Đồng Chuông Tử
Nhiều người dân ở Ninh Thuận tỏ ra lo ngại về dự án điện hạt nhân
Ngày
nay, hình ảnh chú bé Gióng yêu nước, khi nghe tin có chiến sự, thoắt
chốc biết nói, vươn vai lớn dậy, xung phong ra trận diệt giặc Ân năm
xưa, đã trở thành một tấm gương sáng chói, sực nức tiếng thơm hào khí
tuổi trẻ muôn đời.
Ông được nhân dân suy tôn
là 1 trong 4 vị thánh quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của nước
Việt. Hào khí linh thiêng đó, xứng đáng là biểu tượng bất tử, được trân
kính và cần kíp phát huy trong tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội hiện
nay.
Mặt khác, chúng ta đang sống trong một “thế
giới phẳng”, nền tảng hàm lượng tri thức cao và trình độ khoa học thực
nghiệm ngày càng tạo được uy tín lớn. Song song đấy, vẫn còn tồn đọng
đâu đó những ao hồ mờ sương, đồng vọng âm thanh nhiều loài ếch nhái, ễnh
ương…lại cứ tưởng mình là đại dương bao la, xanh thẳm.
Mơ thành gã lớn
Trước
khi có dự án xây dựng điện hạt nhân (ĐHN) ở Ninh Thuận, quy mô hoành
tráng, huy động nguồn lực xã hội cực kì khổng lồ so với mặt bằng dân
sinh hiện nay, thì cả nước chỉ có một Viện hạt nhân Đà Lạt nhỏ bé như
lòng bàn tay, tồn tại từ trước năm 1975 đến nay. Với quy mô viện, người
dân có thể hình dung cơ bản được diện tích và công suất, đội ngũ nhân sự
và trình độ của nó. Bao năm qua, hình dáng Viện hạt nhân Đà Lạt của
Việt Nam ví như thưở chú bé Gióng còn chưa biết nói biết cười.
Đến
khi nhóm lợi ích siêu cấp bắt tay với các công ty làm hạt nhân ở Nga,
Nhật trở về. Nhóm này cấp tốc tổ chức hội nghị/hội thảo bàn tròn bàn
vuông để đại diện các công ty hạt nhân kia “thuyết trình” với mấy “bác
lớn”. Những chuyên gia thuyết trình tầm cỡ quốc tế ấy cả đời chỉ biết
làm nhiệm vụ rót mật vào tai, đã trình ra vô vàn những vấn đề đại sự
riết róng của quốc gia sẽ đương đầu trong nay mai. Và để giải quyết nó,
không còn cách nào khác là “lựa chọn ĐHN của chúng tôi vừa an toàn tuyệt
đối vừa đảm bảo sức khỏe điện quốc gia của các bạn”. Mấy bác lớn nghe
sướng quá, gật đầu cái rụp. Thế là xong, xem như thương vụ 90% thành
công. Bỏ ra 5% công sức nữa cho phiên trình dự án lên Quốc hội, đã được
dọn đường từ trước. Còn 5% cuối cùng là thao tác tổ chức đi khảo sát, để
dễ bề viện dẫn cớ (dân cư ít ỏi, kết cấu địa chất phù hợp…) nhằm kiếm
nơi đáp dự án. Đồng thời, nhanh chóng đẩy mạnh lộ trình tuyên truyền
“một chiều tốt đẹp” xuống người dân.
Trong lúc,
các công ty đó đang “căng đầu” tính toán các khoản chia hoa hồng cho
nhóm môi giới-nhóm lợi ích siêu cấp mang một vỏ bọc sang trọng. Đây là
nhóm tư bản mới, “ăn trên ngồi chốc”, chỉ quan hệ với những lãnh đạo cấp
cao trong guồng máy quyền lực nhà nước. Và dĩ nhiên, chúng có khả năng
chi phối nền kinh tế thị trường ở Việt Nam nhờ vào các mối quan hệ đặc
biệt đó. Vả lại, nếu có xảy ra thảm họa, thì hình bóng chúng đã lặn mất
tăm hơi.
Rõ ràng đây thuần là một vụ làm ăn buôn
bán, không hơn không kém. Nước ta thì tận năm 1986 mới mở cửa, chắc
chắn những mánh chước thương trường không bằng người ta. Nhất là khả
năng chào hàng, văn hóa doanh nghiệp, ứng biến với những tình tiết phức
tạp phát sinh,…
"Không có gì như ĐHN mà lợi
và hại lại đi sóng đôi với nhau như vậy. Lợi thì có chừng mực, còn mức
độ thiệt hại to lớn vô cùng, di chứng dai dẳng, đắp mồ cả một vùng rộng
lớn nếu xảy ra sự cố. "
Nhưng cũng nên nhớ
thêm, ngay cả Nhật và Nga, hai nước giàu có, ý thức tác phong công
nghiệp hàng đầu mà những rủi ro trong quản lí, điều hành nhà máy điện
hạt nhân vẫn còn nóng hổi. Họ đem công nghệ ấy đến nước ta, vì vấp phải
sự không đồng tình, ủng hộ từ chính nước họ, do người dân các nước ấy đã
“khiếp vía” hậu quả nhãn tiền.
Không có gì như
ĐHN mà lợi và hại lại đi sóng đôi với nhau như vậy. Lợi thì có chừng
mực, còn mức độ thiệt hại to lớn vô cùng, di chứng dai dẳng, đắp mồ cả
một vùng rộng lớn nếu xảy ra sự cố. Bài học Chernobyl và Fukushima vẫn
còn mới mẻ nguyên xi ra đó.
Chưa nói ở Ninh
Thuận, nơi ấy còn có tộc người Chăm bản địa đang tập trung sinh sống
đông đúc, có truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều đền tháp hiện hữu cho
tín ngưỡng-tôn giáo vẫn còn hoạt động. Gây bất an, khốn đốn cho người
sắc tộc thiểu số, nền tâm linh ngàn đời của họ là tội lỗi lớn không thể
dung thứ được, vi phạm nhiều điều mục của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc
cũng như những Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, kí kết.
Trăn
trở và tìm hướng đi mới để phát triển năng lượng, giúp đất nước thoát
tình trạng nghèo đói hiện nay là mục tiêu phấn đấu tốt đẹp. Tuy nhiên,
xét về nhân sự chất lượng cao, trình độ công nghệ và ý thức kỉ luật
trong công việc, chúng ta đều thiếu và yếu. Chúng ta lại vừa để hao hụt,
mất mát quá lớn ở nhiều vụ, như vụ PMU18, vụ Vinashin, vụ EVN,… Nay
chúng ta lại tiếp tục huy động nguồn vốn kếch sù vào ĐHN, trong khi
thành quả, người dân thụ hưởng chưa đáng là bao so với tiền của, công
sức bỏ ra. Mà một khoản nợ lớn đã sừng sững mọc lên trước mặt như ngọn
núi lòng chảo chốn quê nhà, chắn mùi mưa lành gió mát, đùn tụ nắng lửa
khô giòn, rát bỏng da người.
Thảm họa Fukushima được xem là minh chứng cho cái hại của điện hạt nhân
Chúng
ta có quyền mơ ước, điều đó không ai cấm cản. Nhưng truyền thuyết về
chàng Thánh Gióng, yêu nước và anh hùng, sức mạnh và phép thuật, vừa là
sự thật lịch sử được phóng đại, vừa là giấc mơ cứu thế của nhân dân
nhiều đời hứng chịu chiến tranh loạn lạc, sinh li tử biệt. Chắc chắn
trong mỗi chúng ta, ai ai cũng mang hào khí Phù Đổng, sẵn sàng ra trận
khi có họa ngoại bang.
Nhưng ngày nay chúng ta
đang sống trong thời bình, xây dựng và phát triển đất nước là mục tiêu
duy nhất và hàng đầu. Chúng ta cần những thương gia có tâm có đức, nhà
nghiên cứu khoa học biết xắn tay áo, ống quần đi thực địa nhiều hơn nhằm
đưa ra những ý tưởng khoa học, dự án phù hợp, áp dụng cho từng vùng đất
đặc thù trên cả nước. Chứ chúng ta không cần những thương gia bất chấp
nhân mạng con người để trục lợi, nhà khoa học sa-lông, chỉ quan tâm đến
chế độ nóng lạnh của máy điều hòa cơ quan và triên miên hội họp, xét bổ
chức vụ.
Vừa làm hạt nhân vừa đào tạo nhân sự
Riêng
ở Việt Nam, khi dự án ĐHN ở Ninh Thuận được Quốc hội thông qua, người
ta mới hối hả đi đào tạo thêm nhân sự. Vừa đào tạo đại trà cho kịp tiến
độ, vừa mời các công ty đấu thầu cho có lệ, vì thực ra như trên đã nói,
nhóm lợi ích đã tác động dàn xếp đâu ra đấy từ lâu. Chỉ còn dư luận chân
chính là cản trở bước đi của họ mà thôi.
"Không
ở đâu như Việt Nam, một dự án lớn và quan trọng bậc nhất như ĐHN mà
tiếng nói, vai trò của người dân cũng như trí thức mờ nhạt, thậm chí thờ
ơ, lãnh đạm với thời cuộc một cách lạ lùng, khó hiểu như vậy."
Nếu
nhìn ra các nước không thấy nước nào làm như vậy, chỉ có Việt Nam mới
nảy nòi cách làm việc bốp xốp, sự sự vô ngại. Thật tâm để làm dự án này,
chính phủ phải hoạch định chính sách con người và đưa nó vào chương
trình học tập ở các bậc học trung học, đại học, sau đại học từ vài chục
năm trước, chứ không phải phù một cái là làm ngay được. Còn cam kết an
toàn này tuyệt đối nọ chỉ là một lời hứa hão, hứa suông mà người dân đã
“chán ngấy” ở các phiên trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội hằng
bao năm nay.
Không ở đâu như Việt Nam, một dự án
lớn và quan trọng bậc nhất như ĐHN mà tiếng nói, vai trò của người dân
cũng như trí thức mờ nhạt, thậm chí thờ ơ, lãnh đạm với thời cuộc một
cách lạ lùng, khó hiểu như vậy. Chỉ khổ thân những tuyên truyền viên,
ngày ngày rỉ rả đọc nói, nhưng khi được hỏi về kiến thức cơ bản của ĐHN
thì bỗng đâm ra ù ù cạc cạc.
Tình hình chung của
nước ta bao nhiêu năm qua là vừa làm vừa học. Nhưng xin ghi nhớ giùm,
đây là ĐHN, không phải chuyện đùa. Không phải chúng ta cứ đầu tư tiền
bạc vào nó, nếu làm chưa tốt thì chúng ta rút kinh nghiệm ở những dự án
khác. Nó không giống những dự án luật, cứ điều chỉnh, bổ sung, thay đổi
xoành xoạch được. Một khi tác phong công nghiệp anh chưa ý thức lắm, học
trò vừa rời ghế nhà trường kiến thức chỉ thuần lí thuyết chưa ổn định,
có họa rò rỉ phóng xạ là lẽ đương nhiên.
Đ. C. T.
Bài đã đăng BBCVietnamese.com, ngày 19.4.2012.