thận, Phụng ăn vào là an toàn. Tình trạng của Phụng được tính theo phở. Ít ra là với đệ tử của phở như tôi. Cứ hỏi những bát phở Phụng ăn là biết được sức khỏe của Phụng. Từ đầu năm, tình trạng của Phụng lên dần. Và chót hết lên tới… đỉnh bình yên. Giao mail qua cho tôi. Phụng đã ăn hết bay hai tô phở một lúc. Vui mừng phone qua Phụng, chàng xác nhận vết ung trong gan đã teo lại. Quân ta thắng.
Trong số quân ta có những người yêu nhạc của Phụng. Có lần Phụng bi quan nới với tôi khi anh cho biết có người không biết anh bệnh nên mời anh đi hát: “Hát hò chi nữa. Chắc kiếp sau!”. Kiếp sau thì xa quá. Mà lúc đó biết Phụng ở đâu mà tìm tới nghe. Phụng vốn galant đâu có làm buồn người ái mộ đến vậy. Giờ, đánh cho anh chàng bệnh lui, Phụng phải hát lại. Anh phone qua tôi. Anh sẽ “Tạ Ơn Đời”. Đó là chủ đề và cũng là lý do mà Phụng sẽ gặp lại khán giả.
Khi tôi đến nơi đây nắng rực rỡ ngoài khoang trời xa, và lòng tôi thấy rộng mở những thiên đường…Phụng đã trở lại với đời. Bởi vì anh vẫn còn nợ đời! Hay đời còn nợ Phụng?
Song Thao
(Theo Yahoovanhoaviet.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét