Những ấn tượng trẻ khó quên
ĐỒNG CHUÔNG TỬ
Sau gần 5 năm mong đợi, vào lúc 14 giờ ngày 27.5 tại Bến Nhà Rồng (chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh), đã chính thức khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 3. Hơn 100 đại biểu và khách mời văn trẻ đã về tham dự. Không khí buổi khai mạc trầm lắng, trang nghiêm.
Có một điều ngoài rìa, tưởng chừng không đáng chú ý ở đây là việc từ cổng vào trung tâm Hội nghị không có băng rôn chào mừng hoặc chí ít bảng chỉ dẫn. Các nhà văn, nhà thơ trẻ về dự “lơ ngơ” đi vào đều được bảo vệ của Bảo tàng gọi lại hỏi, rồi mới chỉ tay về hướng cần đến.
MC của Hội nghị là nhà thơ “bự con” Phạm Sỹ Sáu, phó chủ tich Hội Nhà văn TP.HCM. Ông là một người lính từng cầm súng ở nhiều mặt trận, trong đó có mặt trận ở Campuchia.
Tiếp theo lời khai mạc của nhà thơ Lê Quang Trang - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Phan Hoàng - Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ đã đọc tham luận đề dẫn mở đầu cho tham luận của các nhà văn trẻ: Nguyễn Thu Phương, Ngô Thị Hạnh, Trần Minh Hợp, Lê Thiếu Nhơn, Huỳnh Mẫn Chi, Nguyễn Lệ Chi… Nhiều vấn đề “nóng” của đời sống văn học trẻ đã được đưa ra với nhiều góc nhìn khác nhau.
Những khách mời đặc biệt là những nhà văn “cây đa cây đề” như Nguyễn Quang Sáng, Vũ Hạnh, Trần Kim Trắc, Lê Văn Thảo lần lượt được mời lên cầm “cây bút micro” để “phóng” chuyện. Mỗi người “phóng” một ít, gom lại cũng được “năm hay sáu trang âm thanh”.
Vì dành thời gian hơi nhiều cho các bậc lão thành nên nhiều tham luận của các nhà văn trẻ như Trần Hoài Anh, Đồng Chuông Tử, Trương Anh Quốc, Phương Trinh, Lê Thuỳ Vân,… đành phải chuyển về hội thảo ở Cần Giờ.
Như vậy, phần “nghị” đã được “gọt” lại cô đọng, tinh giản đối với những đại biểu nhà văn trẻ.
16 giờ 30 phần “nghị” kết thúc, sớm hơn 30 phút so với lịch trình.
Phần “hội” được nối vào sau đó, ở một nhà hàng ẩm thực ven sông, cách Hội trường hội nghị khoảng trăm mét. Không khí buổi “hội” này thật rôm rả, vui tươi trong làn gió mát sông Sài Gòn. Và cùng bắt tay nhau hẹn ở Cần Giờ vào hôm sau…
Khoảng 13 giờ ngày 28.5, đông đảo đại biểu nhà văn trẻ đã tập trung tại Văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM, số 62 Trần Quốc Thảo, Quận 3.
Khoảng 13 giờ 45 phút thì chiếc xe chở đại biểu đến. Đúng 14 giờ xe lăn bánh, mang theo hầu hết những tài năng trẻ văn chương của thành phố đi tham quan một số công trình đã định trong lịch biểu.
Có một chuyện hi hữu gây “ngỡ ngàng” thoáng chốc cho mọi người, đó là việc chiếc xe hình như vừa vội vã đến từ một đám tang nào đó ở ngoại ô xa xôi. Nên khi vừa đỗ lại, cờ tang vẫn còn “đu đưa” trên đầu xe.
Nhận thấy nhiều ánh mắt nhìn chầm chầm, xôn xao vào “hình ảnh lạ”, người lơ xe đã “xúc động” vội vàng gỡ xuống.
Chiếc xe lượn đi nhiều nơi đã định rồi đậu lại ở Trung tâm Dã ngoại Cần Giờ. Nơi đây là địa điểm sẽ diễn ra nhiều hoạt động “trọng tâm” của Hội nghị.
Do buổi chiều hôm đó trời có mưa, với hơn 30 phút nghỉ ngơi dọc đường, xe đến chậm hơn dự định già một tiếng đồng hồ.
Theo danh sách thì có khoảng 72 đại biểu tham dự. Vài người vì công việc riêng không đến được. Số lượng đại biểu nữ nam tương đương nhau. Trong đó có hai vị tiến sĩ phê bình văn học, hiện đang giảng dạy ở các trường đại học phía Nam.
Việc lo liệu phòng ốc, ăn uống, vui chơi, dã ngoại,… hình như chỉ một mình nhà thơ - Chánh văn phòng Hội Phan Trung Thành “đạo diễn”. Một người lo cho non 100 người. Thật tội nghiệp cho anh, nhất là cách đây chưa lâu, anh vừa trở về từ bệnh viện. Di sản của cuộc trở về ấy vẫn còn được anh kiêng cữ, chăm sóc.
Đúng 20 giờ, một trò chơi mang tính giao lưu đã diễn ra trong không khí ấm áp vui nhộn, tràn tiếng cười, tiếng vỗ tay. Ngoài hội trường mưa rơi nặng hạt, gió lạnh rít từng cơn, từng cơn. Trò chơi là ý tưởng của nhà văn – đạo diễn Nguyễn Thu Phương. Nhờ một chút “sân khấu hoá” mà cuộc giao lưu rất lôi cuốn, giúp các nhà văn trẻ biết rõ nhau hơn.
Sau một đêm lạ nước lạ cái, có nhiều người trẻ khó ngủ, nhất là nhà văn nữ. Nhiều “chàng thơ trẻ” như Thanh Tùng, Lê Quang Trang, Phạm Sỹ Sáu,… lại không chịu ngủ, vì sợ lỡ mất trận chung kết “trong mơ” cúp C1 châu Âu, giữa MU và Barcelona.
8 giờ ngày 29.5, bước vào Hội thảo Văn học trẻ trong dòng chảy thị trường. Phải nói chân tình rằng, ấn tượng ngày khai mạc đã khiến rất nhiều nhà văn trẻ nản lòng. Nhưng mọi người vẫn đến. Cứ ngỡ đến cho có. Hội thảo sẽ nhạt, ai dè…
Trừ 15 phút đầu, thời gian cần thiết để khởi động làm nóng. Chủ toạ của Hội thảo là nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng - Trưởng ban Nhà văn trẻ, cùng nhà văn Tiến Đạt - Phó ban, đồng cầm trịch. Hội thảo ngày càng mở, nóng lên theo từng giây từng phút, nhiều vấn đề được đem ra mổ xẻ gây cấn. Nhiều tham luận, ý kiến được phản biện sôi nổi, đa chiều chưa từng có trước đây, ở bất kỳ hội thảo văn học nào, từ Trung ương đến địa phương. Thời gian càng trôi về trưa, tay của các nhà văn trẻ giơ lên xin phát biểu, phản biện càng nhiều. Không khí xứ biển Cần Giờ dường như cũng “nóng” hơn cùng hội thảo!
Nhiều vấn đề được các đại biểu nhà văn trẻ gởi gắm, mong chờ như chuyện tài trợ in sách, giải thưởng, bản quyền, các hình thức đưa thơ đến công chúng, quảng bá tác phẩm,…
Hội thảo đã thành công ngoài kỳ vọng, ngoài sức tưởng tượng, lần đầu tiên có được như vậy.
Hội nghị kết thúc. Các đại biểu văn trẻ trở về trung tâm thành phố với nhiều ấn tượng đẹp. Những thành viên tham gia Trại Sáng tác văn học trẻ do nhà thơ Phan Hoàng phụ trách tiếp tục ở lại “đắm mình” trong sông nước Cần Giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét