Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Tạp cảm ở Hà Nội

Hôm trước lên inrasara.com, thấy có bài viết của Kiều Dung về "Nhìn nhận đời sống công nhân Chăm ở Đồng Nai", định thư riêng cảm ơn KD. Vì mình có thời gian dài "tạm trú" ở Vĩnh Cửu, mà chưa có lấy một bài cho những thân phận Chăm mình. Buồn.
Dự định sau chuyến ra Bắc lần này, về sẽ ghé lại Vĩnh Cửu, thăm những người anh em bạn bè quen biết. Và cố gắng "đẻ" một bài cho thoả nguyện. Nhưng "kẹt" lại lâu quá, đành chịu. Gần 2 tháng "giang hồ" phía bắc, mình cứ đi khắp nơi, lúc nhậu nhẹt bét nhè ở Hà Nội với anh em Hý hửng giáo, lúc hát hò ở BắcGiang, Quảng Ninh, Hải Dương,... với thi sĩ KhánhVăn Trần Nhật Minh và cộng sự, khi theo chân đạo tràng của Thầy Dũng, cùng nhạc sĩ Dương Trọng Nghĩa "ngao du tâm linh" dọc các đền Mẫu ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang...Đọc được bài của KD, cũng phần nào nguôi ngoai, ít ra cũng còn người trăn trở sinh mệnh cộng đồng Chăm. Nhân đây, Đồng Chuông Tử cảm ơn Kiều Dung đã thổn thức, nghiền ngẫm và rút ruột viết ra "hiện trạng mới" của Chăm mình. Dân tộc mình đã mất mát nhiều, chúng ta phải cố gắng giữ gìn tiếng nói, ngôn ngữ, huyết thống, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán, trong mọi tình huống cũ và mới phát sinh. Đừng để mai một thêm nữa, đừng thờ ơ, lãnh cảm thêm giây phút nào nữa nhé Chăm ơi. Hãy gìn giữ, tranh đấu để gìn giữ bản sắc và tâm hồn mình đến sat na cuối cùng còn trụ tạm lại cõi nhân gian này.
Hôm trước nhà thơ Inrasara có ra Bắc 10 ngày, cũng không gặp nhau được. Ông ra xem live show của ca sĩ - nhạc sĩ Chế Linh, theo lời mời của chính ca nhạc sĩ này. Đêm ấy, mình có đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia đứng bên ngoài thôi, thấy rất đông đảo người hâm mộ CL chen nhau ở cổng. Mình đâm háo hức lắm, liền gọi Inrasara liệu làm cách nào để được vào xem mà mình lại không có tiền. Ông nói qua điện thoại tiếng được tiếng mất, phải mua vé mua vé. Nếu biết ông trả lời như vậy, thì mình đã đi mượn tiền mua vé từ lâu rồi he he. Đành cụt hứng, lẩn thẩn cuốc bộ đi về đọc sách. Trong lòng gợn lên cảm giác cô đơn khó tả.
Ở Hà Nội, không gặp được ai để nói tiếng Chăm, tiếng mẹ đẻ, nhớ lắm giọng nói Xa ai lơi, Drei kamei, Amé -Amư, Uôn ralo plei nugar,...Nhớ giữa tháng 9, ca sĩ Chế Linh ở Canada, gửi mail. Mình hồi âm lại nói đang lang thang Hà Nội, khi nào Cei ra gặp nhé. Nhớ Chăm lắm rồi. Ông hồi âm lại, ok về Việt Nam sẽ gặp. Ở Hà Nội gặp được Chăm mình là vui lắm quý lắm, ông nói.Vậy mà xong live show rồi, cũng chưa gặp được ông. Tủi.   
Hôm nay vào mạng, thấy các báo đồng loạt đưa tin Live show Chế Linh lần 2, diễn ra ở Hà Nội bị huỷ vì nhiều lí do. Nhưng có lẽ, lí do lớn nhất là không thống nhất được tên gọi. Nghĩ cũng lạ, chỉ có cái tên gọi thôi mà làm khổ nhau đến thế đấy. Sao họ không ngồi lại với nhau, bàn bạc tháo gỡ khúc mắc nhỉ. Theo tin bí mật trong giới bầu sô ca nhạc ở Hà Nội cho hay, nhà tổ chức đã bỏ khoảng 1,8 tỉ cho live show của CL ở ba miền. Riêng tiền vé ở Hà Nội đã lời gần 2 tỉ, chưa nói đến tiền quảng cáo. Lưu ý nhà tổ chức là con trai một vị tướng.
Nhắc đến việc bị huỷ sô, mình chợt nhớ đến chuyện hình mình bị gỡ khỏi pa nô chân dung các nhà thơ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 và an ninh văn hoá cấm nhà thơ Phan Hoàng, MC Ngày thơ không được nêu tên mình trên sân khấu. Năm đó, mình ra tập thơ đầu tay Thèm ăn, Nxb.Thanh niên ấn hành, nhờ sự giúp sức của nhà thơ Ngô Thị Hạnh, lúc đó đang là Biên tập viên của nhà này và anh Thắng, hoạ sĩ dàn trang, vẽ bìa cho tập thơ. An ninh cũng kéo đến nhà xuất bản làm khó dễ cho Hạnh rất nhiều. Cũng may người tính không bằng trời tính, tập thơ mình ra đời trót lọt.
Rồi đầu tháng 9 năm nay, mình bị loại khỏi danh sách đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc. Nghe nói trong cuộc họp nào đó, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, có nêu đích danh mình và vài người bạn ở Sài Gòn là trên gọi điện, cấm không cho đi. Mà tính mình lạ, ai càng cấm, mình càng quyết đến xem cái sự thể nó ra làm sao, nó là quái quỷ gì dám cấm cản một công dân tự do ở một đất nước "độc lập, tự do, hạnh phúc". Rồi cũng nghe nói bọn Sài Gòn nó chơi mình, nó tấu lên điệp khúc xuyên tạc này nọ lên trên. Mình cũng không chấp. Cái mục đích ra HN vừa qua là để uống rượu với anh em mình thân quen mà không dễ gì được dịp gặp mặt đông đủ như thế. Và mình đã gặp đã say đã vui... đã đời. Vậy thôi, ai cấm ai chơi khăm kệ họ, mình không màng. Viết đến đây mình bỗng nhớ đến Khả Lôi quá chừng, thằng em làm thơ, thương gia đình nhỏ của mình bị đói rét, dành phần lớn thời gian đi kiếm tiền. Nhiều khi mình nghĩ không biết có phải mình bị điên không mà lại không mê tiền mê bạc. Chỉ sống chết với thơ và đề cao nghĩa khí quân tử giang hồ ba lăng nhăng vớ vẩn he he.
Tập thơ thứ ba của mình bị ách lại không biết bao giờ mới ra, anh Trung Trung Đỉnh, bảo Cục xuất bản bắt Nxb. Hội nhà văn làm giải trình lên, nó đang ghim đang đọc đang hí hoáy soi tập thơ mình bằng kính hiển vi hay kính gì gì đó. Tên mình dính "phốt" dính pheo quá trời nhưng không rõ phốt pheo gì cụ thể.
Tuy nhiên,có một tin vui cho tập thơ mới là anh em văn nghệ sĩ ở Hà Nội, đang hết sức cố gắng giúp mình, một cách nhanh chóng nhất cho tập thơ ra đời trước khi mình quay về nam. Nhân đây, Đồng Chuông Tử chân thành cảm ơn các bạn các anh em văn nghệ sĩ rất nhiều! Mong thuận buồm xuôi gió cho tất cả.
Phụ lục: Thêm một tin vui ngoài lề, khi mình đang viết bài này, thằng em Bá Minh Truyền, bút danh Jaya Bahasa, gọi điện hỏi thăm sức khỏe và báo tin mừng đã bảo vệ thành công xuất sắc luận văn Thạc sĩ sử học ở Trường Đại học KHXH và NV Thành phố HCM. Nguyên cớ để Truyền báo tin chắc có lẽ luận văn trên có một phần công nhỏ bé, mình chăm sóc chính tả cho em nó hi hi. Chúc mừng em, Bá Minh Truyền! Hi vọng bằng cấp em vừa đạt được là cái móng vững chắc để em xây nên căn nhà to lớn, cho em. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng của căn nhà, nghĩa vật chất lẫn tinh thần nữa nhé.  
HN, 1.11.11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét