Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Người Chăm tự thiêu nói "không biết lửa đến từ đâu"?


Người Chăm tự thiêu nói “không biết lửa từ đâu đến”?

Đồng Chuông Tử

Một tháng đã trôi qua, kể từ vụ một thanh niên người Chăm chết trong khi đi tìm việc ở thành phố Biên Hòa, nhưng dư luận cộng đồng Chăm vẫn chưa ngớt xôn xao.

Trang mạng, baodongnai.com.vn , Tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, đưa tin, ảnh với tít bài “Bức xúc chuyện xin việc, tự tẩm xăng đốt mình” cập nhật lúc 22:48, chủ nhật, 10/3/2013.

Sau đó, bài báo này được chỉnh sửa nhiều về nội dung, có thêm 03 bức ảnh mới, giật tít mới “Một thanh niên tự tẩm xăng đốt vì chưa xin được việc làm”, ghi ngược thời gian cập nhật lúc 16:09, thứ bảy, 09/3/2013.

Sự việc thương tâm xảy ra vào khoảng 7g30 sáng hôm 9.3, trước cửa văn phòng Công ty TNHH TM và DV Triệu An Phát (Cty Triệu An Phát) , trụ sở tại tổ 1, khu phố 11, phường An Bình, thành phố Biên Hòa. Thực chất, đây là công ty chuyên giới thiệu (dân gian gọi là cò) việc làm, để kiếm chác tiền thù lao ngất ngưởng của người cần công việc.

Những năm gần đây, Biên Hòa là địa bàn tập trung dày đặc khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút số lượng lớn nhân công ở các địa phương trên cả nước.

Đô thị nhỏ nằm cận kề Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi phức tạp về an ninh trật tự, tai nạn giao thông và tệ nạn buôn bán ma túy.

Đối chiếu bản cũ và bản mới của Báo Đồng Nai

Bản cũ, giật tít khác bản mới. Bản cũ, có 2 mục rõ rệt, Tự tẩm xăng đốt mình và Bức xúc việc không xin được việc làm.

Bản mới không chia mục, chỉ phân đoạn.

Người viết xin phép đối chiếu 02 bản này, để độc giả tiện theo dõi. Hầu nhận chân rõ khả năng hư cấu và lương tri của Tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai .

1.Bản cũ, đoạn 1, mục Tự tẩm xăng đốt mình, viết:Bà T.N., một người bán bánh mì tại nơi xảy ra vụ việc, cho biết, khoảng 7 giờ ngày 9-3, anh Thịnh đi xe máy biển số 68H1-4024 đến dựng trước văn phòng Công ty TNHH TM-DV Triệu An Phát (gọi tắt Công ty Triệu An Phát, đóng tại tổ 1, KP11, phường An Bình, TP.Biên Hòa) rồi lớn tiếng đòi đốt văn phòng công ty. Lúc anh Thịnh xuất hiện thì một nhân viên kế toán của Công ty Triệu An Phát cũng vừa mở cửa. Thấy anh Thịnh la lối, nhân viên này nhanh chóng đóng cửa lại và gọi điện cho chủ công ty.”

Bản mới, đoạn 1: “Theo những người chứng kiến vụ việc, vào thời gian trên, khi một số người bán hàng ở khu vực này vừa mở cửa thì thấy Thành Xuân Thịnh (25 tuổi, ngụ tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đi xe máy đến dựng trước cửa Công ty Triệu An Phát rồi lớn tiếng với những người xung quanh.”

Bản cũ, từ nhân chứng “bà T.N. một người bán bánh mì cho biết”, sang bản mới, nâng thành “theo những người chứng kiến vụ việc”. Từ chỗ “rồi lớn tiếng đòi đốt văn phòng công ty” đến biến tướng “rồi lớn tiếng với những người xung quanh”, không dây dưa gì đến nạn nhân. Trong khi hành vi của nhân vật là nhân viên kế toán biến đi mất dạng.

2.Bản cũ, đoạn 2, mục Tự tẩm xăng đốt mình: “Thấy anh Thịnh vẫn đứng trước cửa công ty thách thức và đòi đốt công ty vì không xin được việc làm cho mình, một số người dân gần đó đã can ngăn và yêu cầu anh Thịnh ra về, hôm sau lại đến làm việc. Tuy nhiên, thấy mọi người can ngăn, anh Thịnh liền giơ cao con dao đang cầm trong tay, cùng chiếc hộp quẹt và nói lớn: “Nếu ai đụng vào, tôi sẽ chém và đổ xăng châm lửa đốt ngay”.

Bản mới, đoạn 2: “Sau khi dừng xe, tay phải Thịnh có cầm một con dao, còn tay trái cầm một hộp quẹt giơ cao và hô hào với mọi người là sẽ đốt cháy cả trung tâm này. Thấy vậy nhiều người đã xúm lại can ngăn, nhưng Thịnh dọa sẽ chém hoặc châm lửa đốt nếu mọi người lại gần.”

Từ hành vi “thấy” nạn nhân vẫn còn đứng trước cửa công ty thách thức, đến hành vi “sau khi dừng xe, tay phải Thịnh có cầm một con dao...”, là cả một khoảng thời gian để “họa sĩ” vẽ vời. Từ chỗ chỉ “đòi đốt công ty” đến khả năng hô hào “sẽ đốt cháy cả trung tâm này” là một lộ trình quan điểm mới.

3.Bản cũ, đoạn 3, mục Tự tẩm xăng đốt mình: “Trước thái độ quyết liệt của anh Thịnh, nhiều người đã can ngăn anh không nên làm bừa. Nhưng bất chấp mọi lời khuyên can, anh Thịnh đã lấy chai nhựa đựng xăng (khoảng 1,5 lít) mang theo đổ lên đầu và bật lửa đốt, khiến toàn thân anh trở thành một ngọn đuốc.”

Bản mới, đoạn 3:“Khi mọi người chưa kịp xử lý, thì ngay lập tức Thịnh đã lấy chai nhựa đựng xăng (loại 1,5 lít) đã để sẵn ở xe đổ lên người và châm lửa đốt. Ngọn lửa bốc cháy, toàn thân Thịnh như một ngọn đuốc.”

Từ thái độ quyết liệt lấy xăng “đổ lên đầu” đến chi tiết “đổ lên người”, thì Tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai muốn “đổ” lên người đã khuất vào chỗ nào nữa.

4.Bản cũ, đoạn 4, mục Tự tẩm xăng đốt mình: “Đến khi bị lửa đốt nóng, anh Thịnh đã la lối và lao chạy tán loạn khắp cả khu vực này. Thấy cổng nhà ông Phạm Xuân Tuấn (ngay cạnh văn phòng Công ty Triệu An Phát) đang mở, anh Thịnh đã lao vào trong để lấy chăn, chiếu, gối để dập lửa. Thấy vậy, ông Tuấn đã giữ Thịnh lại và dùng nước tưới lên người anh để dập lửa, nhưng phần lớn cơ thể của anh Thịnh đã bị lửa cháy làm bỏng. Sau một hồi quằn quại với cái nóng, anh Thịnh đã lao chạy ra khỏi nhà ông Tuấn và ngã gục ngay đường đi.”

Bản mới, đoạn 4: “Trước sức nóng của lửa, Thịnh đã chạy vào khu nhà trọ của ông Phạm Xuân Tuấn (ở ngay cạnh văn phòng Công ty Triệu An Phát) để tìm cách dập lửa. Thấy một phòng trọ đang mở cửa, Thịnh đã lao vào dùng chăn, chiếu dập lửa làm lửa cháy lan sang các vật dụng trong phòng. Phát hiện sự việc, ông Tuấn đã giữ Thịnh lại dùng nước dập lửa thì cũng bị lửa cháy làm bị thương ở cánh tay. Sau những giây phút quằn quại, vật lộn với ngọn lửa, Thịnh tiếp tục lao ra đường và chỉ chịu nằm gục ngay cạnh đường đi khi lửa đã cháy sém toàn thân.”

Hai đoạn này nói lên điều gì?. Thứ nhất, các chi tiết có vẻ ăn khớp với nhau. Thứ hai, những người được mô tả đã can ngăn nạn nhân lúc nãy, ở đâu. Đặt giả dụ, nếu nạn nhân thực sự đổ xăng vào người rồi bật lửa, mọi người hãy còn bất ngờ, nhưng khi lửa đã cháy bừng bừng lên rồi, chẳng nhẽ chỉ im lặng, đứng nhìn. Thứ ba, trong lúc bị cháy, nạn nhân đã la lối hay than phiền những chuyện gì, có ai nghe chăng.

Chỉ có một chi tiết khác nhau ở đoạn này, đó là từ “lửa cháy làm bỏng” giảm mức độ thiệt hại xuống còn “lửa đã cháy sém”. Tại sao lại có vụ việc “ăn chặn” dấu hiệu thương tích của nạn nhân xấu số đến vậy?

Bản cũ, mục Bức xúc việc không xin được việc làm: “Anh Thông, người quản lý của Công ty Triệu An Phát, cho biết, trước đó nhân viên của công ty có nhận hồ sơ nhờ giới thiệu việc làm của anh Thịnh. Nhân viên của công ty đã giới thiệu anh Thịnh đến phỏng vấn tại một công ty trong khu công nghiệp. Nhưng sau khi được giới thiệu, anh Thịnh không đồng ý và yêu cầu công ty phải tìm cho mình một việc làm khác. Trước yêu cầu này, nhân viên công ty hứa với anh Thịnh, phải ít ngày sau mới có thể tìm việc khác phù hợp và sẽ gọi điện cho anh. Không chấp nhận lời đề nghị đó, anh Thịnh đã cãi nhau với nhân viên công ty và xé giấy quảng cáo của văn phòng công ty trước khi bỏ về. Đến sáng 9-3, anh Thịnh tiếp tục quay trở lại văn phòng Công ty Triệu An Phát la lối và sự việc đau lòng đã xảy ra.”

Bản mới: Không có đoạn này.

Người viết xin miễn bình đoạn này, vì nạn nhân đã mất. Không có căn cứ để xác minh, hoặc không thể chỉ nghe một chiều từ phía công ty trên.

Lời trăn trối cuối đời của nạn nhân

Video clip được gia đình quay lại hình ảnh và lời trăn trối của nạn nhân trước lúc qua đời nói, “vào ngày 8.3.2013 con đến Cty Triệu An Phát xin đòi lại tiền (môi giới) và lấy lại hồ sơ do việc làm không được như ý muốn. Chẳng những không trả lại tiền và hồ sơ mà còn bị giám đốc của công ty tên là Thông đánh đập, sau đó họ còn gọi bảo vệ đánh con thêm”.  

“Đến ngày 9.3.2013, khoảng 7 giờ 30 sáng, con đến công ty trên một lần nữa để xin lại hồ sơ thì bị bảo vệ có tướng to cao đánh tiếp và đặt mã tấu lên cổ con. Trong lúc tìm lối thoát ra ngoài, không hiểu từ đâu ngọn lửa bùng cháy lên toàn cơ thể con”.

Lời trăn trối này thể hiện bằng tiếng Việt, không phải là tiếng dân tộc của nạn nhân. Điều đó phải chăng nạn nhân muốn nhắn nhủ gia đình “minh oan” cho cái chết của mình.

Dư luận cộng đồng Chăm

Theo lời kể của mẹ nạn nhân, hôm 8.3 trước một ngày xảy ra vụ việc, nạn nhân có gọi điện thoại chúc mừng mẹ nhân ngày Quốc tế phụ nữ và có nói qua về việc đến công ty Triệu An Phát như lời trăn trối cuối đời của nạn nhân .  

Nhiều người thân, bạn bè, và hàng xóm láng giềng, nhận xét “nạn nhân là người có học, hiền lành, hiếu thảo, có lòng hảo tâm và không biết uống bia, rượu”.

Việc trên chiếc xe máy của nạn nhân có chai bia, can xăng sau khi nạn nhân được đưa đi bệnh viện cấp cứu, có thể là hiện trường giả, hòng đánh lừa cơ quan điều tra.

Dư luận Chăm cho rằng cái chết bất minh của người thanh niên kia, chính là do cách hành xử kiểu xã hội đen của công ty Triệu An Phát. Ở Việt Nam kiểu hành xử này xảy ra tràn lan, nhưng chỉ một số ít bị khui ra và xử lí. Từ nạn xe dù, đến bảo kê nhà hàng khách sạn, mặt bằng, bến bãi,...

Tại sao lời trăn trối cuối đời của nạn nhân nói “không biết lửa từ đâu đến”, trong khi, baodongnai.com.vn, khẳng định nạn nhân tự châm lửa đốt mình?.

Các tổ chức nhân quyền, giới truyền thông và cộng đồng mạng người Chăm, ở trong nước lẫn hải ngoại, đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc.

Trên diễn đàn Thảo luận và trao đổi các vấn đề về Champa, thu hút gần một ngàn thành viên, sớm xuất hiện những bài viết về cái chết còn nhiều ẩn uất này. Có chia sẻ nỗi buồn cùng tang quyến, có cả những phẫn nộ và đòi hỏi công lí tận cùng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét